Aa

Quyết liệt giải ngân 30 tỷ USD vốn đầu tư công

Thứ Hai, 06/07/2020 - 12:00

Với nguồn vốn cần giải ngân năm 2020 rất lớn (700.000 tỷ đồng, khoảng 30 tỷ USD), gánh nặng dồn lên 6 tháng cuối năm là rất lớn.

Theo Bộ Tài chính, về giải ngân vốn đầu tư phát triển, mặc dù đạt tiến độ khá so cùng kỳ năm 2019 (33,1% so với 28,6% của năm 2019), song nếu so với số vốn đầu tư công được phép giải ngân trong năm 2020 bao gồm cả nguồn các năm trước chuyển sang thì số giải ngân 6 tháng mới đạt 28,94% kế hoạch. Đặc biệt, giải ngân vốn ngoài nước mới đạt hơn 10% dự toán năm 2020.

Đến nay, còn 33 bộ, cơ quan Trung ương và 7 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%. Trong đó, có 10 bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 5%. Đáng chú ý, có một số ngành trung ương chưa giải ngân đồng vốn nào như Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam…

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong tháng 6/2020, Bộ Tài chính đã tiến hành kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư tại các một số bộ, địa phương. Qua tổng hợp báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, Bộ Tài chính cho rằng, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công chủ yếu tập trung vào các nguyên nhân, như vướng về cơ chế chính sách, giải phóng mặt bằng, do dịch COVID-19…

Trao đổi về những vướng mắc do thay đổi về cơ chế chính sách, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, thời gian vừa qua, việc thực hiện các quy định theo Nghị định 68/2019/NĐ-CP ngày 14/8/2019 của Chính phủ về chi phí đầu tư xây dựng công trình đã gặp nhiều khó khăn do chưa có hướng dẫn xác định định mức, đơn giá nhân công, giá ca máy, chỉ số giá xây dựng, đơn giá xây dựng công trình... Đây cũng là vướng mắc mà nhiều bộ, địa phương đang gặp phải.

Giải phóng mặt bằng chậm dẫn đến chậm giải ngân vốn đầu tư công chủ yếu vướng về cơ chế chính sách, giải phóng mặt bằng, do dịch COVID-19…

Trong báo cáo mới đây gửi Thủ tướng Chính phủ, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì trình Thủ tướng Chính phủ hoàn thành việc giao bổ sung, điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách nhà nước (NSNN) giai đoạn 2016 - 2020 cho các dự án của các bộ, ngành, địa phương dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2020 theo đúng Nghị quyết số 84/NQ-CP của Chính phủ.

Bộ Tài chính cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì rà soát, tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh hoặc thu hồi kế hoạch vốn năm 2020 đối với các trường hợp chưa đủ điều kiện bố trí vốn hoặc không còn nhu cầu sử dụng vốn.

Với nguồn vốn ngân sách trung ương năm 2019 kéo dài sang năm 2020 của các dự án chậm tiến độ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cần chủ trì rà soát, tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh giảm, chuyển sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt và có nhu cầu bổ sung vốn để thực hiện trên cơ sở đề nghị của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Bộ Xây dựng cũng cần sớm có hướng dẫn về quy trình, thủ tục cập nhật giá gói thầu, thẩm quyền quyết định sử dụng chi phí dự phòng của giá gói thầu khi cập nhật giá gói thầu...

Về phía các bộ, ngành trung ương và địa phương, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, Bộ Tài chính đề nghị trước ngày 30/6/2020, phải hoàn thành việc giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2020 cho các dự án. Đồng thời, chỉ đạo chủ đầu tư hoàn thành việc thu hồi vốn ứng trước, thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản của các dự án được giao kế hoạch năm 2020 trong tháng 5/2020. Đến hết tháng 8/2020 giải ngân toàn bộ số vốn kéo dài các năm 2018, 2019…

Theo ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn, quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện quá trình kiểm soát chi, xử lý đơn rút vốn tại Bộ Tài chính, KBNN để đảm bảo đúng thời hạn quy định; không để tồn đọng hồ sơ mà không có lý do, đôn đốc chủ đầu tư làm thủ tục kiểm soát chi trong 4 ngày kể từ khi có khối lượng hoàn thành, không để tồn đọng đến cuối năm…

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top