Aa

Rác cũng là hoa

Thứ Bảy, 07/03/2020 - 07:00

Phần yếu đuối, cô đơn và tự ti trong mỗi con người, nếu như có khả năng an tĩnh mà nhìn sâu, chúng ta sẽ nhận ra đó cũng chính là phần dạy ta biết sống khiêm nhường, biết lẽ bao dung và biết cách yêu thương đến tận cùng.

Những cành hoa gạo rực đỏ rụng một góc bên sân đình… Tia nắng vàng ươm sáng lấp lánh như kim cương, len lỏi qua kẽ lá mà đặt xuống mặt đường, trên từng nếp nhà, trải lên cả mái tóc, bờ vai những đóa hoa vàng ấm áp…

Có những lúc, cũng giống như đất trời một ngày sầm tối lại, mây đen bủa vây và rồi sấm sét, mưa gió ào ạt. Trong cuộc đời, cũng có khi chúng ta cảm thấy mình như đang đi cô độc giữa con đường một chiều dài hun hút. Xung quanh bế tắc, giông bão và lạnh lẽo. Chỉ có một mình mình vậy thôi.

Thực ra, theo quy luật của vũ trụ này, những cảm thọ cũng vô thường. Như ngày nắng rồi có cả những ngày trời vần vũ gió mưa. Cảm giác buồn – vui, bế tắc, lạc quan ấy đương nhiên không phải ảo giác.

Có một cách rất cụ thể để nhận được nguồn năng lượng lành từ chính mình. Trái tim, tâm hồn của mỗi chúng ta là một hiện hữu của vũ trụ. Với mỗi người con Việt, ý thức về điều này lại càng sáng tỏ.

“Con người có tổ có tông

Như cây có cội, như sông có nguồn..”

“Cây có cội” tức là chúng ta chỉ là phần xương thịt, phần khát khao, ước vọng, phần tâm thức nối dài từ muôn ngàn đời nguồn cội tổ tiên. Chúng ta còn là hợp thể từ muôn ngàn tinh anh của trời đất. Cần bao nhiêu ngày nắng để hạt lúa đơm bông, cần bao nhiêu hạt mưa để làm nên những suối nguồn và dòng nước ngọt lành nuôi ta khôn lớn ? Cần bao nhiêu năm, bao nhiêu tháng, bao nhiêu sự biến đổi tiến hóa của mỗi tế bào và chuỗi gen sinh học để dung mạo và tâm thức ta có như hôm nay ?

Nội tâm chúng ta cũng cần được tiếp nối và cần được rèn luyện để trở nên an tĩnh hơn, thấy được thế sự đổi thay mà giữ được lòng trong sáng bình ổn. Đó chính là tâm thế, thường giữa vô thường.

Nếu như cảm thọ vô thường, như trời đất có ngày sầm sập tối, như mưa gió có lúc bủa vây vần vũ, chúng ta biết rất rõ rồi tất cả sẽ đi qua. Cảm xúc cũng như đất trời, đổi thay theo quy luật chung, như là những nhân duyên trong đời, Ngày qua đêm tới, hết nắng lại có mưa. Có như vậy mới làm nên ngày tháng, mới có “chúng ta” hôm nay, mới có sự nảy lộc đâm chồi và có một “tương lai” cho tất cả.

Nếu có thể, một lúc nào đó bạn rơi vào tâm trạng không tốt hoặc là rất tệ, tôi chân tình, nguyện bằng những lời này có mặt cùng bạn, ở bên bạn. Trong mỗi chúng ta luôn có một “em bé” yếu đuối, có đầy lòng tin tưởng, có sự giản dị trong sáng. Trong chúng ta cũng có một “người lớn” vững chãi hơn, an tĩnh hơn. 

An lạc tự trong tâm (Nguồn: Internet)

Chúng ta có một khả năng tự chữa lành, như thể là ta khóc trong vòng tay của chính mình, yếu đuối trong sự chở che của chính mình, nương tựa tơi bờ vai và trái tim vững vàng của chính mình!

Khi tâm trạng buồn khổ xâm chiếm, hãy thở một hơi để dừng lại, và để cho “em bé” mặc lòng khóc, mặc lòng cô đơn buồn tủi. Hãy ngắm nhìn để thấy nỗi buồn ấy cũng thật đẹp, “em bé” ấy thật đáng thương, đáng yêu và tất cả rồi sẽ qua đi. Khóc trong sự che chở và nâng đỡ của chính mình. Hãy khóc, hãy xót xa nếu không thể chịu đựng nổi, nhưng đừng gục ngã. Hãy trở thành nơi nương tựa của chính mình, như tựa đề một bản kinh của Phật dạy, phải quay về nương tựa nơi: “hải đảo tự thân”.

Bạn thấy không ? Hoa hôm nay là nụ, là hoa xinh xắn, ngày mai tàn úa héo rũ thành rác… Cây không vì được yêu được khen ngợi mà hợm hĩnh, cũng không vì bị chê, bị khinh miệt mà buồn. Đất không vì thiếu một nhánh hoa xinh đẹp mà xót xa cằn cỗi. Cây vẫn ươm mầm và dòng nhựa vẫn âm thầm để mùa sau lại nảy lộc đơm hoa. Tôi từng đọc trong cuốn sách rất dễ thương “Hiểu về trái tim” những vần thơ thế này:

“Cảm ơn đời màu nhiệm

Tạo duyên có rồi không

Hết không rồi lại có

Cho ngày mới đơm bông”

(Sư Minh Niệm)

Phần yếu đuối, cô đơn và tự ti trong mỗi con người, nếu như có khả năng an tĩnh mà nhìn sâu, chúng ta sẽ nhận ra đó cũng chính là phần dạy mỗi chúng ta biết sống khiêm nhường, biết lẽ bao dung và học được cách thương yêu đến tận cùng. Ai cũng có vụng về, ai cũng có một “em bé” cô đơn, lo sợ hoặc yếu đuối bên trong mình. Bởi vậy, hiểu mình và thương mình thành thật trước những sai lầm do mình tự làm ra, trước những vụng dại lỡ lầm của mình một cách thành thật để đứng lên vững vàng mới là điều đáng quý.

Không bạo động, không ngược đãi, không chìm đắm hay xua đuổi đè nén mà ngồi lại, để học cách quan sát chính mình, hiểu mình và thấu đáo về bản thân mình hơn. Có như vậy, chúng ta mới có thể trưởng thành.

Biết yêu bản thân mình chính là điều kiện cần đầu tiên để mỗi chúng ta có thể yêu thương được người khác một cách thành thật. Tất nhiên, yêu thương để được yêu thương trở lại là một nhu cầu không vô lý nhưng đó lại là thứ tình yêu vì một cái tôi vị kỷ. Khi chúng ta thành thật với chính mình, đó là bí quyết để mỗi người có thể tự ngồi lại và ôm ấp những nỗi khổ niềm đau của mình và từ đó biết thương một cách thật lòng sự bế tắc, vụng về hay đau khổ của người khác.

Bí quyết nằm ở chỗ, phải thành thật với chính mình. Đó là một chiếc chìa khóa để ta đối diện và đi qua khổ đau. Ẩn sâu bên trong mỗi cuộc đời, ẩn trong mỗi kiếp người là một viên ngọc của “Phật tính”. Ấy chính là tính thiện, là sự sáng trong và trái tim có tình thương, có lòng tốt nguyên thủy mà ta tiếp nhận từ ngàn đời ước vọng của tổ tiên, của tiềm thức vũ trụ gửi gắm.

Mỗi một tháng ngày không yên ả đi qua trong cuộc đời, mỗi một giọt nước mắt rơi xuống cũng là để cho chúng ta không bỏ quên một “em bé” bên trong mình cần chăm sóc, cần được nương tựa. “Em bé” ấy, cũng là phần yếu đuối, phần thiệt thòi, phần cơ cực, phần lầm lỗi ở mỗi kiếp sống mà chúng ta vẫn gặp hàng ngày. Nên, thành thật với chính mình, thương mình và hiểu mình, cố nhiên, chúng ta sẽ biết yêu thương người bằng trái tim thiện lương và trong sáng. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top