Aa

Rau khúc

Thứ Tư, 05/02/2020 - 06:30

Vào mùa bánh khúc ở quê tôi khi xưa nhà nào cũng như có cỗ đám. Người đốt lò, người xay bột, người giã khúc... tiếng thậm thình to nhỏ, thanh trầm, trong đục... rộn rã khắp làng.

Ở nhà quê mà bỏ qua dịp trời cho này có thể hối tiếc cả năm. Một thời rau khúc mọc nhiều nhất ở những chân ruộng mạ bỏ rờm, dọc theo bờ ruộng... Nhiều người là con em nông dân chính hiệu giờ đây cũng không biết chân ruộng mạ là ruộng gì. Xin thưa, nó là loại ruộng chỉ chuyên dùng gieo mạ. Hết vụ là bỏ không cho các loại cây khác có sức nào cứ mọc, vô hàng lối. Chân ruộng mạ cũng có thể dùng để cấy, thường cho ra loại gạo cực thơm ngon, do hạt mẩy, có lẽ vì hưởng thừa dinh dưỡng từ đám mạ dùng không hết. Chân ruộng mạ chính là nơi lý tưởng để cây khúc cắm chân. Ngoài ra, khúc lang thang có mặt khắp nơi, lẫn vào các loại cây cỏ khác.

Sau Tết Nguyên Đán, mùa rau khúc lại về. (Ảnh: Nguyễn Minh Tuấn)

Khúc có hai loại: Khúc tẻ và khúc nếp. Chúng chỉ khác nhau ở chỗ, khúc nếp mập hơn, lá to bản hơn, nhiều lông hơn, dưới ánh nắng màu óng ánh như tráng bạc nõn, khi chế bánh cho vỏ dai và cũng thơm hơn. Mùa rau khúc kéo dài nhưng thời gian có rau ngon lại ngắn. Khi đó mặt ruộng lấp lóa màu ngũ sắc.

Rau khúc vừa dai vừa dẻo. Khúc nếp đưa lên miệng nhai chẳng khác gì kẹo cao su bây giờ. Rau khúc hái từ ruộng về phải chế biến ngay. Để lâu rau bị “ôi” làm bánh không được như ý. Món trứ danh nhất, quái lạ nhất chế từ rau khúc là bánh khúc.

Như bất cứ món bánh dân dã nào, nguyên liệu làm bánh khúc chỉ gồm: Bột gạo nếp và tẻ với tỷ lệ thế nào là thuộc về từng người làm, đỗ xanh, thịt lợn cộng với gia vị. Nó đặc biệt so với tất cả các loại bánh khác chính là có thêm rau khúc. Rau khúc giã nhuyễn, bỏ xơ, trộn với bột gạo cho vào cối giã tiếp, dùng để làm vỏ bánh, thường có màu xanh nhạt, dẻo, dai... cứ như có thể đàn hồi được.

Những nguyên liệu sử dụng để làm bánh khúc. (Ảnh: Nguyễn Minh Tuấn)

Vào mùa bánh khúc ở quê tôi khi xưa nhà nào cũng như có cỗ đám. Người đốt lò, người xay bột, người giã khúc... tiếng thậm thình to nhỏ, thanh trầm, trong đục... rộn rã khắp làng. Khi được bánh, người ta mời đổi nhau để cùng thưởng thức tài nghệ của nhau, còn có chuyện mà bàn ra tán vào bên ấm chè nóng.

Cho đến bây giờ, tôi vẫn giữ y nguyên trong ký ức cái háo hức, cái sống động của những đêm làng giã khúc. Hồi hộp và mong mỏi nhất là lúc mẻ bánh đầu tỏa hương thơm như khía vào con tỳ con vị. Chõ bánh bốc hơi nóng ngùn ngụt. Ấy thế mà những bàn tay lành nghề vẫn thoăn thoắt đưa từng lượt bánh ra ngoài. Mỗi chiếc bánh được đính bởi những hạt xôi nếp căng mọng, trông như những hạt ngọc. Thơm tứa nước miếng! Thôi thì xuýt xoa, thổi nóng phù phù, xoa tay lên tai... nhưng nhất định phải đưa được bánh ra khi còn nóng hôi hổi. Phải vừa ăn vừa thổi mới tận hưởng hết hương vị và cảm giác lạ lùng từ cây rau khúc.

Món trứ danh nhất, quái lạ nhất chế từ rau khúc là bánh khúc. (Ảnh: Nguyễn Minh Tuấn)

Bạn có thể lấy làm khó hiểu trước sự gắn bó bền chặt của người nông dân với cuộc sống quá đơn sơ của họ. Còn tôi thì không. Có quá nhiều thứ neo vào tâm hồn họ. Chẳng hạn như tôi, ngay giờ đây, dù đã là dân phố, tôi vẫn có thể sống lại cái cảm giác hạnh phúc tuyệt vời không phải lúc nào và ai cũng có thể tìm lại được, ấy là khi buổi sáng nào đó tỉnh dậy đã thấy mẹ đặt sẵn phần cho một đĩa bánh khúc. Miếng ngon nhớ lâu. Thỉnh thoảng tôi cũng thử đi tìm bánh khúc nguyên bản như hồi bé mẹ làm nhưng cuối cùng đành thú nhận, nó, cái thứ bánh vừa thơm vừa đậm hương vị của đất đai ấy, giờ thực sự chỉ còn lại trong nỗi hoài niệm.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top