Aa

Rót bạc tỷ kiếm lời: “Nếu lãi bất động sản chỉ 3-4% chẳng ai đầu tư làm gì!”

Thứ Hai, 23/12/2019 - 06:15

Ông Trương Thanh Đức cho rằng việc cam kết lợi nhuận lên đến 10% không có gì xa lạ. Trái phiếu cũng 10%, gửi ngân hàng cũng cao như vậy. Vậy nếu bất động sản mà chỉ 3-4% chẳng ai đầu tư làm gì.

Chuyên gia cho rằng nếu cam kết lãi suất vào bất động sản chỉ 3-4% thì chẳng ai đầu tư vào làm gì!

Không chỉ gặp tranh cãi về tính pháp lý, bất động sản nghỉ dưỡng trong đó nổi cộm là phân khúc căn hộ du lịch (condotel) còn thu hút sự chú ý của dư luận trước những nghi ngờ về khả năng cam kết lãi suất.

Bàn luận về vấn đề này, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng condotel có tiềm năng rất lớn, nhất là ở dự án có vị trí đẹp, được cấp phép bình thường.

Ông Đức cũng cho rằng việc cam kết lợi nhuận lên đến 10% không có gì xa lạ. Trái phiếu cũng 10%, gửi ngân hàng cũng cao như vậy. Vậy nếu bất động sản mà chỉ 3 - 4% chẳng ai đầu tư làm gì.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng, rủi ro, được thua trong kinh doanh là chuyện bình thường. Tuy nhiên, đối với condotel còn là câu chuyện pháp lý. Do vậy cần hoàn thiện pháp luật mới đỡ vướng mắc.

Bên cạnh đó, ông Đức cũng cho rằng bản chất condotel không có gì, tồn tại thời gian qua xuất phát từ phía doanh nghiệp.

Đưa lời khuyên cho nhà đầu tư trong năm 2020 khi rót tiền vào loại hình bất động sản này, ông Trần Kim Chung - Phó Viện trưởng CIEM lưu ý một số vấn đề.

Thứ nhất, pháp lý càng chắc chắn càng ít rủi ro. Tùy vào bản ngã của nhà đầu tư tiềm năng – thích rủi ro hay ghét rủi ro.

Thứ hai, cần quan tâm đặc biệt đến nhà đầu tư xây dựng, nên chọn nhà đầu tư phát triển có năng lực phát triển trong 1 - 2 năm tới.

GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lại cho rằng, thời gian qua nhiều nhà đầu tư thứ cấp mất tiền, thua thiệt không thiếu trong việc đầu tư condotel, đặc biệt là những người vay tiền để đầu tư.

Lời khuyên của ông Võ đưa ra theo đó phụ thuộc vào 2 kịch bản. Thứ nhất, việc sửa đổi pháp luật mà không xong hoặc sửa nhưng không đúng quy luật thị trường. Thứ hai, sửa tốt, hiệu quả, thúc đẩy thị trường.

Trong đó, nếu sửa luật hiệu quả, nhà đầu tư thứ cấp đầu tư vào phân khúc nào cũng có thể đạt được lợi ích, chỉ còn một điều là nhà đầu tư dự án là ai, độ tin cậy đến đâu, dự án nằm ở vị trí nào.

“Nếu pháp lý chưa xuôi, khi đầu tư vào các dự án nhà ở, tất nhiên vẫn phải nhìn xem chủ đầu tư là ai, độ tin cậy, ở vị trí nào”, ông Võ nói.

Trước đó, nhiều chuyên gia cũng lên tiếng cho rằng một trong những nguyên nhân khiến condotel phát triển chậm hơn so với giai đoạn trước là do “trục trặc” từ việc cam kết lãi suất.

Theo quan điểm của TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, cam kết đầu tư condotel lãi tới 10 - 12% không phải quá cao. Tuy nhiên mức lợi nhuận này cũng đủ để người ta quên đi các yếu tố về hợp đồng, dự báo về tỷ lệ lấp đầy, chủ đầu tư có kinh nghiệm trong kinh doanh bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch hay không.

“Trong tất cả các vấn đề của lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng thì tỷ lệ lấp đầy vô cùng quan trọng, nếu thấp sẽ không đạt được điểm hoà vốn chứ đừng nói sinh lời. Nhưng nhà đầu tư thứ cấp chỉ nhắm đến lợi nhuận chứ không xem dự báo tài chính”, ông Hiếu nhận định.

Cũng theo chuyên gia này, không có một chuẩn mực nào về tỷ lệ lợi nhuận khi đầu tư condotel. Tuy nhiên có một nguyên tắc bất biến trong đầu tư là lợi nhuận càng cao thì rủi ro càng cao. “Một món đầu tư mà đưa ra mức lợi nhuận quá hấp dẫn đều là những món đầu tư nhiều rủi ro”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top