Aa

Rừng ơi ta đã về đây!

Thứ Sáu, 13/04/2018 - 07:00

Những cánh rừng bạt ngàn phía tây các tỉnh miền Trung giờ cũng trở nên thưa vắng. Tây Nguyên có lẽ là tệ hại nhất. Những doanh nghiệp đồ sộ, giầu có về gỗ ở vùng đất này đồng nghĩa với rừng bị truy sát, triệt hạ.

Cái câu hát đầy cảm xúc ấy không biết đã ám vào tôi từ bao giờ. Vận vào tôi thì đúng hơn. Cứ mỗi khi từ thành phố trở lại với rừng dù đó là cánh rừng đước miệt sông nước Cà Mau hay một cánh rừng đại ngàn trong một khu bảo tồn hoặc chỉ là lơ thơ dấu vết của rừng già trong vùng hồ thủy điện thì cũng vẫn là những cảm xúc trào dâng rất khó diễn tả.

Tôi thích rừng và mê rừng. Rừng luôn nằm trong trí tưởng của tôi khi đọc những cuốn sách đông tây kim cổ. Những cánh rừng tai ga trong tiểu thuyết Nga bí ẩn với tôi đến tận bây giờ. Rồi rừng của miền núi phía bắc đầy khơi gợi và giầu có với đinh, lim, sến, táu, là loại gỗ tứ thiết quý hiếm. Rõ và kỳ thú nhất là rừng trong Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi. Những cánh rừng trong trí tưởng ấy phải mãi tận khi tôi trưởng thành, có điều kiện đặt chân đến thì mới tận mục sở thị. Và rừng đúng như những gì tôi tưởng tượng và ước vọng.

Rừng xưa cháy trụi tan nát vì bon đạn giặc

Rừng xưa cháy trụi tan nát vì bom đạn giặc thù.

Dạo chiến tranh, không kể rừng Trường Sơn dọc đường hành quân vào Nam, tôi có được những phút giây vô cùng thanh thản cùng rừng già miền Đông Nam Bộ. Dạo đó, trận địa của chúng tôi để tìm được một địa điểm tác chiến lý tưởng là rất khó. Rừng già bạt ngàn, pháo cao xạ đương nhiên phải chiếm lĩnh được không gian thoáng rộng, tầm quan sát phải đủ được bốn phương, tám hướng mới có thể chiến đấu.

Tôi nhớ những trận địa mình từng chiến đấu nằm ở ven rừng cao su, rừng le và cả giữa cánh rừng già Phước Long. Chao ôi là rừng, tôi đã tha thẩn không biết bao nhiêu lần giữa đại ngàn. Những gốc cây to hàng mấy người ôm nhiều không kể xiết. Những khúc suối thần tiên, nước trong cát trắng mơn man cùng sỏi đá và cá thì nhiều bắt không hết. Không có rừng có lẽ sự tồn tại của chúng tôi khó khăn hơn nhiều. Gỗ rừng làm hầm trú, lán trại, công sự chiến đấu. Rừng đãi đằng lính tráng dạo ấy đủ loại từ cây trái, rau rừng đến muông thú, mật ong. Nhớ đang đường hành quân, dừng nghỉ chợt bắt gặp một cây quéo quả chín rụng chạt gốc. Thế là lính tráng trèo hái. Chao ôi là cái vị thanh thanh ngọt chua đọng mãi trên lưỡi đến tận bây giờ.

Bây giờ, dẫu bận mấy, mỗi năm tôi cũng phải vài lượt đảo về rừng. Những bữa tiệc lại rừng đọng đầy ý nghĩa. Nhưng quả thực rừng bây giờ tâm tưởng là nhiều. Phía bắc, thượng nguồn sông Đà khi lần lượt những công trình thủy điện lớn vào vận hành thì rừng đã xác xơ đi nhiều. Thủy điện cần cho nền kinh tế những đấy thực sự là gã lâm tặc lớn nhất triệt hạ rừng.

Những cánh rừng bạt ngàn phía tây các tỉnh miền Trung giờ cũng trở nên thưa vắng. Tây Nguyên có lẽ là tệ hại nhất. Những doanh nghiệp đồ sộ, giầu có về gỗ ở vùng đất này đồng nghĩa với rừng bị truy sát, triệt hạ.

Rừng nay đang chảy máu vì lòng tham mù quáng của con người.

Rừng nay đang chảy máu vì lòng tham mù quáng của con người.

Theo con số của Bộ NNPTNT, đến hết năm 2016, diện tích rừng của Việt Nam cả tự nhiên và rừng trồng là 14.377.462ha. Nếu chỉ thuần túy tính về con số thì so với năm 1945 diện tích rừng là 14,3 triệu héc-ta thì không có sự chênh lệch nhiều. Nhưng chất lượng rừng thì rõ ràng là một trời một vực. Tôi dám khẳng định rằng trừ một vài khu rừng nguyên sinh bảo tồn được bảo vệ khả dĩ còn thì tất cả các cánh rừng già của chúng ta đã cạn kiệt về cây lớn có giá trị về chất lượng và chủng loại gỗ.

Người ta phá rừng một cách bền bỉ và có quy mô. Không chỉ là lâm tặc, là ý thức người dân, mà chính những dự án lớn chuyển đổi mục đích sử dụng rừng mới làm giảm diện tích và chất lượng rừng đáng kể. Nạn tham nhũng đã tràn vào cả rừng già. Biết bao nhiêu biệt phủ, dinh thự của những công bộc những đại gia trong một nghĩa nào đó chính là những cái kho vô tận chứa của cải cướp bóc từ rừng. Gỗ quý, cây to chui hết vào những nơi đó. Có không ít những tòa nhà nguy nga như cung điện toàn bằng gỗ quý thách thức cộng đồng. Rừng bị triệt hạ đến mức không còn là báo động mà là sự tận diệt nguy hiểm cần phải trừng trị những kẻ phá rừng. Trừng trị thế nào lại là một câu chuyện khác rất cần trí tưởng tượng như tưởng tượng về rừng.

Nhưng dù gì rừng vẫn là rừng. Dẫu bị tàn phá bị thu hẹp nhưng vẫn còn đó những cánh rừng hoang sơ nơi núi cao rừng thẳm. Vẫn nguyên vẹn niềm mê say khám phá của những người yêu thích rừng. Và với tôi mỗi khi trở lại rừng vẫn ngân vọng câu hát nhập lòng từ dạo nào. Trở về với rừng là trở về với ký ức tuổi thơ, trang sách, với những tháng năm chiến trận rong ruổi, với niềm đam mê đất nước tươi đẹp, thiên nhiên đãi đằng, rừng vàng, biển bạc.

          Hà Nội, 13/4/2018

         

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top