Aa

S99 “chết lâm sàng” gần thập kỷ

Thứ Năm, 30/05/2019 - 11:02

Khi thị trường chứng khoán rơi vào khủng hoảng, S99 cũng giống như các cổ phiếu khác đều giảm giá mạnh. Tuy nhiên, mức giảm của S99 vẫn là kỷ lục và so với giá cổ phiếu cùng ngành, S99 nằm ở vùng đáy.

S99 đã từng là cổ phiếu “hot” trước khi mất giá 12 lần

S99 là mã cổ phiếu của Công ty cổ phần SCI, đây là cái tên không xa lạ với nhà đầu tư trên sàn chứng khoán, nhưng đa phần giới xây dựng vẫn chỉ quen gọi S99 là Công ty cổ phần Sông Đà 909. Nhưng nếu ai từng quan tâm S99 trong nhiều thập kỷ qua sẽ dễ nhận thấy, mỗi cái tên đều ghi lại những dấu ấn phát triển đậm bản sắc từng thời lãnh đạo của doanh nghiệp ngành xây dựng này.

S99 tiền thân là Xí nghiệp Sông Đà 903, thuộc Công ty Sông Đà 9, Tổng Công ty Sông Đà được thành lập ngày 20/11/1998. Ngành nghề kinh doanh cơ bản của S99 là nhận thầu thi công các công trình dân dụng, công nghiệp, xây dựng thủy điện, bưu điện, công trình thủy lợi,... nhận thầu thi công bằng phương pháp khoan nổ mìn; sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng; kinh doanh xuất nhập khẩu thiết bị công nghệ xây dựng...

Ngày 6/12/2006, công ty đã được chính thức đăng ký giao dịch cổ phiếu tại HNX. Sau nhiều lần tăng vốn điều lệ đến nay S99 có vốn điều lệ hơn 400 tỷ đồng. Gần đây nhất S99 thay đổi đăng ký kinh doanh lần thứ 11 ngày 26/6/2015.

Như vậy đến nay S99 đã có 13 năm lên sàn chứng khoán với nhiều bước thăng trầm. Và cũng từ khi niêm yết trên HNX, S99 thực sự được chú ý nhiều hơn. Nhưng giai đoạn 2003, khi S99 có Phó Giám Đốc - Giám đốc mới cũng là khi cổ phiếu S99 giảm khủng khiếp trong lịch sử với mức giảm 12 lần.

Vốn là cổ phiếu ngành thi công xây dựng hái ra tiền, S99 khi mới lên sàn cũng đắt giá 45.000 đồng/cổ phiếu. Thế nhưng cứ liên tục giảm giá, đến khi S99 xuống về dưới mệnh giá (bằng giá một mớ rau - 3.500 đồng/cổ phiếu).

Cũng phải thừa nhận rằng, thời kỳ này, S99 cũng trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế 2009 - 2013. Khi thị trường chứng khoán rơi vào khủng hoảng, S99 cũng giống như các cổ phiếu khác đều giảm giá mạnh. Tuy nhiên, mức giảm của S99 vẫn là kỷ lục và so với giá cổ phiếu cùng ngành, S99 nằm ở vùng đáy.

Vì đâu nên nỗi?

Thực tế từ năm 2006 – 2009, lợi nhuận của S99 không cao nhưng tăng trưởng tốt, từ 3 tỷ đồng năm 2006 lên 22 tỷ đồng năm 2009. Bắt đầu từ năm 2011, lợi nhuận doanh nghiệp này giảm 10 lần, thậm chí báo lỗ trong báo cáo tài chính chưa kiểm toán.

Thời đó, khi cổ phiếu S99 mất giá mạnh không chỉ bởi lợi nhuận sụt giảm hay thua lỗ, mà nhiều nhà đầu tư đã mất niềm tin vào ban lãnh đạo cũng như sự minh bạch của doanh nghiệp này.

Còn nhớ năm 2011, S99 đã phải giải trình chênh lệch kết quả kinh doanh bán niên trước và sau kiểm toán. Nguyên nhân là trước kiểm toán công ty báo lỗ gần 5 tỷ đồng, nhưng thực tế sau kiểm toán công ty lãi hơn 600 triệu đồng. Theo lãnh đạo S99, nguyên nhân chênh lệch là do cách tạm tính doanh thu xây lắp công trình thủy điện không chuẩn với con số thực tế. Thứ hai là do kinh phí tính đẩy lên hơn 2 tỷ đồng do tính cả chi phí mua bảo hiểm xe máy và một số cách phân bổ các loại phí khác chưa đúng.

Không chỉ vậy, S99 cũng khiến nhà đầu tư thất vọng khi nhiều dự án đã lên kế hoạch thực hiện, sau đó lại bị hủy. Năm 2011, S99 lỗ hoạt động kinh doanh 4,3 tỷ đồng và chỉ đạt 320 triệu đồng lợi nhuận sau thuế. Công ty không thể trả cổ tức 4% như kế hoạch đặt ra.

Trả lời cổ đông, S99 giải trình rằng, các chủ đầu tư công trình gặp khó khăn về nguồn vốn đồng thời chi phí lãi vay tăng cao đã ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh của công ty. Đến cuối năm 2011, chi phí sản xuất kinh doanh dở dang của S99 lên đến 68 tỷ đồng và các khoản phải thu khách hàng là 28 tỷ đồng, tổng cộng là 96 tỷ đồng chiếm đến 42% tổng tài sản của công ty. Giá trị các khoản này chủ yếu nằm tại công trình thủy điện Lai Châu, Sê San 4 và Pleikrong.

Chi phí tài chính của công ty tăng mạnh lên 19 tỷ đồng do lãi suất thực tế tăng cao đẩy chi phí lãi vay tăng và chi phí trích lập dự phòng đầu tư tài chính lớn. S99 đầu tư cổ phiếu 12 tỷ đồng và phải trích lập dự phòng đến 8 tỷ đồng trong năm 2011.

Tại Đại hội cổ đông thường niên vào tháng 5/2012, lãnh đạo công ty cho biết: “Sau khi các gói thầu tại Thủy điện Lai Châu cơ bản hoàn thành, S99 đã chủ động tìm kiếm các dự án mới và trúng thầu một số dự án trong đó có dự án BV Việt Tiệp với giá trị khoảng 350 tỷ đồng. Tuy nhiên do nghị quyết 11 của Chính Phủ, dự án này bị dừng triển khai đã ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của công ty”.

Chưa kể có khả năng làm dự án hàng trăm tỷ hay không, nhưng ngay cả dự án chục tỷ, S99 cũng phải xem xét lại nguồn vốn. Khi đó, trả lời câu hỏi của cổ đông về dự án bất động sản tại Ngọc Khánh và 2 dự án mỏ tại Hà Tĩnh, lãnh đạo công ty cũng cho biết – Dự án tại Ngọc Khánh cơ bản đã hoàn thành các thủ tục giấy tờ pháp lý, chỉ còn chờ văn bản chấp thuận mang tính thủ tục của Bộ kế hoạch và Đầu tư. Tuy nhiên ngay cả khi được chấp thuận S99 hiện tại cũng không có nguồn vốn để triển khai và thị trường bất động sản cũng không thuận lợi để triển khai.

Về hai dự án mỏ tại Hà Tĩnh, do nhu cầu xây dựng giảm mạnh nên S99 cũng chủ động giãn tiến độ đầu tư vào hai mỏ này. "Nếu đầu tư 35 tỷ đồng vào mỏ để khai thác đất san lấp và đá ra mà không bán được sẽ không có hiệu quả trong khi nguồn lực của công ty có hạn", công ty giải thích. 

ĐHCĐ năm 2012 khi đó của S99 cũng đã thông qua việc hủy kế hoạch tăng vốn lên 400 tỷ đồng như đề ra trong năm 2011 và đồng ý phương án tăng vốn mới từ 99 lên 200 tỷ đồng.

Kế hoạch tăng vốn của S99 nhiều lần thất bại, trước đó, năm 2011, S99 đã xin giấy phép phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn từ 99 tỷ đồng lên 170 tỷ đồng tuy nhiên do giá cổ phiếu giảm xuống dưới mệnh giá nên việc phát hành không thể thực hiện, sau đó, giấy phép đã hết hạn. S99 cũng không thể thực hiện giai đoạn tăng vốn từ 170 tỷ đồng lên 400 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu mới và trả cổ tức bằng cổ phiếu 15% của năm 2010.

Lãnh đạo mới vừa lên chức đã phải vội vàng cải tổ

Từ năm 2013, ông Phan Mạnh Hiệp được bổ nhiệm giữ chức vụ Tổng giám đốc công ty. Và từ tháng 7/2015, ông Nguyễn Công Hùng ngồi ghế Chủ tịch S99. Từ năm 2014, ông Nguyễn Công Hùng cũng đã giữ chức chủ tịch của CTCP SCI E&C (SCI).

Từ năm 2014 đến nay, lợi nhuận của S99 có phục hồi và cải thiện, trừ năm 2017 bị thua lỗ. Sau đó, năm 2018, lợi nhuận công ty bứt phá mạnh mẽ, phá kỷ lục nhiều năm trên sàn với mức lãi sau thuế hơn 64 tỷ đồng.

Do lợi nhuận quý I/2019 tăng đột biến so với năm trước nên lãnh đạo công ty này vừa phải giải trình với Ủy ban chứng khoán. Công ty cho biết, lợi nhuận quý I/2019 tăng 18 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2018 là do hoạt động kinh doanh xây lắp tăng trưởng mạnh. Theo đó, doanh thu và lợi nhuận gộp đều tăng trên 200%. Ngoài ra, việc tinh gọn nhân sự và cải thiện chất lượng tiết kiệm chi phí cho công ty.

Năm 2019, công ty này đặt mục tiêu lãi 69 tỷ đồng và trả cổ tức cho cổ đông 5%. Lãnh đạo S99 dự kiến quý IV sẽ chào bán hơn 10 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ trên 500 tỷ đồng.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu S99 mấy năm gần đây có cải thiện nhưng vẫn chưa vượt khỏi mốc mệnh giá. Hiện S99 giao dịch quanh mức 7.000 đồng/cổ phiếu với thanh khoản kém.

Do đó, dù lợi nhuận đã được ban lãnh đạo công bố tăng trưởng mạnh, nhưng kế hoạch chào bán cổ phiếu vẫn còn bỏ ngỏ khi S99 hiện nay vẫn chưa hấp dẫn nhà đầu tư. Dù vậy, nhà đầu tư vẫn đang trông đợi vào cuộc cải tổ mạnh mẽ của S99 sau khi thoát xác. 

Từ cuối năm 2014, giới đầu tư đã bàn tán về câu chuyện ở Công ty Cổ phần Sông Đà 909 đổi tên thành Công ty Cổ phần SCI.

Ngay sau đó, không chỉ đạt kết quả kinh doanh bất ngờ, S99 còn tiến hành một loạt thay đổi mang tính lột xác. Đầu tiên, Công ty quyết định chuyển hướng lĩnh vực ngành nghề. Thay vì tập trung vào thi công công trình công nghiệp thủy điện, S99 chuyển sang thi công công trình giao thông hạ tầng. Lãnh đạo S99 cho rằng, đây là ngành có thị trường lớn, cơ hội nhiều, với những dự án BOT và S99 có thể tận dụng được máy móc thiết bị sẵn có. Quan trọng hơn, nếu không rẽ hướng thì trong tương lai, do Sông Đà 9 đã rút vốn khỏi S99, công ty sẽ không còn công trình thủy điện nào lớn tương tự như Thủy điện Sơn La, Thủy điện Lai Châu để làm.

Về tổ chức hoạt động, S99 sẽ đi theo mô hình công ty mẹ - con. Cụ thể, công ty dự kiến thành lập các công ty con chuyên về từng mảng hoạt động như thi công xây lắp, xuất khẩu lao động. Công ty cũng định tìm kiếm cơ hội kinh doanh thông qua đầu tư góp vốn, mua cổ phần của một số công ty tương đồng với S99 và có tiềm năng.

Công ty đã mua thêm 1,2 triệu cổ phiếu PCT của Công ty Vận tải Dầu khí Cửu Long để trở thành cổ đông lớn, nắm hơn 10% vốn điều lệ tại đây. Hay từ chỗ chỉ sở hữu 1,92% vốn điều lệ ở Công ty Xây dựng và Đầu tư Sông Đà 9 (SCI), tháng 4 vừa qua, Công ty liên tục gom mua để nắm giữ 22,9% vốn điều lệ SCI.

Thông thường các doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ xắn tay sắp xếp lại hoạt động khi rơi vào khó khăn. Đó là khi hoạt động bán hàng của công ty bị chậm lại, doanh thu sụt giảm, công nợ gia tăng, giá chứng khoán giảm, đánh mất các cơ hội kinh doanh...

Còn tại S99, chắc chắn đã từng có những vấn đề lớn mà không phải ai cũng hiểu và không phải ngày một ngày hai có thể “thoát xác”. Ngay cả kết quả lợi nhuận tăng trưởng cũng chưa chắc lấy lại niềm tin của nhà đầu tư. Và để lấy lại phong độ một thời, S99 có lẽ vẫn cần thời gian.

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top