Aa

Sân bay Long Thành giai đoạn 1: Báo cáo nghiên cứu khả thi có khả thi?

Chủ Nhật, 27/10/2019 - 06:00

Đều sốt ruột vì tiến độ Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành) song các vị đại biểu Quốc hội còn nhiều băn khoăn, khi xem xét báo cáo khả thi giai đoạn 1 Chính phủ trình Quốc hội.

Tại tờ trình, Chính phủ đã làm rõ một số nội dung điều chỉnh, bổ sung so với chủ trương đầu tư đã được Quốc hội thông qua và kiến nghị 4 vấn đề.

Một là, chấp thuận hình thức đầu tư (trong đó 3/4 hạng mục giao cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - ACV).

Hai là, điều chỉnh diện tích đất giai đoạn 1 từ 1.165ha lên 1.810ha.

Ba là, điều chỉnh 1.050ha đất dành cho quốc phòng thành 570ha đất dùng riêng cho quốc phòng và 480ha để đất xây dựng kết cấu hạ tầng hàng không dùng chung cho nhiệm vụ quốc phòng và dân dụng.

Bốn là, chấp thuận chủ trương bổ sung hai tuyến đường bộ số 01 và 02 vào dự án để đầu tư theo quy mô phân kỳ đầu tư.

Mức độ khác nhau, song cả bốn kiến nghị đều khiến các vị đại biểu Quốc hội băn khoăn, theo ghi nhận trong chương trình nghị sự tuần qua.

LO VƯỚNG GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng (đoàn Đồng Nai)

Tôi thấy xung quanh dự án sân bay Long Thành có một số vấn đề cần làm rõ từ báo cáo của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Thứ nhất, diện tích đất tăng thêm tính vào dự án giải phóng mặt bằng hay tính vào giai đoạn 1 của dự án sân bay. Bài toán này nếu giải quyết không kỹ thì trong tổ chức thực hiện rất khó.

Để ưu tiên giải phóng mặt bằng và coi giải phóng mặt bằng là quan trọng thì Quốc hội đồng ý tách ra thành 1 dự án riêng và trong dự án đó không có mấy trăm ha tăng thêm này, cho nên nếu diện tích tăng thêm đưa vào dự án giải phóng mặt bằng theo Nghị quyết 53 sẽ phải điều chỉnh dự án giải phóng mặt bằng. Nếu đưa vào giai đoạn 1 sẽ dẫn đến tình trạng triển khai sau. Triển khai sau sẽ dẫn đến chênh lệch chính sách trong thu hồi đất ở tại địa bàn dù đất đó là đất của cao su nhưng vẫn có một tỷ lệ đất của người dân được giao quản lý trong thời gian vừa qua.

Như vậy cũng là sân bay Long Thành nhưng có 2 diện tích giải phóng mặt bằng với 2 chính sách khác nhau. Tôi cho rằng, như này sẽ gặp khó, vướng trong quá trình thực hiện. Vì vậy, nếu được nên cân nhắc bổ sung thêm việc giải phóng mặt bằng như quốc hội đã thông qua.

Thứ hai tôi thấy kết nối giao thông giữa sân bay Long Thành như báo cáo thẩm tra đặt ra rất đúng. Bởi vì QL51 bây giờ quá tải, những dự án đường sắt đô thị nêu ra đến năm 2040 mới có khả năng xây. Như vậy, giai đoạn 1 đến năm 2030 kết nối như thế nào, vấn đề này cần phải tính toán kỹ. Ngay cả đường cao tốc từ TP.HCM - Long Thành hiện nay đã quá tải và thứ Bảy, Chủ nhật gần như đường cao tốc lại bị kẹt xe, thành thấp tốc mà kết nối này không có lưu ý, giải pháp cụ thể để giải quyết cũng sẽ rất khó trong quá trình triển khai thực hiện.

Thứ 3 cần làm rõ cơ chế giao đất đối với các doanh nghiệp thực hiện các dự án thuộc hạng mục 4 mà trong báo cáo có nói là các dự án hợp tác đầu tư hoặc khai thác... Tôi thấy cái này cần cân nhắc bởi nó liên quan đến việc thu hồi đất của dân và sau này được giao cho các doanh nghiệp thực hiện các dự án như thế nào.

Đối với người dân mà nói, vì sân bay Long Thành thì người ta di dời sớm để phục vụ cho mục tiêu làm sân bay. Nhưng nói là sân bay Long Thành nhưng trong đó có cũng có những dự án thuần túy là kinh doanh, dù là kinh doanh phục vụ cho sân bay cũng là kinh doanh. Đây là vấn đề cần phải hết sức chú ý chứ sau này Đồng Nai làm công tác tư tưởng với dân khó lắm. Đây là vấn đề tôi thấy cần làm rõ thêm.

ĐỀ NGHỊ CHÍNH PHỦ LÀM ĐÚNG VAI

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển (đoàn Lai Châu)

Sân bay Long Thành Quốc hội đã có chủ trương đầu tư tại Nghị quyết 94. Theo Luật Đầu tư công, Quốc hội chỉ cho chủ trương đầu tư còn báo cáo khả thi, thực hiện thì do Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên trong chủ trương đầu tư có 3 giai đoạn, Nghị quyết 94 chưa đưa ra cụ thể thời gian.

Báo cáo khả thi giai đoạn 1 trình Quốc hội lần này có thay đổi diện tích đất quốc phòng, 1030ha hiện chuyên đất quốc phòng là hơn 500ha. Nêu để riêng 1 đường băng cho quốc phòng là lãng phí, đề nghị Nghị quyết phải có câu “khi cần thiết phải ưu tiên cho quốc phòng”. Thứ hai là đề nghị điều chỉnh đất, trong 5.000ha vẫn sử dụng trong đó, không cần thiết xin ý kiến Quốc hội.

Vấn đề thêm 136ha cho 2 tuyến đường, Chính phủ cần nêu rõ tại sao phải cần thêm 136ha nếu chỉ làm 2 tuyến đường. Đề nghị Chính giải trình rõ nội dung này. 2 dự án này có nằm trong sân bay Long Thành không thì cân nhắc thêm thì.

Chính phủ chưa làm tốt tinh thần của Nghị quyết 94. Quốc hội thấy được khó khăn của Chính phủ nhưng Chính phủ cần có tầm nhìn. Việc giao cho ai, chỉ định thầu hay đấu thầu đều có quy định cụ thể.

Vấn đề nữa là tiến độ thế nào, đồng tình với ý kiến ghi rõ đảm bảo tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng vì nếu giải phóng chậm thì giá lên. Cái này chậm thì thi công chậm, Chính phủ phải đảm bảo và chịu trách nhiệm trước Quốc hội về tiến độ và kiểm điểm trách nhiệm. Quốc hội làm đúng vai của mình và yêu cầu Chính phủ làm đúng vai.

ĐẤU THẦU THÌ NGOÀI ACV KHÓ CHỌN ĐƯỢC DOANH NGHIỆP KHÁC

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể (đoàn Sóc Trăng)

Liên quan đất quốc phòng, về tổng thể diện tích không thay đổi là 1.050ha như quyết định trước đây mà nghị quyết Quốc hội đã nêu. Nhưng trong quá trình triển khai Chính phủ đã chỉ đạo, và Bộ Giao thông Vận tải đã làm việc với Bộ Quốc phòng và Bộ Quốc phòng đã có văn bản thống nhất việc bố trí 1.050ha này, có 570ha là đất chuyên dụng quốc phòng, thuộc an ninh quốc gia, khu vực phòng thủ, chỉ Bộ Quốc phòng sử dụng số đất này. 

Còn 480ha dùng chung thì Chính phủ cũng thấy rằng rất hợp lý, vì nếu làm một đường băng cho đất quân sự mà chỉ phục vụ huấn luyện thì rất lãng phí, bởi không phải lúc nào cũng xây 1 đường băng huấn luyện.

Rút kinh nghiệm từ Tân Sơn Nhất và một số sân bay thì chúng tôi thấy đất dùng chung như vậy là rất hợp lý. Nên Chính phủ quyết định trình Quốc hội quyết định bố trí 480ha sử dụng lưỡng dụng. Như vậy sẽ giảm nguồn lực đầu tư và hiệu quả khai thác dân dụng và quân sự tốt hơn rất nhiều. Việc này đã được Bộ Quốc phòng thống nhất bằng văn bản.

Thứ hai là đất đường số 1, 2 thì báo cáo là, nếu chúng ta đầu tư hai tuyến đường này bằng đầu tư công thì chúng ta sẽ bố trí đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 vì ngân sách nhiệm kỳ này đã phân bổ hết. Nếu 2021 - 2025 ngay từ giờ mới chuẩn bị danh mục, nếu đầu tư công thì đến 2021 mới lập được dự án. Sau khi được phê duyệt thì mất gần 1 năm thì địa phương mới có kế hoạch đưa vào kế hoạch sử dụng đất, 2021 may ra mới triển khai rà phá bom mìn, chuẩn bị điều kiện vốn, hồ sơ đấu thầu thi công, như vậy rất chậm.

Vì vậy ACV lập báo cáo nghiên cứu khả thi, Ủy ban quản lý vốn, Bộ thấy rằng nếu đưa hai dự án này vào trong dự án Long Thành giai đoạn 1 thì Chính phủ phê duyệt đầu tư giai đoạn 1 trong đó có 2 con đường này. Như vậy Đồng Nai sẽ có đủ điều kiện thu hồi đất và đầu 2020 sẽ giải phóng mặt bằng. Nhà đầu tư sẵn sàng bỏ ra 4.800 tỷ để giải phóng mặt bằng, thi công hai công trình này.

Rõ ràng doanh nghiệp làm được, chứ nếu Nhà nước làm thì chúng ta mất thêm 4.800 tỷ đầu tư công, thủ tục kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ giai đoạn 1, vì đây là đường vận chuyển vật tư, thiết bị vào khu 5.000ha.

Thứ ba, liên quan đến một số nhiệm vụ chuyên ngành, hiện nay Chính phủ giao ACV lập dự án trình Quốc hội và Chính phủ. Về nguyên tắc, sau khi dự án được duyệt sẽ đến một bước nữa là chúng ta chọn ai triển khai sân bay này.

Hiện nay chúng ta chưa có đơn vị triển khai. Chúng ta xác định không đầu tư công, nên phải chọn nhà đầu tư. Mà nếu chọn nhà đầu tư, sau khi Chính phủ phê duyệt dự án, chúng ta sẽ phát hành hồ sơ mời thầu. Đây là sân bay quốc tế gắn liền với an ninh quốc gia nên chắc chắn là chúng ta sẽ tổ chức đấu thầu trong nước. Mà đấu thầu trong nước thì sẽ phải chọn doanh nghiệp trong nước thực hiện.

Hiện nay ACV là đơn vị duy nhất ở Việt Nam quản lý 21 sân bay. Còn sân bay Vân Đồn do Sungroup sở hữu nhưng ACV được thuê điều hành sân bay. Nên chúng tôi thấy ngoài ACV thì không có đơn vị nào có đủ kinh nghiệm quản lý sân bay để có thể tổ chức đấu thầu.

Theo luật đấu thầu, chúng tôi sẽ phát hành hồ sơ mời thầu, cho thời gian doanh nghiệp nghiên cứu, tham gia, chấm thầu, công bố trúng thầu, dành thời gian để cho doanh nghiệp khiếu nại. Theo luật đấu thầu thì từ 3 doanh nghiệp trở lên chúng ta mới mở thầu còn dưới 3 doanh nghiệp chúng tôi xin Chính phủ mở thầu đặc biệt, trong trường hợp chúng ta đấu thầu không thành công. Có thể chúng ta đấu thầu lần 2, có nghĩa là kéo dài thêm 1 tháng nhưng không có đủ 3 doanh nghiệp thì về nguyên tắc cũng phải xin.

Nên chúng tôi cho rằng cuối cùng chúng ta cũng chỉ chọn được ACV, bởi vì các doanh ghiệp khác không có kinh nghiệm quản lý về sân bay.

Cuối cùng, chúng ta mong muốn tìm ra doanh nghiệp có thể đảm bảo quốc phòng an ninh, có kinh nghiệm vận hành sân bay sau này. Nếu tổ chức đấu thầu theo luật thì sẽ mất thêm 1,5 năm. Sau đó khi chọn được nhà đầu tư rồi thì mới làm hồ sơ thiết kế mất 1 năm nữa. Tổ chức đấu thầu tôi đánh giá khả năng lớn nhất là ACV nhưng chậm hơn 1 năm rưỡi, có nghĩa là chúng ta phải khởi công năm 2022 hoặc 2023 thay vì 2021 như dự kiến.

Do đó, Bộ báo cáo Chính phủ, báo cáo Quốc hội nắm, cho ý kiến, để Chính phủ thực hiện theo luật để hoặc chỉ định thầu hoặc như thế nào, nhưng chúng tôi cũng báo cáo là chỉ định thầu thì 2021 khởi công được. Còn tổ chức đấu thầu thì ngoài ACV ra cũng khó chọn được doanh nghiệp nào có thể làm và vậy mất thêm 1,5 năm nữa.

NÊN GIAO ACV LÀ CHỦ ĐẦU TƯ

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM)

Chúng tôi đánh giá cao sự chuẩn bị của Chính phủ trong việc chuẩn bị báo cáo nghiên cứu khả thi dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 trình Quốc hội, rất bài bản. Chúng ta đã nhờ các tổ chức tư vấn chuyên nghiệp trong đó có cả tư vấn đến từ Nhật, Pháp.

Đã đến lúc, cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành vì hiện sân bay Tân Sơn Nhất đã quá tải, đe dọa đến an ninh an toàn bay, cũng như vấn đề thu hút nhà đầu tư và khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam. Theo kế hoạch, đến năm 2025, phải đưa giai đoạn 1 dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành vào khai thác.

Dự án này là một trong những dự án có yếu tố an ninh quốc phòng rất quan trọng, nên việc tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước làm chủ đầu tư thực hiện dự án rất cần thiết.

Về việc giao ACV làm chủ đầu tư khai thác, có chút lấn cấn là đơn vị này đã cổ phần hoá, nhưng tỷ lệ vốn Nhà nước chiếm trên 95%. Vì lẽ đó, Chính phủ không thể chỉ định nhà đầu tư, mà phải trình Quốc hội. Tôi ủng hộ phương án này, để Quốc hội có 1 nghị quyết và nên giao cho ACV là chủ đầu tư.

BĂN KHOĂN NHẤT LÀ GIAO CHO ACV

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh (đoàn Quảng Ninh)

Quá trình thẩm tra báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, cơ quan thẩm tra gặp khó khi nhiều vấn đề ngay cả Hội đồng thẩm định quốc gia cũng chưa làm xong phần việc của mình nên những nội dung như tổng mức đầu tư, kế hoạch tài chính, chính sách đặc thù dành cho dự án cũng chưa thể xem xét.

Trong số 4 vấn đề Chính phủ đề xuất Quốc hội xem xét quyết định, gây nhiều băn khoăn nhất là đề xuất Quốc hội quyết định việc giao cho ACV đầu tư dự án.

Cụ thể, trong số 4 hạng mục triển khai tại dự án, có 3 hạng mục được giao ACV, một hạng mục giao Tổng công ty quản lý bay (doanh nghiệp 100% vốn nhà nước).

ACV có 95% vốn nhà nước, về nguyên tắc vẫn là công ty cổ phần. Như vậy, việc quyết định giao dự án sẽ thực hiện theo điều 22 Luật Đấu thầu, thẩm quyền quyết định hoàn toàn thuộc Chính phủ.

Nhưng việc Quốc hội chỉ định thầu cho một doanh nghiệp cụ thể thực hiện một dự án đầu tư công, trước nay chưa từng có.

Chúng tôi ủng hộ ACV vì nếu xét về tiền, có lẽ không ít doanh nghiệp khác có nhiều hơn nhưng về kinh nghiệm quản lý, đầu tư lĩnh vực xây dựng cảng hàng không thì ACV chắc chắn ưu thế. Ý Thủ tướng khi đề xuất Quốc hội quyết định việc giao dự án cho ACV là mong Quốc hội đồng hành cùng Chính phủ, cùng chịu trách nhiệm với Chính phủ về quyết định này chứ nếu không, 5 - 10 năm nữa Ủy ban Kiểm tra trung ương lại vào, xác định chỉ định thầu như thế là sai thì không biết sẽ làm sao. Đó là vấn đề còn băn khoăn nhiều nhất.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top