Aa

Sản phẩm: Con đường từ xưởng sản xuất đến thị trường

Chủ Nhật, 30/06/2019 - 06:00

Việt Nam ta vừa mới hội nhập vào nền kinh tế thị trường toàn cầu mà các nhà sản xuất lại không muốn làm căn cơ bài bản, muốn thổi thằng bé lên ba thành lực sĩ Thánh Gióng huyền thoại thì... cứ mơ đi.

Cách đây mấy chục năm, tôi đã từng phụ trách một xưởng sản xuất thuốc. Lúc ấy đương thời bao cấp, bao vây cấm vận... thôi thì đủ loại khốn khó. Để cho ra được một sản phẩm nào đó phải chạy tìm mua nguyên liệu, phụ liệu, bao bì, nhãn dán, hộp đựng đủ thứ.

Mà nào có dễ tìm dễ mua, có khi lang thang khắp Hà Nội, mò xuống tận Hà Đông để mua mấy chục lít tinh dầu long não. Đi lên tận Lục Ngạn chỗ nhà máy đường Đình Kim chỉ để mua được mấy thùng phuy cồn dược dụng. Con đường làm ra được một sản phẩm gì đó thời ấy quả thực là gian nan.

Thế nhưng được cái sản phẩm ra đến đâu bán hết đến đấy. Bán veo veo. Không có hàng mà bán. Sản phẩm gì cũng bán được! Lúc ấy hình như đầu vào nó quyết định cho việc chúng tôi sản xuất cái gì: Chạy mua được nguyên liệu gì thì sản xuất cái đó.

Đến lạ. Là bởi cái hồi đó sản xuất theo kế hoạch, làm đủ sản lượng thì thôi, chả ai muốn làm thêm. Bởi có làm hơn cũng có thêm được bao nhiêu thu nhập đâu nên cán bộ công nhân chả ai mặn mà. Ai cũng muốn dành thời gian đi làm việc khác kiếm ra tiền hơn.

Sau này số phận đưa đẩy, cách quãng một thời gian khá lâu bỏ nghề sản xuất, tôi lại quay lại xây nhà máy, lắp dây chuyền sản xuất thuốc. Lúc ấy nước mình đã kinh tế thị trường hoàn toàn rồi. Mọi thứ ê hề. Máy móc vật tư trang thiết bị, trong nước ngoài nước đủ cả. Toàn đồ hiện đại. Bấm nút chạy một ca cho ra cả núi sản phẩm...

Nhưng lúc này lại vướng ngay câu hỏi còn hóc búa hơn thời xưa: Bán sản phẩm thế nào đây, bán cho ai... Mà sản xuất ra không bán được thì chỉ có sập tiệm! Hơn lúc nào hết tôi thấm thía cái mệnh đề, đầu ra của sản phẩm mới là yếu tố quyết định tuổi thọ của cái sản phẩm mình làm ra thế nào. Đảo ngược lại hồi bao cấp! Rồi phải thú thực thế này, do cả nhiều yếu tố khác nữa nên tôi đã đành phải bán cả nhà máy mình để bao hy vọng vào đó đi...

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Lan man kể các bạn nghe chuyện đi sản xuất xưa nay của tôi là có lý do cả.

Chẳng là dịp gần đây các công ty lớn nhỏ nước mình đua nhau công bố sản xuất cho ra đời những sản phẩm tinh xảo hiện đại: Điện thoại thông minh, tivi đời mới, xe hơi, đồ gia dụng cao cấp...

Nghe qua với góc độ người tiêu dùng thì tôi thấy mừng. Mừng vì nước nhà sản xuất được những sản phẩm đó thì người dân sẽ được lợi, lợi về giá cả chẳng hạn. Nhưng với góc độ là người đã từng đi sản xuất ra sản phẩm thì tôi lấy làm nghi ngờ, cả lo lắng nữa.

Bởi tôi biết giờ đây sản xuất ra một thứ hàng hóa máy móc phương tiện gì đó thì dễ. Rất dễ. Chỉ cần có tiền vốn là ta có thể đầu tư nhà máy, mua sắm trang thiết bị và sản xuất ra sản phẩm nhanh chóng. Thế nhưng để sản phẩm đó sống được trong thị trường cạnh tranh khốc liệt hiện nay mới là vấn đề. Giá thành phải hạ. Chất lượng phải đảm bảo. Mẫu mã phải đẹp. Và chiến thuật bán hàng marketing phải đánh trúng vào tâm lý người mua.

Nhưng quyết định nhất vẫn là hai yếu tố: giá thành và chất lượng sản phẩm! Mà cả hai điều này ở một sản phẩm để chứng minh với người tiêu dùng là hữu ích, phù hợp và chiếm được lòng tin của họ thì đều cần có thời gian. Thời gian khắc nghiệt đã chẳng từng làm cho sản phẩm của một anh chàng nổ tưng bừng biến mất nhanh như chưa từng xuất hiện đó sao? Rồi gần đây, một cái thương hiệu tivi đình đám nội địa Asanzo, chỉ một thời gian ngắn hoành tráng rồi cũng lộ ra là... hàng Tàu dán nhãn Việt đó sao? Thật buồn.

Vụ việc Asanzo sử dụng hàng Trung Quốc gắn mác Việt Nam gây xôn xao dư luận gần đây. (Ảnh: Tuổi trẻ)

Vụ việc Asanzo sử dụng hàng Trung Quốc gắn mác Việt Nam gây xôn xao dư luận gần đây. (Ảnh: Tuổi trẻ)

Trình độ sản xuất của một nước quyết định tầm vóc của nền kinh tế nước đó. Bạn hãy xem người ta sản xuất ra cái sản phẩm gì và nó đứng được trên thương trường đã bao nhiêu năm thì biết ngay nền sản xuất, nền kinh tế của nước người ta thâm hậu thế nào.

Còn Việt Nam ta vừa mới hội nhập vào nền kinh tế thị trường toàn cầu mà các nhà sản xuất lại không muốn làm căn cơ bài bản, muốn đi tắt đón đầu. Muốn thổi thằng bé lên ba thành ngay lực sĩ Thánh Gióng huyền thoại thì... cứ mơ đi.

Thật sự là chuyện huyền thoại ở thế giới này cũng có nhiều. Nhưng là người ta sáng tạo phát minh ra những sản phẩm mới. Người ta tạo ra huyền thoại mới! Còn mình đi lẽo đẽo theo sau thì thật khó mà đòi tạo ra huyền thoại gì đó. Tôi thì đồ rằng đây nó là cái chuyện lườm rau gắp thịt! Nhà “doanh nghiệp” lão luyện nào đó đang che giấu cái mục tiêu thực nấp đằng sau những lời quảng cáo sản phẩm hào nhoáng kia mà thôi.

Còn tất nhiên nền kinh tế thị trường với các quy luật cơ bản mà ông tổ Adam Smith đã đúc kết cho đến bây giờ vẫn nguyên giá trị và tuyệt đối đúng. Và với thời gian, bàn tay vô hình của thị trường sẽ điều tiết tất cả và làm rõ tất cả. Nhanh thôi.

Không tin tôi, bạn hãy chịu khó đợi xem. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top