Aa

Sao lại “xén lá phổi xanh” Cầu Giấy khi nhiều bãi đỗ xe ngầm vẫn “đắp chiếu"?

An An
An An pvhongvu@gmail.com
Thứ Tư, 27/03/2019 - 06:01

Giới chuyên gia quy hoạch đặt ra nghi vấn tại sao nguồn lực không tập trung để giải quyết các dự án bãi đỗ xe ngầm đắp chiếu mà lại đề xuất xây dựng mới?

Hàng loạt bãi đỗ xe ngầm nằm... trên giấy

Từ năm 2010 đến nay, UBND TP. Hà Nội đã đưa ra chủ trương xây dựng 7 dự án bãi đỗ xe ngầm nhưng các dự án này vẫn còn nằm trên giấy. Mới đây, trước đề xuất “xén” đất công viên Cầu Giấy làm bãi đỗ xe ngầm, giới chuyên gia quy hoạch, kiến trúc bức xúc đặt ra nghi vấn tại sao nguồn lực không tập trung để giải quyết các dự án bãi đỗ xe ngầm đắp chiếu mà lại đề xuất xây dựng mới?

Theo giới phân tích, trên thực tế, từ năm 2010, Hà Nội đã có chủ trương xây dựng các bãi đỗ hiện đại và bãi xe ngầm để phục vụ nhu cầu giao thông tĩnh của thành phố gồm: tại Khu thể thao Quần Ngựa, tại Công viên Thủ Lệ (quận Ba Đình), tại Cung văn hóa hữu nghị Việt - Xô, quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội, quảng trường Ngân hàng Nhà Nước (quận Hoàn Kiếm), Công viên Tuổi trẻ (quận Hai Bà Trưng).

Tuy nhiên, hầu hết các dự án bãi đỗ xe ngầm đều chưa được khởi công. Liên quan đến đề xuất “xén” đất công viên Cầu Giấy làm bãi đỗ xe ngầm, nhiều chuyên gia quy hoạch, kiến trúc sư cũng bày tỏ quan điểm không đồng tình, cho rằng từ nhiều năm nay, Hà Nội đã quy hoạch bến bãi đỗ xe nhưng không thực hiện được. Việc tiếp tục triển khai xây dựng bãi đỗ xe ngầm trong khi các dự án cũ đang chết yểu chắc chắn không tạo được niềm tin trong quần chúng nhân dân.

Hơn nữa, việc xén đất làm công viên ít nhiều sẽ làm ảnh hưởng đến “lá phổi xanh” của cả khu vực Cầu Giấy, trong khi quy hoạch đã được hoàn chỉnh. Bởi trước đó, thành phố cũng đã có quy hoạch cây xanh với mục đích phát triển một thành phố xanh, sạch, giảm mức độ ô nhiễm và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân.

Nếu dự án được triển khai xây dựng, những cây to sẽ phải đào bỏ hoặc di dời, không gian bị thu hẹp, nơi hoạt động chung của người dân bị ảnh hưởng? Việc xây dựng chỗ đỗ cho gần 900 ô tô ra vào có tạo ra tiếng ồn, khói bụi cho công viên, các trường học lân cận và người dân xung quanh? Liệu dự án này sẽ đi ngược với chủ trương của thành phố trong những năm gần đây: “Hà Nội hướng tới thành phố Xanh - Sạch - Đẹp”?

Ngoài ra, theo thống kê sơ bộ, tổng diện tích vườn hoa, công viên của Thủ đô chỉ chưa đầy 1,92% diện tích đất, tức chỉ 2,08m2/người. Thậm chí nhiều nơi, không gian công cộng đều được tận dụng tối đa cho kinh doanh và các hoạt động khác. Trong khi đó, mỗi năm dân số Thủ đô dự kiến tăng thêm khoảng 200.000 người, tương đương một huyện lớn. Xén công viên làm bãi đỗ xe, vậy thì đến bao giờ thành phố mới đạt chỉ tiêu 2,43m2 vườn hoa, công viên/người như đề án phát triển thành phố đến năm 2030?

Vì sao “xén lá phổi xanh” Cầu Giấy khi nhiều dự án bãi đỗ xe ngầm đang “đắp chiếu”

Vì sao “xén lá phổi xanh” Cầu Giấy khi nhiều dự án bãi đỗ xe ngầm đang “đắp chiếu”

Theo ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội phân tích, việc lập quy hoạch gara ngầm với Hà Nội là hết sức cần thiết, nhiều nước trên thế giới đã làm từ lâu rồi, Hà Nội bây giờ mới làm là quá muộn. Tuy nhiên, xây dựng như thế nào, xây dựng ở đâu thì phải cẩn trọng, phải xem xét đề xuất của doanh nghiệp xem có hợp lý hay không.

Trước hết, muốn có bãi đỗ xe ngầm thì cần có quy hoạch không gian ngầm nhưng tất cả các đô thị của chúng ta không riêng gì Hà Nội đều chưa có quy hoạch không gian ngầm. Hà Nội đã có quy định nghiên cứu không gian ngầm nhưng đến nay vẫn chưa được duyệt.

Thế nên, dù Hà Nội đã quy hoạch bến bãi đỗ xe, trong đó có các bãi đỗ xe ngầm từ lâu nhưng không thực hiện được. Rất nhiều dự án của Nhà nước cho đến doanh nghiệp tư nhân đặt ra nhưng rất tiếc đều không thực hiện thành công. Ví như bãi đỗ xe Hàng Đậu, trước trụ sở Ngân hàng Nhà nước, Công viên Thống Nhất”.

Cần phải tỉnh táo

Đối với trường hợp cắt đất công viên Cầu Giấy ông Nghiêm nhận định: “Xây dựng bãi đỗ xe ngầm là 1 vấn đề rất nan giải đối với Hà Nội và hết sức phức tạp. Bởi nó phải được diễn ra tại đô thị có dân số tăng ngoài mức dự kiến và chưa kiểm soát được phân bố dân số.

Theo đó, nếu muốn xây dựng ở Cầu Giấy thì cần phải kiểm tra, trong công viên này có phù hợp bãi đỗ xe ngầm hay không từ diện tích, đất, cây xanh, dân số, số xe. Đối với vị trí trong công viên thì cho phép làm bãi đỗ xe ngầm, nhưng yêu cầu phải kết nối với mạng lưới giao thông để không ùn tắc.

Đặc biệt, việc triển khai bãi đỗ xe ngầm trong công viên không được kết hợp sử dụng khai thác các dịch vụ thương mại. Cuối cùng, phải có ý kiến của cộng đồng - người dân khu vực có bị ảnh hưởng có đồng ý hay không. Bài học từ nhiều dự án khác, nếu không có sự đồng thuận của dân thì chỉ là quy hoạch trên giấy. Vậy thì cớ sao không tập trung các nguồn lực để thực hiện những dự án bãi đỗ xe còn đang dang dở mà lại đưa ra đề xuất xây dựng mới, điều này là nghịch lý”. 

KTS Ngô Doãn Đức

KTS Ngô Doãn Đức 

Đồng quan điểm, KTS. Ngô Doãn Đức, nguyên Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho hay: “Chủ trương này tương tự như dự án xây bãi đỗ xe ngầm, trung tâm thương mại tại công viên Thống Nhất. Tôi vẫn giữ nguyên quan điểm từ lâu rằng, công viên không có chức năng gì khác ngoài chức năng phục vụ người dân, phục vụ cộng đồng, là lá phổi xanh của thành phố, là nơi công cộng để người dân đến nghỉ ngơi, vui chơi giải trí, nằm trong tổng thể quy hoạch của mỗi thành phố.

Tuy nhiên, thời gian qua không ít công viên tại thủ đô đã bị lợi trở thành nơi kinh doanh, hoặc bị xẻ thịt làm bãi đỗ xe ngầm, bị chiếm dụng trở thành nơi xây nhà, xây công trình có khối tích lớn và chức năng nặng về kinh doanh. Điều này đã làm biến tướng hiện trạng đất công viên, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới không gian sống của người dân thành phố, khiến bộ mặt đô thị trở nên nhếch nhác”.

Theo KTS. Ngô Doãn Đức nhận định việc xây dựng bãi đỗ xe ngầm và trung tâm thương mại là tư nhân đầu tư, đứng trên quan điểm kinh doanh, nhà đầu tư sẽ luôn tính tới phương án có lợi cho nhà đầu tư. Nhưng dù thế nào thì doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng phải tôn trọng quy hoạch đã có và phía cơ quan chức năng cũng cần phải phân tích làm sao cho rạch ròi vấn đề sử dụng đất công, tránh làm thất thoát tài sản nhà nước. Đến thời điểm hiện tại cũng có ít nhất 5 bãi đỗ xe được quy hoạch gần khu vực này nhưng chưa được xây dựng, thậm chí còn bị chiếm dụng. Vậy vì sao nhà đầu tư vẫn muốn làm tiếp bãi đỗ xe ngầm ở đây? Mục đích thật sự khi đưa ra đề xuất này là gì?

KTS. Ngô Doãn Đức khẳng định thêm: “Bài học còn đó từ công viên Thống Nhất, giờ là đề xuất công viên Cầu Giấy, nếu lần sao là công viên Hoà Bình thì thế nào? Đặc biệt, trong bối cảnh quy hoạch của chúng ta còn đang đau đầu lẫn lộn chồng chéo về giao thông, quy hoạch ngầm, cống thoát nước. Đến thoát nước chúng ta còn chưa xong, xây bến xe ngầm nếu không tính toán kỹ thì chỉ mưa một lúc là ngập. Tóm lại là cần phải tỉnh táo, giữ cho được lá phổi xanh của thành phố, cho cộng đồng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top