Aa

Sắp có tiêu chí đánh giá, công nhận đô thị thông minh

Thứ Sáu, 02/12/2016 - 23:10

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan xây dựng, ban hành tiêu chí đánh giá, công nhận đô thị thông minh và hướng dẫn các địa phương thực hiện.

Xây dựng, ban hành tiêu chí đánh giá đô thị thông minh

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xây dựng, ban hành tiêu chí đánh giá đô thị thông minh. Ảnh minh họa.

Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến về xây dựng đô thị thông minh bền vững trên thế giới và Việt Nam.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử theo Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử và Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 – 2020 ban hành kèm theo Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Hiện nay cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã hình thành xu thế phát triển mới trong nhiều lĩnh vực, trong đó có đô thị thông minh. Đây là các khái niệm mới, cần được nghiên cứu thấu đáo, chỉ đạo thống nhất từ Trung ương tới địa phương, phù hợp với xu thế phát triển chung và điều kiện của Việt Nam để phát triển bền vững.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan xây dựng, ban hành tiêu chí đánh giá, công nhận đô thị thông minh và hướng dẫn các địa phương thực hiện, bảo đảm việc đầu tư thiết thực, hiệu quả, phù hợp với khả năng cân đối vốn và điều kiện của từng địa phương, tránh đầu tư theo phong trào, lãng phí, thất thoát.

Trước đó, tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông về việc phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, đô thị thông minh ở đây cần được hiểu là sử dụng CNTT để giải quyết bốn vấn đề phát sinh trong quá trình đô thị hóa một cách hiệu quả hơn.

Đó là: Dân số đô thị tăng, số đô thị tăng…từ đó gây áp lực lên môi trường, giao thông, dịch vụ y tế, nhà ở…; Hạ tầng  (điện, nước, giao thông) lạc hậu, quá tải; Cạnh tranh kinh tế giữa các đô thị, giữa các vùng tăng; Đòi hỏi của người dân về chất lượng cuộc sống tăng (môi trường, giáo dục, y tế, chính quyền…). 

Tuy nhiên, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân lưu ý đô thị thông minh không phải đơn thuần là đầu tư cho CNTT. Bản thân CNTT không thể giải quyết các vấn đề bức xúc trong quá trình đô thị hóa. Đô thị thông minh phải xuất phát từ nhu cầu của người lãnh đạo, là bài toán của các nhà quản lý. Người lãnh đạo ở đây chính là Chủ tịch, Bí thư tỉnh ủy, không phải là Giám đốc Sở TT&TT. 

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ năm mục tiêu cần đạt được khi triển khai đô thị thông minh. Hiệu quả kinh tế ở các đô thị phải cao hơn. Đến năm 2025, diện tích đô thị khoảng 10% diện tích cả nước, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 50% dân số, tạo ra khoảng 75% GDP. Môi trường sống phải tốt hơn; Người dân được chính quyền và doanh nghiệp phục vụ tốt hơn; Người dân tham gia quản lý đô thị và giám sát chính quyền; Thành phố phát triển bền vững. Ông đặc biệt nhấn mạnh vai trò của giám sát của người dân và coi đây là động lực thúc đẩy chính quyền trở nên năng động, hiệu quả hơn.

Từ đó Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nêu  4 giải pháp để xây dựng đô thị thông minh.

Thứ nhất, chính quyền phải dự báo phát triển, tránh ách tắc, khủng hoảng và đảm bảo phát triển bền vững (mô phỏng, quy hoạch động và được cập nhật thường xuyên).

Thứ hai, chính quyền hỗ trợ quyết định “tối ưu” của 4 chủ thể (hiệu quả kinh tế, xã hội, cá nhân), điều này dẫn đến hiệu quả sử dụng các nguồn lực ngày càng cao hơn (nguồn lực con người, tài nguyên, hạ tầng, vốn…), cuộc sống ngày càng thông minh hơn, hạnh phúc hơn.

Thứ ba, phát triển và khai thác không gian mạng trong không gian sống của mỗi cá nhân, doanh nghiệp, đơn vị, xã hội (giao dịch cá nhân, giao dịch kinh doanh, giao dịch với chính quyền).

Thứ tư, muốn có đô thị thông minh thì người dân tham gia quản lý (cảm biến xã hội, giám sát xã hội, trí tuệ nhân dân), đó là áp lực để dẫn đến một chính quyền năng động, hiệu quả./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top