Aa

Sau khởi đầu trầm lắng, thị trường bán lẻ Hà Nội nóng trở lại

Thứ Năm, 13/07/2017 - 06:00

Đó là nhận định của bà Đỗ Thu Hằng, Phó Giám đốc Bộ phận nghiên cứu Savills Hà Nội tại họp báo công bố tình hình thị trường BĐS Hà Nội quý II/2017 diễn ra mới đây.

Công suất và giá thuê đều tăng

Đưa ra những nhận định chi tiết về các phân khúc trong quý II/2017, đáng chú ý là phân khúc mặt bằng bán lẻ, bà Đỗ Thu Hằng cho biết, quý vừa qua, có 2 trung tâm thương mại mới đi vào hoạt động trong quý, cung cấp thêm 37.200m2, nâng tổng nguồn cung bán lẻ lên gần 1,25 triệu mét vuông. 

Dự báo, trong nửa cuối năm 2017, thị trường sẽ đón nhận thêm 7 dự án, nhưng chỉ có quy mô nhỏ với tổng nguồn cung là 47.000 m2. Bước sang năm 2018, dự kiến thị trường sẽ có thêm 9 dự án mới, với tổng quy mô mặt sàn là 212.000 m2.

Đánh giá về hoạt động của thị trường bán lẻ Hà Nội trong quý II, Savills cho biết, thị trường BĐS bán lẻ Hà Nội trong quý II/2017 diễn ra tốt, với công suất và giá thuê đều tăng. Giá thuê mặt bằng bán lẻ tại Hà Nội trong quý II đã tăng khoảng 3% theo quý. Công suất thuê đạt 89%, tăng 3,5 điểm % so với quý trước nhờ hoạt động cải thiện tại cả ba loại hình, trung tâm bách hóa, trung tâm mua sắm và khối đế bán lẻ.

Nguồn: Savills Việt Nam.

Nguồn: Savills Việt Nam.

Tuy nhiên, diễn biến của 3 loại hình nêu trên trong quý II có phần đối lập. Trong khi giá thuê của trung tâm bách hóa và trung tâm mua sắm đều tăng, thì giá thuê của khối đế bán lẻ lại giảm do nhiều khối đế bán lẻ ở khu vực ngoài trung tâm đều giảm giá thuê, đặc biệt ở các tổ hợp nhà ở. Riêng trong quý này, các trung tâm bách hóa đều đạt công suất thuê 100%, trong khi công suất bình quân tại trung tâm thương mại đạt 86%.

Đáng lưu ý, trong quý II/2017, khối đế 2 tòa tháp của tổ hợp Keangnam (đường Phạm Hùng) đã dừng cho thuê, khiến giá thuê khối đế bán lẻ ở toàn thị trường giảm xuống.

Phó giám đốc Bộ phận nghiên cứu Savills Hà Nội đánh giá thị trường đã phục hồi sau đà giảm giá. Khu vực nội thành có hoạt động tốt hơn, thể hiện ở giá và công suất thuê đều tăng do không có dự án mới. Trong khi đó, khu vực ngoài trung tâm liên tục có các dự án mới được tung ra.

Con số mà Tổng cục Thống kê đưa ra cho thấy, doanh thu bán lẻ hàng hóa 6 tháng đầu năm ước đạt 1.443,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 75% tổng mức mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng và tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước.

Mô hình khối để bán lẻ sẽ xuất hiện nhiều hơn

Mô hình khối đế bán lẻ được dự đoán sẽ xuất hiện nhiều trong thời gian tới.

Mô hình khối đế bán lẻ được dự đoán sẽ xuất hiện nhiều trong thời gian tới.

Trước đó, CBRE cũng nhận định, thị trường bán lẻ Hà Nội năm nay đã bắt đầu “tăng nhiệt” trở lại. Cả hai dự án mới ra mắt đều nằm ở quận Thanh Xuân làm cho khu vực này ngày càng cạnh tranh hơn. Dự kiến, khoảng hơn 40.000 – 86.000 m2 sẽ được bổ sung vào nguồn cung trong các tháng còn lại của năm sẽ tạo thêm nhiều áp lực lên giá thuê và tỷ lệ lấp đầy của thị trường.

Mặc dù giá thuê của khối đế bán lẻ giảm song theo CBRE, thời gian tới, mô hình khối đế bán lẻ thuộc dự án phức hợp được trông đợi sẽ xuất hiện nhiều hơn do nguồn cung căn hộ chung cư lớn. Mô hình này có lợi thế như có sẵn nguồn khách hàng tiềm năng cũng như lượng khách đến thăm nhờ vào khu căn hộ, cung cấp thêm dịch vụ và tiện ích, đồng thời nâng cao hình ảnh của cả dự án. Một vài khối đế thu hút được các khách thuê chủ chốt là các hãng thời trang danh tiếng, ngành hàng ăn uống, giải trí, siêu thị… vì vậy yếu tố quyết định thành công của khối đế bán lẻ là có cơ cấu khách thuê chiến lược và phù hợp với dự án.

Công ty này cũng dẫn theo báo cáo Chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu của A.T. Kearrney công bố mới đây, theo đó, Việt Nam xếp hạng 6, cao hơn một số thị trường phát triển trong khu vực như Singapore, Hong Kong và Indonesia. Bên cạnh đó, các nhà bán lẻ nước ngoài như 7-eleven; một loạt nhãn hiệu thời trang bình dân dành cho giới trẻ đang tích cực gia nhập thị trường trong nước (một số thương hiệu đã xác nhận việc mở cửa hàng ở Hà Nội như Zara, H&M) và ngành hàng ăn uống vẫn cạnh tranh với những tên tuổi đến từ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương…

ự phát triển rất nhanh của ngành thời trang và giải trí trong các trung tâm mua sắm.

Sự phát triển rất nhanh của ngành thời trang và giải trí trong các trung tâm mua sắm là nguyên nhân khiến thị trường bán lẻ tăng trưởng trở lại.

Việc thị trường bán lẻ tại Hà Nội có sự tăng trưởng trở lại, Savills cũng lý giải nguyên nhân lớn nhất là sự phát triển rất nhanh của ngành thời trang và giải trí trong các trung tâm mua sắm.

Một nguyên nhân nữa là do các chủ đầu tư đã chi rất mạnh cho quảng cáo và chấp nhận cải tạo lại mặt bằng cho phù hợp với xu hướng phát triển mới của thị trường.

“Các nhà bán lẻ truyền thống ngày càng tăng ứng dụng công nghệ, như hiện diện trên các mạng truyền thông, để thu hút khách đến cửa hàng của mình. Đơn cử như Vingroup, Aeon và Lotte đã thiết lập các trang web và đã thu hút được lượng truy cập lớn.

Doanh thu của ngành kinh doanh dịch vụ ăn uống đang gia tăng do ứng dụng công nghệ tốt trong đặt hàng trực tuyến và giao hàng. Tương tự, các nhà kinh doanh dịch vụ giải trí có doanh thu tốt nhờ bán vé qua thiết bị di động”, chuyên gia Savills nhận định.

Chuyên gia phân tích của Savills Hà Nội cho biết thêm, ngoài mô hình bán lẻ truyền thống, mô hình “Bricks and Clicks” (kết hợp giữa kinh doanh truyền thống và kinh doanh trực tuyến) ngày càng phổ biến nhằm mục đích thu hút người mua và tăng doanh thu.

Bên cạnh đó, Savills nhận thấy tầng lớp trung lưu đang gia tăng, ngành hàng trung cấp đang dẫn ưu thế trên thị trường. Dự báo đế năm 2020, tầng lớp trung lưu sẽ đạt 40 triệu dân và con số này sẽ đạt gần 100 triệu dân đến năm 2030.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top