Aa

Shark Phạm Thanh Hưng: "Kinh doanh ở Việt Nam phải tinh khôn, láu cá và mưu mẹo"

Thứ Ba, 17/07/2018 - 06:01

Theo Phó chủ tịch CEN Group, kinh doanh ở Việt Nam cần cù thôi chưa đủ mà phải tinh khôn.

Shark Phạm Thanh Hưng, Phó chủ tịch HĐQT CEN Group.

Shark Phạm Thanh Hưng, Phó chủ tịch HĐQT CEN Group.

"Tôi thích một câu ngạn ngữ Anh, đại khái là khi làm việc chúng ta phải tinh khôn - láu cá - mưu mẹo. Điều này thật sự cần thiết cho các startup ở Việt Nam. Chúng ta cần tinh khôn trong việc lựa chọn thị trường, makerting...", Shark Phạm Thanh Hưng, Phó chủ tịch HĐQT CEN Group - một nhà đầu tư có sự yêu thích đặc biệt đối với các startup sáng tạo, đặc biệt về công nghệ đột phá - chia sẻ như thế trong buổi gặp gỡ các startup cuối tuần qua.

Ở Việt Nam, Shark Hưng giải thích vì sao ông lại đề cao sự "tinh khôn", muốn kinh doanh thành công chúng ta cần phải giỏi mưu mẹo và luồn lách. Vì nhiều lý do khác nhau, chúng ta không có điều kiện đàng hoàng đi trên xa lộ lớn, mà phải đi trên các đường làng/đường mòn, thế nên cần phải giỏi lòn - lạng - lách. Sự ứng biến linh hoạt không những phù hợp với điều kiện kinh doanh mà còn cả con người Việt Nam.

Tại Việt Nam, khi kinh doanh, cần cù thôi chưa đủ, phải tinh khôn!

"Đam mê là một phẩm chất quan trọng khác dẫn tới sự thành công của nhiều startup, nhưng đam mê phải có cơ sở. Nếu chúng ta đam mê những thứ không thực tế, thì chẳng khác gì biến mình thành một gã "Don Quixote hiện đại", suốt ngày đánh nhau với cối xay gió. Để thành công, bản thân các startup phải có năng lực, sau đó là đam mê và đam mê đó mang lại những hiệu quả/thành quả cụ thể", Shark Hưng tiếp tục bày tỏ.

Ngoài ra, nếu đam mê mãi không thành công thì niềm đam mê đó khó mà "cháy" mãi, nó sẽ dần dần thui chột. Có người nói rằng, đam mê tạo nên thành công, nhưng cũng có người cho rằng, chính thành công tạo ra đam mê. Nhưng dù thế nào, đam mê của bạn nhất định phải tạo nên một thành quả nào đó, nếu không rất dễ nản lòng.

Shark Hưng bình luận tiếp, các bạn cần phân biệt: quỹ đầu tư và quỹ từ thiện. Các startup đến với chương trình Shark Tank là mang cho các Shark cơ hội đầu tư chứ không phải đi xin xỏ.

Có thể nói, các quỹ đầu tư/Shark nào cũng có những ước mơ riêng. Tuy nhiên, các quỹ đầu tư/Shark không có đủ thời gian cũng như tâm lực tự mình thực hiện tất cả những ước mơ đó. Cách mà họ thấy dễ nhất: thông qua các startup để chạm đến chúng, bỏ một chút tiền là có thể giúp nhiều mô hình kinh doanh tốt.

Hiện tại, ở Việt Nam, nhu cầu thực phẩm sạch rất lớn, người dân đáng và cần được hưởng. Thế nên, chỉ cần một startup nào có sản phẩm là thực phẩm sạch, sẽ thu hút được nhiều sự quan tâm của các quỹ đầu tư mạo hiểm. Thêm nữa, các quỹ đầu tư cũng biết, nếu startup nào có thể giải được các bài toán là nhu cầu của xã hội, sẽ nhanh chóng thành công.

Cuối cùng, với công cuộc toàn cầu hoá hiện tại, startup nào không chỉ phục vụ được nhu cầu trong nước mà còn của quốc tế càng được coi trọng.

Shark Hưng cho biết ông không thích đầu tư vào các startup chỉ có một nhà sáng lập hoặc đồng sáng lập là vợ chồng. Bởi, nếu chỉ có một nhà sáng lập sẽ rủi ro cao, khi tất cả mọi thứ đều chỉ dựa vào một người. Còn nếu vợ chồng cùng điều hành một công ty sẽ phát sinh rất nhiều rắc rối. Nếu cả hai phân chia công việc/vai trò rõ ràng thì không sao, nếu không sẽ là thảm họa cho doanh nghiệp.

"Tôi sợ nhất là hai vợ chồng biến công ty thành gia đình và biến gia đình thành công ty, bày bừa ăn uống ở công ty và họp hội đồng quản trị trong phòng ngủ", Shark Hưng dí dỏm ví dụ.

Theo bà Lê Hạnh, CEO TVHUB, Giám đốc sản xuất Shark Tank Việt Nam, kinh nghiệm qua các mùa Shark Tank cho thấy, các founder thoả 4 điều kiện sau rất dễ được các Shark để mắt đến: "Hiểu sản phẩm, ngây thơ một chút về tài chính, tư duy mở, đáng tin cậy – chân thành".

Tức là một startup có trên hai founder không phải là vợ chồng, sở hữu 4 điều kiện trên, có sản phẩm sáng tạo công nghệ đột phá, khả năng được Shark Hưng đầu tư là rất cao.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top