Aa

Siết chặt tài chính doanh nghiệp bất động sản có thực sự lo ngại?

Thứ Bảy, 28/09/2019 - 06:30

Bước sang năm 2019 là thời điểm các ngân hàng tiếp tục siết chặt chính sách tín dụng tài chính, hạn chế sử dụng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn.

Theo đánh giá, lộ trình này đang có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản.

Thiếu tài chính dự trữ?

Thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, tính đến hết quý II/2019, trong số hơn 10.000 doanh nghiệp bất động sản đang hoạt động tại thị trường Việt Nam, mới chỉ có gần 70 doanh nghiệp thực hiện niêm yết trên sàn chứng khoán. Theo đánh giá, những doanh nghiệp đã thực hiện niêm yết đều là những đơn vị có tiềm lực tài chính mạnh, chủ động được nguồn vốn trong quá trình đầu tư dự án.

Trong khi đó phần lớn các doanh nghiệp chưa thực hiện niêm yết đều là những doanh nghiệp chưa chủ động được về nguồn vốn đầu tư và những doanh chủ hoạt động trong lĩnh vực môi giới.

Theo thống kê, từ đầu năm 2019 đến nay, các hoạt động bất động sản tại hai thị trường lớn là Hà Nội và TP.HCM có sự giảm mạnh về cả nguồn cung và số lượng các giao dịch. Mặc dù thị trường ghi nhận giảm sụt về nguồn cung và giao dịch, nhưng tỷ lệ hấp thụ nhà ở vẫn cao, điều này cho thấy nhu cầu và sức mua của thị trường còn rất lớn.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Mạnh Hà, Cùng với việc rà soát, thận trọng trong phê duyệt dự án, tín dụng bất động sản được kiểm soát chặt chẽ đang làm hạn chế nguồn cung nhà ở, trong khi sức cầu trên thị trường vẫn rất cao.

Các doanh nghiệp có đủ tiềm lực tài chính sẽ giúp cho thị trường phát triển bền vững hơn. (Ảnh: Mai Vân)

“Hiện tại, do khó khăn về cơ chế, chính sách khiến các nhà đầu tư chuyển hướng sang đầu tư đất nền ở nhiều tỉnh khác. Nếu không được kiểm soát chặt chẽ, việc này có thể dẫn tới hiện tượng đầu cơ thổi giá, sốt đất ảo, diễn biến phức tạp trong lĩnh vực đất đai tại nhiều địa phương”, ông Hà cho hay.

Một số chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp bất động sản đang thiếu đi nguồn tài chính dự trữ, điều đó đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của doanh nghiệp từ đầu năm 2019 đến nay. Trong khi đó, phần lớn chuyên gia lại nhận định rằng, nguyên nhân chính dẫn đến sự “chững” lại của thị trường trong thời gian gần đây là do vấn đề liên quan đế tính pháp lý.

Doanh nghiệp có sự chủ động về vốn

Không phủ nhận việc Chính phủ siết chặt chính sách tín dụng, tài chính đã có ảnh hưởng nhất định đến sự phát triển của các doanh nghiệp. Nhưng nhiều doanh nghiệp thì cho rằng, họ đã có sự chủ động về việc bố trí nguồn vốn để tái đầu tư, thông qua các kênh hợp tác, liên doanh với nước ngoài hay huy động trái phiếu bất động sản.

Theo thống kê, đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp đã chào bán gàn 48 nghìn tỷ trái phiếu, đã phát hành được trên 36 nghìn tỷ, tương đương với tỷ lệ 77,3%. Mặc dù tỷ lệ phát hành thành công của trái phiếu bất động sản được đánh giá là thấp hơn rất nhiều so với các lĩnh vực khác, nhưng đây cũng là nguồn tài chính quan trọng giúp doanh nghiệp có thêm vốn để tái đầu tư.

Tổng Giám đốc Hải Phát Land Vũ Kim Giang cho biết, mặc dù chính sách siết chặt tài chính, tín dụng đã có những ảnh hưởng nhất định đến hoạt động của các doanh nghiệp, nhưng hiện nay các doanh nghiệp có tiềm lực thực sự đã có sự chủ động về nguồn vốn để phục vụ quá trình đầu tư của đơn vị mình.

“Theo tôi, việc chính phủ thực hiện siết chặt chính sách tài chính ở thời điểm này là hợp lý, mặc dù doanh nghiệp gặp khó khăn nhưng nó sẽ giúp cho thị trường phát triển một cách bền vững, loại bớt những doanh nghiệp kinh doanh theo kiể vốn “0 đồng”. Những doanh nghiệp có tiềm lực thực sự sẽ tập trung đầu tư vào các sản phẩm tốt, có chất lượng cao, đáp ứng với nhu cầu thực tế của thị trường và mang lại những sản phẩm có giá trị thực cho khách hàng”, ông Giang nhận định.

Cùng quan điểm, ông Trần Quốc Việt, Phó Giám đốc IP Land cho biết, chúng ta đang đổ lỗi cho cơ chế, chính sách làm cho thị trường bất động sản bị “chững” lại trong năm nay. Nhưng đánh giá một cách khách quan, sự “chững” lại của thị trường hiện nay là do kết quả của sự phát triển ồ ạt, thiếu kiểm soát từ chính các nhà đầu tư từ giai đoạn trước đó đã dẫn đến hệ quả là dự án được triển khai trong hoàn cảnh không đủ các điều kiện pháp lý.

“Nhiều chủ đầu tư tỏ ra nóng vội, muốn làm nhanh - bán nhanh để kiếm lợi nhuận, ngay cả khi họ biết dự án của mình chưa đủ các thủ tục pháp lý. Đến thời điểm hiện tại khi bị thanh tra hàng loạt những sai phạm thì cả chính quền và chủ đầu tư rơi vào trạng thái “co cụm”, hạn chế hoạt động để tránh những rủi ro, vì vậy đã dẫn đến sự đình trệ như bây giờ”, ông Việt nói.

Theo đánh giá của các chuyên gia, thì thị trường bất động sản cũng sẽ sớm quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng vốn có, bởi thực tế với sự gia tăng dân số như hiện nay; cùng với đó là việc vốn đầu tư FDI vào Việt Nam ngày càng lớn, kéo theo nguồn chuyên gia, lao động nước ngoài cũng sẽ là điều kiện giúp cho thị trường bất động sản tiếp tục phát triển.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top