Aa

“Siết hoạt động của công ty tài chính, tín dụng đen khó đẩy lùi”

Thứ Bảy, 06/04/2019 - 06:00

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, động thái sửa đổi thông tư về cho vay tiêu dùng là tốt song còn nhiều điểm chưa hợp lý khi hạn chế giải ngân trực tiếp cho khách hàng của các công ty tài chính.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã lấy ý kiến dự thảo Thông tư sửa đổi thông tư số 43/2016/TT-NHNN quy định về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính tiêu dùng. Trong dự thảo có một số điểm sửa đổi đáng lưu ý:

Thứ nhất, yêu cầu công ty tài chính phải đảm bảo tổng dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay (giải ngân tiền mặt) không vượt quá 30% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính.

Thứ hai, công ty tài chính chỉ được giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay đối với khách hàng đã và đang vay tại công ty tài chính đó, được đánh giá có lịch sử trả nợ tốt theo quy định nội bộ của công ty tài chính và không có nợ xấu theo kết quả phân loại nhóm nợ của Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam đến thời điểm gần nhất tính từ thời điểm ký kết hợp đồng cho vay tiêu dùng.

Việc hạn chế giải ngân trực tiếp cho khách hàng sẽ tác động như thế nào tới nền kinh tế nói chung và thị trường cho vay tiêu dùng nói riêng? PV đã có cuộc trò chuyện với TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng về vấn đề này.

PV: Một trong những điểm đáng lưu ý tại dự thảo Thông tư sửa đổi thông tư số 43/2016/TT-NHNN quy định về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính, đó là hạn chế việc giải ngân trực tiếp cho khách hàng. Ông đánh giá như thế nào về những điểm sửa đổi này?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Trước tiên phải khẳng định, động thái sửa đổi thông tư về cho vay tiêu dùng là tốt. Những điểm sửa đổi trong dự thảo này mang ý nghĩa hạn chế giải ngân bằng tiền mặt nhằm giảm rủi ro cho tổ chức tín dụng, cho công ty tài chính đồng thời cũng hạn chế việc sử dụng tiền mặt trong nền kinh tế. Quy định này hỗ trợ trong việc quản lý rủi ro tín dụng trên toàn lãnh thổ và trên toàn hệ thống cho vay tín dụng.

Tuy nhiên, dù những điểm này được đề xuất nhằm mục đích tốt nhưng lại không hợp lý. Một người đến vay công ty tài chính, dù họ vay để chi trả tiền bệnh phí, tiền đi du lịch hay là chuyển tiền cho con đi học, mua một cái xe máy, điện thoại… thì trong bất cứ trường hợp nào, các công ty tài chính cũng đã xét đến chuyện người đó có khả năng trả nợ hay không.

TS. Nguyễn Trí HIếu.

TS. Nguyễn Trí HIếu.

Như vậy, các công ty tài chính đã xét khả năng trả nợ đồng thời kiểm tra đến việc người vay dùng số tiền này để làm gì. Khi công ty tài chính thỏa mãn các yêu cầu đó và thấy rằng người này không có nợ xấu, có khả năng trả nợ thì tại sao phải khống chế toàn bộ dư nợ, tín dụng của mình không thể quá 30% cho giải ngân trực tiếp bằng tiền mặt.

PV: Việc hạn chế giải ngân trực tiếp cho khách hàng sẽ tác động như thế nào đến thị trường cho vay tiêu dùng nói riêng và nền kinh tế nói chung, thưa ông?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Thứ nhất, việc hạn chế tiền mặt như dự thảo sẽ khiến giảm lượng tiền mặt trong nền kinh tế.

Mặt khác, chúng ta biết rằng trong một nền kinh tế, GDP chịu tác động tích cực bởi chỉ số tiêu dùng. Nếu cho vay tiêu dùng phát triển, sẽ hỗ trợ vấn đề phát triển nền kinh tế. Vì vậy, nếu hạn chế vấn đề cho vay, giải ngân bằng tiền mặt sẽ giảm tín dụng tiêu dùng.

Tôi lý giải rõ hơn về câu chuyện này, hạn chế tiền mặt sẽ không hỗ trợ tín dụng tiêu dùng trong khi đó nền kinh tế Việt Nam đang cần “chống đỡ” từ sự phát triển của tiêu dùng. Thực tế, có rất nhiều món tiêu dùng mà mình có thể giải ngân trực tiếp cho người cung cấp sản phẩm, chẳng hạn đi mua một chiếc điện thoại di động, công ty tài chính sẵn sàng cho vay 10 triệu thay vì đưa tiền trực tiếp cho khách hàng. Nhưng một số chi phí mà người dân có nhu cầu tiêu dùng như đi du lịch, phải trả tiền khách sạn, tiền ăn phở, tiền làm đẹp… thì công ty tài chính phải giải ngân tiền mặt.

Như vậy, một số nhu cầu về tiêu dùng phải để cho khách hàng tùy chọn cách sử dụng. Họ có thể thích dùng thẻ tín dụng, thẻ ngân hàng hoặc bằng tiền mặt. Và đó là quyền lựa chọn của khách hàng.

Chọn giải ngân trực tiếp hay dùng qua thẻ là sự lựa chọn của khách hàng nên nếu giới hạn tổng dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay (giải ngân tiền mặt) không vượt quá 30% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính sẽ không hợp lý.

PV: Cho vay tiêu dùng từng được kỳ vọng là giải pháp hạn chế “tín dụng đen” khi giải quyết nhu cầu của một bộ phận người dân cần tiền mặt để đáp ứng chi tiêu. Nhưng nếu như các công ty tài chính bị giới hạn bơm tiền mặt ra ngoài, cũng như tạo ra tệp khách hàng mới do chỉ giải ngân trực tiếp cho đối tượng đã từng vay và có lịch sử trả nợ tốt. Thưa chuyên gia, liệu rằng, với quy định mới trong dự thảo, sự kỳ vọng vào việc đẩy lùi “tín dụng đen” của tài chính tiêu dùng sẽ khó trở thành hiện thực hơn không?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Nếu muốn cho vay tiêu dùng góp phần giảm thiểu “tín dụng đen” thì các tổ chức tín dụng, công ty tài chính phải đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng. Nếu người đi vay có điều kiện cần một số tiền để tổ chức một bữa tiệc liên hoan hoặc trả tiền bệnh phí… trong khi tổ chức tín dụng, công ty tài chính bị khống chế 30% giải ngân tiền mặt nên không thể giải ngân được thì có thể họ sẽ đẩy tệp khách hàng này vào trường hợp đi vay “tín dụng đen” để phục vụ cho chi phí nóng. Chính vì thế, việc giới hạn giải ngân về tiền mặt sẽ không hỗ trợ giải quyết “tín dụng đen” nếu chúng ta có trần khống chế 30%.

Như vậy, chúng ta đang nói tới bài toán làm sao giải quyết “tín dụng đen” nhưng nếu bây giờ, chúng ta chỉ vì nền kinh tế phi tiền mặt mà hạn chế giải ngân tiền mặt thì vấn đề “tín dụng đen” sẽ không được giải quyết. Do vậy, về mặt này dự thảo cũng cho thấy không hợp lý.

PV: Dự thảo đưa ra các điểm giảm giải ngân trực tiếp nhằm hạn chế rủi ro và kiểm soát mục đích sử dụng của khách hàng. Thưa ông, liệu đây có phải là giải pháp hữu hiệu mà phía NHNN đã đưa ra khi lý giải về điểm sửa đổi này?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Cách mà NHNN muốn các tổ chức tín dụng, các công ty tài chính quản lý việc sử dụng tiền là tốt, hợp lý. Các công ty tài chính phải có trách nhiệm quản lý được mục đích sử dụng tiền. Thế nhưng, có một số mục đích sử dụng tiền phải tin tưởng ở khách hàng.

Ví dụ như họ đi du lịch thì phải tin tưởng giao cho họ một số tiền khoảng 50 - 60 triệu đồng để họ đi du lịch, nếu mà họ có khả năng trả nợ. Nếu để rút 50 triệu tiền tiết kiệm ra từ cuốn sổ 100 triệu đồng mà bị phạt, mất thời gian, mất tiền lãi thì hãy để họ vay tiêu dùng bằng tiền mặt. Nếu để mức trần khống chế, khách hàng không thể tiếp cận được tiền.

Điều này là hết sức bất hợp lý nên hãy để các tổ chức tín dụng xem xét tới khả năng trả nợ của khách hàng. Nếu NHNN không quản được thì hãy để tổ chức tín dụng làm vì điều này liên quan tới quyền lợi của họ.

PV: Thưa TS, có nên để việc cho vay bằng tiền mặt vận hành theo đúng cơ chế thị trường không?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Như tôi đã nói ở trên, hãy để cho các tổ chức tín dụng họ tự quyết định chuyện đó. Nếu bây giờ họ có toàn bộ khách hàng là những khách hàng đều có khả năng và giả sử như tất cả các khách hàng đều muốn vay bằng tiền mặt để đi du lịch hoặc là chữa bệnh thì tại sao không để cho họ rút tiền mặt? Tại sao phải khống chế ở mức dưới 30%?

Dù dự thảo đưa ra các điểm nhằm hạn chế rủi ro và kiểm soát mục đích sử dụng của khách hàng nhưng khi bước vào nền kinh tế thị trường, ngân hàng nên để cho tổ chức tín dụng tự điều chỉnh và quyết định. Bởi họ mới chính là người trực tiếp chịu rủi ro nếu không xét tới nhu cầu, khả năng trả nợ của khách hàng.

Cảm ơn chuyên gia!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top