Aa

Singapore cho vay 80% giá trị căn hộ NƠXH trong 55 năm

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Chủ Nhật, 19/11/2017 - 00:01

Mô hình nhà ở xã hội (NƠXH) đã quá quen thuộc với các nước trên thế giới cùng các chính sách đặc biệt. Tuy nhiên ở Việt Nam, những bài toán về vốn đầu tư, quỹ đất xây dựng, hỗ trợ người dân, thậm chí quản lý thế nào vẫn là câu chuyện nan giải.

Tại Diễn đàn Bất động sản Việt Nam thường niên lần thứ nhất diễn ra mới đây, nhiều chuyên gia đã đưa ra những ví dụ về mô hình NƠXH trên thế giới. Theo các chuyên gia, tại các nước như Hà Lan, Singapore và Ấn Độ họ đã rất thành công trong phát triển mô hình NƠXH, nhà thương mại giá rẻ.

Điểm chung của các quốc gia này là sự hình thành các quỹ tiết kiệm nhà ở. Những quỹ này có sự đóng góp đồng thời của cả người lao động và người chủ sử dụng lao động hoặc đóng góp tự nguyện giữa Nhà nước và khu vực tư nhân.

Cụ thể, tại Singapore đã hình thành Quỹ dự phòng Trung ương (CPF) (có vai trò tương tự như Bảo hiểm Xã hội của Việt Nam) để người dân có thể sử dụng tiền từ quỹ này mua NƠXH. Quỹ CPF được đóng góp bởi cả người lao động và người sử dụng lao động (người đóng góp được hưởng lãi suất 2,5%/năm).

Người dân có thể vay tiền từ quỹ này để mua nhà ở do Hội đồng Phát triển nhà ở (HDB) thuộc Bộ Phát triển Quốc gia cung cấp với những ưu đãi nhất định. Mức vay tương đương với 80% giá trị căn hộ trong thời hạn vay tối đa là 55 năm trừ đi số tuổi của người vay hoặc 30 năm tùy theo điều kiện khác. Lãi suất cho vay cao hơn 0,1% so với lãi suất tài khoản tiết kiệm CPF.

Cần nhiều giải pháp để thị trường nhà ở xã hội phát triển

Cần nhiều giải pháp để phân khúc NƠXH phát triển

Bên cạnh Singapore, Hà Lan là một trong những quốc gia có số lượng NƠXH lớn nhất trên thế giới hiện nay. Các khu NƠXH ở Hà Lan do các tổ hợp xây dựng đảm trách. Nguồn vốn cho phát triển NƠXH tại quốc gia này đến từ 2 quỹ bảo hiểm là Quỹ Bảo hiểm xã hội nhà ở (WSW) và Quỹ Bảo hiểm xây dựng nhà ở (CFV).

Các quỹ được hình thành từ vốn của các tổ hợp xây dựng và bằng tín phiếu Chính phủ. Bên cạnh việc giúp người dân được vay tiền mua nhà với lãi suất ưu đãi thì các quỹ bảo hiểm nhà ở còn giúp các tổ hợp xây dựng giải quyết khó khăn về vốn khi chưa đủ khả năng huy động vốn của ngân hàng và của xã hội.

Ngoài ra, tại Ấn Độ, Ngân hàng nhà ở Quốc gia (NHB) được thành lập với mục đích cung cấp nhà ở cho người có thu nhập thấp. NHB cấp vốn cho 1 số tổ chức tài chính, kế đó, các tổ chức này cấp lại các khoản vay cho các hộ gia đình nghèo để mua nhà. Ngoài ra, NHB còn hỗ trợ tài chính cho các tổ chức phát triển nhà thu nhập thấp.

Tổng kết từ các chuyên gia cho thấy các quốc gia trên đều tự chủ được nguồn vốn mô hình nhà ở giá rẻ này. Trong khi đó tại Việt Nam, mục tiêu phát triển NƠXH đã được đặt ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, cụ thể là đến năm 2020, phấn đấu thực hiện đầu tư xây dựng tối thiểu khoảng 12,5 triệu m2 NƠXH tại khu vực đô thị.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc triển khai các dự án NƠXH trong những năm qua vẫn còn những bất cập, nguồn cung thiếu hụt và chưa đáp ứng đủ nhu cầu nhà ở của người dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp.

Nguyên nhân chỉ ra là mô hình NƠXH tại Việt Nam đang lựa chọn hình thức huy động nguồn vốn từ ngân hàng là chính. Và theo các chuyên gia kinh tế đánh giá thì hình thức này không phải là giải pháp tối ưu.

Cụ thể, TS. Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh: “Chính phủ và Bộ Tài chính phải dành một khoản ngân sách bù lỗ lãi suất ngân hàng để khuyến khích ngân hàng cho vay. Nhưng tôi cho rằng đó không phải là một giải pháp dài hạn và lâu bền. Giải pháp này có thể gây bức xúc cho ngành ngân hàng, nhất là khi họ phải chịu áp lực về trả lãi suất cho người gửi tiền."

Thứ hai là quỹ đất phát triển NƠXH hiện nay rất eo hẹp trong bối cảnh tấc đất tấc vàng. Theo đó, chính phủ cần thúc đẩy giải quyết 2 vướng mắc lớn nhất trong phát triển NƠXH: chi phí giải tỏa và đền bù giải phóng mặt bằng cho các dự án phát triển NƠXH

Tương tự, phía các doanh nghiệp kiến nghị, chính phủ cần quy hoạch ngân hàng quỹ đất để phát triển NƠXH tại các tỉnh thành phố và hình thành cơ chế ưu đãi vượt trội về tài chính, tín dụng và thuế cho các tổ chức phát triển nhà cũng như người mua nhà.

Ngoài ra, Việt Nam cần có quy chuẩn và tiêu chuẩn xây dựng riêng cho NƠXH theo hướng tăng chỉ tiêu dân số, hệ số sử dụng đất, giảm chỉ tiêu hạ tầng kĩ thuật và xã hội so với các dự án nhà ở thương mại.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top