Aa

Sở hữu ưu điểm vượt trội, vì sao gạch không nung vẫn bị "khước từ"?

Thứ Hai, 29/05/2017 - 23:07

Từ nhiều năm nay, Chính phủ và Bộ Xây dựng đã ban hành nhiều chủ trương chính sách để thúc đẩy phát triển vật liệu xây không nung (VLXKN). Tuy nhiên đến nay, tỷ lệ các công trình sử dụng loại vật liệu này đang còn ở mức khiêm tốn không như kỳ vọng.

Có nhiều lý do để lý giải việc không “mặn mà” trong việc sử dụng loại vật liệu này bởi thói quen, giá thành và đặc biệt là một số sự cố vừa qua khiến nhiều chủ đầu tư e dè, người dân chưa thực sự tin tưởng ở chất lượng sản phẩm.

Theo quy định, đến năm 2015, tất cả các công trình từ 9 tầng trở lên đều phải sử dụng 50% VLXKN, tuy nhiên đến nay, trên địa bàn TP.HCM, rất nhiều công trình không thích loại vật liệu này.

Chưa có chế tài đủ mạnh

Theo số liệu báo cáo từ Phòng Kinh tế Xây dựng (Sở Xây dựng TP.HCM ), số lượng hồ sơ thẩm định thiết kế có sử dụng VLXKN trong năm 2016 là 206 hồ sơ, trong đó, vốn ngoài ngân sách là 134 hồ sơ, còn lại là vốn ngân sách. Riêng 4 tháng đầu năm 2017, đã có 49 hồ sơ được duyệt thẩm định thiết kế thì 35 hồ sơ là vốn ngoài ngân sách.

Tuy nhiên, đây chỉ là số lượng hồ sơ đã duyệt thẩm định thiết kế còn thực tế có sử dụng hay không hoặc sử dụng bao nhiêu phần trăm trong công trình thì cơ quan quản lý nhà nước không thể biết được. Đến khi phát hiện ra thì cùng lắm là xử phạt chứ chưa có chế tài nào đủ mạnh để bắt buộc các công trình vốn ngoài ngân sách phải sử dụng VLXKN vào công trình.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Đỗ Đức Duy (ngoài cùng bên phải) tham quan nhà máy gạch ACC tại Bình Dương.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Đỗ Đức Duy (ngoài cùng bên phải) tham quan nhà máy gạch ACC tại Bình Dương.

Ngay cả Novaland, một chủ đầu tư lớn các dự án nhà cao tầng trên địa bàn TP.HCM cũng thận trọng khi sử dụng loại vật liệu này. Đại diện Novaland cho biết: Novaland liên tục tìm kiếm, lựa chọn những đối tác uy tín và tiên phong trong việc áp dụng công nghệ xây dựng tiên tiến giúp rút ngắn tiến độ thi công, sử dụng các vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, an toàn với sức khỏe người sử dụng. Kể từ năm 2014 đến nay, một số nhà thầu uy tín đã đưa vật liệu không nung vào các dự án của Novaland như: gạch bê tông khí chưng áp (AAC), gạch xi măng cốt liệu (gạch block), tấm tường gạch bê tông nhẹ (Onekin Green panel) đến tường thạch cao.

“Cụ thể năm 2016, nhà thầu thi công American General Construction (AGC) đã đưa công nghệ thi công dùng cốt pha nhôm đổ tường bê tông thay cho tường xây gạch nung truyền thống. Công nghệ này đã giúp rút ngắn tiến độ thi công, tăng độ cách âm, chịu lực của tường, giải quyết 100% thiệt hại cho nội thất từ việc thấm nước, chống ẩm mốc gây ảnh hưởng sức khỏe của cư dân.

Hiện nay, công nghệ này đã được thực nghiệm đầu tiên cho dự án The Sun Avenue (Mai Chí Thọ, quận 2) và tiến tới áp dụng rộng rãi cho các dự án khác như Lucky Palace (quận 6), GardenGate (quận Phú Nhuận) và The Botanica (quận Tân Bình)”, đại diện Novaland chia sẻ.

Vị đại diện Novaland cũng cho biết thêm, trong năm 2017, Novaland tiếp tục đặt hàng nghiên cứu và áp dụng thi công tấm tường không nung Acotec - công nghệ tường bê tông đúc sẵn thay thế việc sử dụng cát thiên nhiên. Theo kế hoạch, tấm tường không nung Acotec sẽ được đưa vào các công trình của Novland trong quý 4 năm 2017.

Đồng thời Novaland cũng từ chối trả lời sử dụng tỷ lệ VLXKN bao nhiêu phần trong trong công trình như quy định tại Thông tư 09/2012 của Bộ Xây dựng.

Vì sao các chủ đầu tư không muốn sử dụng VLXKN? Các chuyên gia trong ngành cho rằng, trước hết là thói quen sử dụng của người dân. Điều này đúng nhưng chưa đủ. Bởi thói quen vẫn có thể thay đổi được theo thời gian khi mà người dân hiểu tác hại của việc sử dụng gạch đất sét nung trong công trình xây dựng. Phải thừa nhận rằng, khi sử dụng gạch không nung không đúng quy trình kỹ thuật đã tạo ra các vết nứt, từ đó gây mất lòng tin đối với người sử dụng.

Điển hình, năm 2014, hàng loạt sự cố nứt tường khi thi công xảy ra tại một số công trình của tỉnh Bến Tre, hay mới đây, sự cố của nứt tường tại một căn hộ của dự án Flora Anh Đào.

Không có hướng dẫn sử dụng cụ thể cho VLXKN

Từ khi Chính phủ ban hành Quyết định 567/QĐ-TTg (năm 2010) đến nay, Bộ Xây dựng và các cơ quan chức năng đã nỗ lực xây dựng khung pháp lý, cũng như hướng dẫn tuyên truyền cho người dân hiểu lợi ích của việc sử dụng VLXKN.

Tuy nhiên, nguồn đất sét để sản xuất gạch nung ở nước ta được khai thác quá dễ dàng, gần như không phải trả tiền nên giá thành của sản phẩm gạch nung rẻ, khiến VLXKN khó cạnh tranh. Hiện chỉ có một số loại gạch block kích thước lớn, lỗ rỗng mới có ưu thế về giá, các loại gạch block đặc và đặc biệt là gạch nhẹ thì giá thành vẫn cao hơn gạch đất nung.

Thi công với VLXKN.

Thi công với VLXKN.

Bên cạnh đó, tay nghề của thợ xây dựng đã quen với việc sử dụng gạch nung từ nhiều đời nay cùng với những dụng cụ đơn giản. Trong khi thi công VLXKN đòi hỏi phức tạp hơn từ tay nghề của người thợ cho tới dụng cụ thi công, hồ vữa chuyên dụng. Do đó, thi công không đúng quy trình kỹ thuật thì sản phẩm xây dựng dễ bị lỗi, gây nứt, bể…

Lý giải vì sao nứt, chuyên gia cho rằng cốt liệu giữa các bên không đồng nhất. Bởi vì đối với gạch ACC thì có độ hút nước cao, trong khi đó vữa thông thường khi tô trát lại bị loại gạch này hút hết nước, dẫn đến nứt cục bộ. Đồng thời,trong tiêu chuẩn về loại vật liệu này lại không yêu cầu công bố độ bám dính khiến người sử dụng không hiểu được tính năng của sản phẩm.

Ngoài ra, các nhà sản xuất cũng không đưa ra một hướng dẫn sử dụng chi tiết hoặc có những khuyến cáo nào về loại sản phẩm VLXKN mà lẽ ra các loại sản phẩm thông thường phải có hướng dẫn sử dụng, có chăng chỉ thực nghiệm trên một vài mét vuông tại các triển lãm, hội thảo mà thôi chứ thực tế ngoài công trình rất ít.

PGS.TS Nguyễn Văn Chánh – nguyên chủ nhiệm bộ môn VLXD, Khoa Kỹ thuật xây dựng, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cho rằng, để VLXKN đi vào cuộc sống thì phải phân loại gạch không nung chứ không thể nói chung chung là VLXKN, loại nào dùng cho công trình nào, ở đâu... Giới thiệu cho người dùng hiểu chứ không nói chung chung, chẳng ai hiểu chúng như thế nào.

“Phải tìm hiểu, phân tích thị trường để phân loại đối tượng sử dụng là những ai. Chẳng hạn như gạch xi măng cốt liệu, gạch bê tông khí chưng áp, bê tông bọt khí… phải phân loại ra vì viên gạch không phải là viên chịu lực thì làm sao bắt nó phải chịu lực, dùng sai nó hỏng là chuyện đương nhiên. Khi thiết kế phải sử dụng chúng đúng chức năng, mục đích. Bản chất của gạch ACC là xốp, cách nhiệt thì phải dùng chúng đúng với chức năng đó”, PGS.TS Chánh phân tích.

Ông Nguyễn Thạc Quang – Phó Tổng Giám đốc Cty cổ phần gạch khối Tân Kỷ Nguyên lại cho rằng: Khi cơ quan chức năng thẩm tra thiết kế phải yêu cầu chủ đầu tư sử dụng gạch không nung trong hồ sơ. Đồng thời,Nhà nước phải tăng thuế gạch đất sét nung, còn cơ quan chức năng thì kiểm tra giám sát chặt chẽ việc sản xuất các loại vật liệu này.

Qua công tác kiểm tra tình hình sử dụng VLXKN trên địa bàn TP.HCM trong năm 2016 của Sở Xây dựng,trong 35 công trình thuộc đối tượng bắt buộc đã có 12 công trình vi phạm. Đồng thời, lực lượng thanh tra xây dựng cũng đã kiểm tra 215 công trình thì phát hiện 2 công trình không sử dụng VLXKN theo quy định.

Điều 2 Thông tư số 09/2012/TT-BXDngày 28/11/2012 của Bộ Xây dựng quy định: Các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước theo quy định hiện hành bắt buộc phải sử dụng vật liệu xây không nung theo lộ trình.

Tại các đô thị loại 3 trở lên phải sử dụng 100% vật liệu xây không nung kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực (15/1/2013). Tại các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50% vật liệu xây không nung kể từ ngày 15/1/2013 đến hết năm 2015, sau năm 2015 phải sử dụng 100%; Các công trình xây dựng từ 9 tầng trở lên không phân biệt nguồn vốn, đến năm 2015, phải sử dụng tối thiểu 30% và sau năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 50% vật liệu xây không nung loại nhẹ trong tổng số vật liệu xây (tính theo thể tích khối xây).

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top