Aa

Sơn La, mùa trái chín

Thứ Hai, 02/09/2019 - 06:20

Bây giờ, chặng đường bộ nối Hà Nội với thành phố Sơn La chỉ mất chừng năm đến sáu giờ đồng hồ chạy ô tô thong dong. Nhưng mỗi khi đi trên tuyến ấy, tôi vẫn bật ra từ ký ức những năm tháng nhọc nhằn tuổi thơ theo cha mẹ công tác trên đó.

Cha mẹ tôi thường gom phép lại, hai ba năm một lần, tha theo đàn con nhỏ lếch thếch, về thăm quê Thái Bình. Đi đi về về, chặng Hà Nội với thị xã miền núi Sơn La bé teo phải mất hai đến ba ngày đường. 

Tôi đã từng ngủ đêm ở Km 22, ở Suối Rút, rồi Mộc Châu, Yên Châu trong những dãy nhà trọ ẩm thấp dọc con đường cheo leo núi non ấy… Đến khi lớn hơn, đi học đại học, thì thời gian trải qua cung đường này đã rút lại thành một ngày rưỡi, và vẫn phải ngủ đêm ở Mộc Châu…

Thời của nghèo khó nhưng thơ mộng và nhiều hứng thú. Tôi gà gật trên xe xóc nẩy mong nhanh đến điểm dừng, bởi biết là sẽ có những thứ khoái chí đang chờ đợi. Ở thị trấn Yên Châu, thế nào mẹ cũng mua cho nải chuối thơm lựng với mấy quả xoài nhỏ ruột đỏ hồng thơm ngào ngạt. 

Đến thảo nguyên Mộc Châu trời chuyển se se lạnh, sẽ có ngô nương luộc hay nướng, có đào mận của người Mông gùi từ trên núi cao xuống bán. Ở Km 22 và Suối Rút, có xôi nếp nương lam trên than củi hồng, chiều sương xuống giăng mờ mặt sông Đà…

Những năm học đại học, một năm có hai lần về Sơn La vào dịp hè và Tết. Khi trở lại trường, tôi thường được cha mẹ cho một bao tải ngô và vài chục đồng bạc. Qua Yên Châu, số tiền ấy tôi rút ra một nửa để mua mấy buồng chuối, chục cân xoài xanh, nói khó với lái xe, cho buộc lên nóc. Qua Mộc Châu, thì mua măng khô, mộc nhĩ… 

Về tới bến xe ở Hà Nội, con phe xúm đến đón. Do tài nghệ mặc cả hoặc gặp may, “thảy” toàn bộ số hàng ấy đi, có khi đã lãi ra được năm, bảy đồng. 

Tất nhiên, cũng có khi lỗ vì mua phải món xoài nom đẹp mà ăn chua loét hay mấy buồng chuối chín sớm, rũ hết cả quả. “Thảy” nốt cả bao ngô hạt nữa, thấy tiền lời với tiền gốc của cha mẹ cho đã ấm trong túi, về trường gặp bạn bè, mặt mũi sáng bừng lên…

***

Thời ấy, quả xoài Yên Châu, Thuận Châu còn bán được ở Hà Nội, nó nhỏn hưng ruột ngọt và thơm. Chuối ở đấy mang về cũng không bị chê. Món măng khô, mộc nhĩ hay mấy sản vật núi rừng mua ở Mộc Châu thì hấp dẫn vì lạ và rẻ.

Nhưng rồi theo thời gian, bao cấp dần dần bị xóa bỏ, hàng hóa thông thương giữa mọi vùng miền. Xoài cát cùng bao nhiêu thứ hoa quả hấp dẫn được chuyển từ miền Nam ra. Mộc nhĩ, nấm hương, măng nứa măng giang từ vùng núi Việt Bắc mang xuống. Cái loại ngô nương, ngô răng ngựa trồng tự phát trên núi Tây Bắc chỉ còn đáng làm đồ ăn cho chăn nuôi, chẳng mấy có giá trị nữa khi gạo lúa ở Đồng bằng Nam bộ được chuyển ra...

Cùng với xóa bỏ bao cấp, chuyển sang thời kỳ đổi mới, phát triển kinh tế thị trường, bỗng nhiên Sơn La, Tây Bắc không còn là vùng miền núi giàu đẹp nữa, vì chả có sản vật gì đóng góp được với đời sống chung cả, ngoài… thủy điện.

Quốc lộ số 6 được cải tạo, mở rộng, nâng cấp từ dịp chuẩn bị Kỷ niệm 30 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1984). Sau đó được nâng cấp tiếp khi làm Thủy điện Tạ Bú, Mường La. Đường lên Sơn La ngày một thênh thang dần…

Mới đây nhất, ngày 1/9/2017, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định bổ sung tuyến đường Hòa Bình - Sơn La vào quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Tuyến đường cao tốc Hoà Bình - Sơn La được hoàn thiện sẽ kết nối với cao tốc Láng - Hòa Lạc, Hòa Lạc - Hòa Bình, rút ngắn thời gian Sơn La - Hà Nội chỉ còn hơn 2 giờ chạy xe.

Cha mẹ tôi đã nghỉ hưu, về quê cũ sinh sống. Tôi làm báo, thưa về Sơn La. Bạn bè một thuở thị xã nghèo xa xôi vùng Tây Bắc xưa bay đi khắp phương trời. Có một đôi lần trở lại Sơn La, đi trên những con đường đã rộng mở hơn rất nhiều. 

Nhìn qua cửa xe, đồi núi vẫn nối nhau trùng điệp, thầm đọc những câu thơ thật đẹp của Chế Lan Viên trong bài thơ của ông, ban đầu được đặt tên là “Con tàu Tây Bắc”, sau đổi thành “Tiếng hát con tàu”: 

Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ

Nơi nào qua, lòng lại chẳng yêu thương?

Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở 

Khi ta đi, đất đã hoá tâm hồn!

Đọc rồi lại hỏi, bao giờ thì Sơn La mới thành một vùng đất giàu có và tươi đẹp như ta hằng mong ước?

Trong những chuyến đi ấy, tôi đã nghĩ, Sơn La phải tìm ra một thứ cây gì đó làm thế mạnh. Những cây mới mọc tràn lên xanh tốt trên những núi đồi trùng điệp, mang đến những giá trị mới cho nơi đây. Rồi cùng với đó là làm du lịch, văn hóa…

Tôi đã từng run lên, hồi hộp theo dõi kết quả khi nghe người ta tiến hành kế hoạch trồng cây công nghiệp ở Sơn La, như cây cà phê, cây cao su, trồng cỏ nuôi bò sữa, trồng mía để sản xuất đường…

***

Mấy năm gần đây, tôi lên và sung sướng thấy Sơn La đã hiện ra như một vùng quả ngọt. Từ Mộc Châu lên qua Yên Châu, Mai Sơn, Nà Sản, tới thành phố, đâu đâu bên đường cũng là những vườn cây ăn quả xum xuê với rất nhiều loại khác nhau. 

Sơn La đã rõ ra là một thủ phủ mới của cây ăn quả. Người dân nơi bản nhỏ, dân tộc Thái, dân tộc Mông là xã viên những hợp tác xã kiểu mới. Họ canh tác, trồng cây ăn trái với công nghệ mới của nền nông nghiệp hiện đại và khoa học. Thật như là một giấc mơ…

Những vườn lớn trồng mận tam hoa, xoài đường, bơ thịt, chuối ngọt, chanh leo, cam đường, nhãn cùi dày… Tất cả đều đạt chất lượng Viet Gap, rải từ Vân Hồ, thảo nguyên Mộc Châu, lên vùng Yên Châu, Mai Sơn, cao nguyên Nà Sản, kéo vào tận biên giới xa, những huyện heo hút xưa Quỳnh Nhai, Sông Mã…

Bây giờ, nhãn và xoài Sơn La đã nhanh ngoài thế giới. Tôi đọc những dòng tin đầu năm nay mà náo nức: Tỉnh Sơn La đã tổ chức hội nghị như Hội nghị cây ăn quả 24 tỉnh phía Bắc, tổ chức Tuần lễ xoài và nông sản an toàn năm 2019 tại siêu thị BigC Thăng Long, tại Trung tâm Xúc tiến Thương mại của Bộ NNPTNT, tại siêu thị Coopmart, thành phố Thanh Hóa, tổ chức Lễ công bố sản phẩm xoài Sơn La xuất khẩu sang thị trường Mỹ - Anh - Úc và Trung Quốc, Ngày Hội xoài Yên Châu năm 2019 và công bố chứng nhận nhãn hiệu “Chuối Yên Châu”...

Hơn 5 tháng đầu năm 2019, Sơn La đã xuất khẩu gần 8.700 tấn quả các loại vào thị trường các nước EU, Mỹ, Anh, Úc, Campuchia, Trung Quốc....

Sơn La tiếp tục thực hiện đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, xuất khẩu nông sản. Cùng với nhiều chính sách thu hút đầu tư, Sơn La đã hình thành nền móng căn bản cho ngành hàng rau quả từ sản xuất, tiêu thụ, chế biến và xuất khẩu… Sơn La sẽ là vựa hoa quả lớn nhất của đất nước trong thời kỳ phát triển mới.

Tất nhiên, phát triển càng mạnh mẽ thì càng cần phải hết sức lo lắng, phải tính toán cho thật kỹ, thật khoa học và hợp lý về đầu ra, để tránh bài học muôn thuở “được mùa rớt giá”, về không phải phá đi làm lại… Những người có trách nhiệm quản lý nhà nước về sự phát triển nông nghiệp ở vùng Tây Bắc sẽ phải luôn luôn nhắc mình về điều ấy.

Vui biết bao nhiêu khi Sơn La của Tây Bắc đã tìm ra tiềm năng mới, đã vào mùa quả chín, lại nhớ tới thơ Chế Lan Viên trong bài “Con tàu Tây Bắc”: 

Trên Tây Bắc! Ôi mười năm Tây Bắc 

Xứ thiêng liêng rừng núi đã anh hùng 

Nơi máu rỏ tâm hồn ta thấm đất 

Nay rạt rào đã chín trái đầu xuân”.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top