Aa

Sống chung với mẹ vợ

Chủ Nhật, 04/06/2017 - 14:52

Mấy tháng nay, cư dân mạng đang "phát sốt" với bộ phim "Sống chung với mẹ chồng", kịch bản dựa theo một tiểu thuyết của Trung Quốc. Dù chuyện "mẹ chồng nàng dâu" là muôn đời, nhưng khi đã bước sang thập kỷ thứ 2 của thế kỷ 21, người ta vẫn thấy sự phức tạp của mối quan hệ ấy. Có điều, người những người mải mê cuốn theo mối quan hệ ấy nhiều khi quên mất rằng, trong đời sống gia đình, việc "sống chung với mẹ vợ" cũng nhiều gian nan và lắm điều thú vị không kém!?!

Việc "sống chung với mẹ vợ" không thật sự phổ biến như cảnh "mẹ chồng nàng dâu", nhưng không phải vì thế mà mối quan hệ này thiếu đi những pha éo le, phức tạp, nhạy cảm. Thường, con rể được (phải) "sống chung với mẹ vợ" chủ yếu gồm 2 cảnh ngộ: Chàng trai đi "ở rể" hoặc mẹ vợ đến ở với vợ chồng con gái. Trong đó, chuyện con rể ở "nhờ" nhà mẹ vợ phức tạp và tế nhị hơn.

Dù suy nghĩ đã cởi mở hơn, quan niệm về "dâu con rể khách" đã khác xưa, và các cụ nói lại là "con nào cũng là con", nhưng, nhìn chung, việc một chàng rể cưới vợ xong mà về nhà ngoại sống có gì đó vẫn...lạ lạ!?! Lạ từ cái nhìn của bên ngoài xã hội. Lạ cả ở trong tư tưởng của chính người con rể trong sinh hoạt hàng ngày. Đàn ông mà, vốn được coi là biểu tượng của sự vững chãi, che chở, gồng gánh, giờ tự nhiên phải ở "nhờ" nhà vợ mình, dù có vô tư đến đâu, cũng không tránh khỏi những lúc nghĩ suy, chạnh lòng.

Để tự nguyện, chắc đa số các chàng chẳng thích. Họ về nhà ngoại ở có thể vì lý do bố mẹ vợ neo người, chỉ có mỗi mình cô con gái; cũng có thể, lý do là vợ chồng mới cưới còn quá khó khăn về kinh tế, không thể tự lập ở riêng, nên ở nhà ngoại cho tiện cả đôi đường. Cá biệt, cũng có trường hợp, bố mẹ vợ là người có điều kiện khá giả, con gái thuộc diện "lá ngọc cành vàng", chàng rể ở vị thế "đuối" hơn, nên trước khi cưới, bên ngoại đã ra rõ điều kiện: " Phải ở rể thì mới gả con gái"!?!

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tất cả những trường hợp "ở rể" ấy, dù trong trường hợp nào, người con rể dường như vẫn mang trong mình tư tưởng "ở nhờ", nên thật khó để cảm thấy thoải mái. Để xóa đi mặc cảm ấy, người con rể phải hòa vào cuộc sống chung của gia đình, coi bố mẹ vợ như hoặc thậm chí hơn bố mẹ đẻ của mình. Nói như vậy, nhiều người sẽ cho rằng "sính ngoại", nhưng quả thật, để giữ gìn mối quan hệ bền đẹp trong gia đình lớn, việc chu đáo hơn với gia đình bên ngoại là điều nên làm, có thể chấp nhận được. Ví dụ khi ở với bố mẹ đẻ, người đàn ông có thể đi về muộn, ngủ dậy muộn, bỏ bữa, sinh hoạt lộn xộn, bừa bãi. Nhưng, khi ở với bố mẹ vợ, những điều trên cần phải hạn chế. Đó không phải là sự gò bó, mà thực sự mang tính tích cực, để cho mình chỉn chu hơn.

Hoặc ở với bố mẹ đẻ, đôi khi có thể mang sự cáu bẳn bên ngoài về nhà, tỏ thái độ vùng vằng khi mở lồng bàn thấy thức ăn không như ý, nhưng, nếu ở bên ngoại, chắc chắn, những hành động ấy không nên xảy ra. Còn một điều nhạy cảm nữa, mà cánh đàn ông vẫn hay lôi ra so sánh trong các cuộc trà dư tửu hậu. Đó là, nếu ở riêng hoặc ở cùng bố mẹ đẻ, chồng có thể "to tiếng", ra oai với vợ, nhưng, chắc chắn, ở nhà ngoại, thật khó để "lấy số" kiểu đó. Nhưng thế cũng tốt, vì to tiếng với vợ, ra oai với vợ, ở bất cứ nhà ai, chỗ nào, cũng chẳng oai phong lẫm liệt gì?

Trường hợp mẹ vợ sang ở với vợ chồng con rể, có lẽ sẽ giúp chàng rể thoải mái, tự tin hơn, nhưng không có nghĩa như vậy là bớt đi những điều phức tạp. Phụ nữ có một điều rất lạ, đó là, họ dù không thể hiện ra mặt, nhưng trong lòng luôn chứa tình cảm riêng dành cho gia đình "nhà đẻ" của mình. Vì vậy, khi mẹ về sống chung, dù rất sung sướng, nhưng cô con gái lại có thêm một điều cần quan tâm, để ý, đó là lo chồng mình cư xử không đúng mực, làm tổn thương đến mẹ đẻ mình. Còn người mẹ, dù ở với con gái đẻ mình thật, nhưng vì còn có sự xuất hiện của chàng rể, nên vẫn giữ khoảng cách nhất định, bởi nhiều người không sẵn sàng coi "rể là con đẻ" của mình.

Chính những phức tạp, rắc rối này đã khiến không khí gia đình nhiều lúc nặng nề, căng thẳng, bởi các thành viên không thật sự thoải mái, cởi mở, tự nhiên với nhau. Nhất là khi có con nhỏ, chuyện nuôi, dạy, chăm bẵm chúng cũng phát sinh những điều hết sức tế nhị. Người đàn ông sẽ thật sự không thể vô tư khi thấy mẹ vợ, rồi cả vợ mình khi vui chơi, dạy dỗ con về quan hệ gia đình luôn chỉ hướng về phía "ngoại". Họ sẽ cảm thấy tủi thân, kể cả tổn thương nữa khi hỏi "con yêu ai nhất", câu trả lời của con là: " Bà ngoại, mẹ, dì, cậu..." mà không thấy bóng dáng bên nội đâu?!?

Để đẹp lòng cả "bà ngoại" lẫn vợ, tạo không khí gia đình hạnh phúc, tự nhiên thật sự, lúc này, vai trò của người đàn ông là hết sức quan trọng. Một mặt, chàng rể phải cung kính, lễ phép, tế nhị trong cư xử với mẹ vợ. Mẹ có trót nấu ăn không hợp khẩu vị, cũng cố ăn hoặc lựa lời góp ý tế nhị, nhẹ nhàng. Thường thì, trong tình huống này, các chàng rể nên góp ý riêng với vợ, để nhờ vợ tác động với mẹ mình. Hoặc những việc khác liên quan đến chi tiêu, mua sắm, quan hệ đối xử với hàng xóm cũng vậy. Con gái có thể to tiếng với mẹ đẻ một chút cũng không sao, giận thì lại thôi. Nhưng chắc chắn, con rể làm điều đó hậu quả để lại sẽ lớn hơn rất nhiều. Rồi ngay việc xưng hô, chào hỏi, giữ ý trong sinh hoạt cá nhân, chàng rể cũng phải có sự lưu tâm, để ý.

Cũng giống như các nàng dâu, hầu hết chẳng chàng rể nào muốn "sống chung với mẹ vợ". Nhưng, đôi khi, vì không còn sự lựa chọn nào khác, họ phải chấp nhận điều đó. Vậy thì, thay vì những lo ngại, mặc cảm, định kiến, hãy tự điều chỉnh, tinh tế, giữ đúng phép tắc trong quan hệ, ứng xử, để "tốt đẹp hóa" mối quan hệ trên. Xét đến cùng, mẹ vợ cũng là mẹ mình, bởi không có mẹ làm sao có vợ? "Sống chung với mẹ vợ", đâu phải ai muốn cũng có được niềm vinh dự ấy?!?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top