Aa

Sông Tô Lịch: Đếm ngày hồi sinh

Thứ Sáu, 17/05/2019 - 11:30

Với khả năng xử lý gấp 9 lần lượng nước thải sông Tô Lịch tiếp nhận một ngày, công nghệ Nano - Bioreactor của Nhật Bản hứa hẹn đạt hiệu quả khử mùi và ô nhiễm sau 3 ngày hoạt động.

Ngày 16/5, tại đầu nguồn sông Tô Lịch (đoạn giao Hoàng Quốc Việt hướng về Cầu Giấy) đã diễn ra lễ khởi động dự án "Tài trợ thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản" theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND TP. Hà Nội.

Tại lễ phát động dự án, TS. Tadashi Yamamura, Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến Thương mại – Môi trường Nhật Bản và là chuyên gia môi trường của Liên Hợp quốc cho biết, công nghệ Nano – Bioreactor của Nhật Bản đã được áp dụng để xử lý nước cho nhiều dòng sông, hồ bị ô nhiễm trên thế giới.

“Công nghệ này có thể xử lý ô nhiễm tại sông Tô Lịch mà không cần nạo vét cơ học. Chỉ ba ngày mùi hôi thối của đoạn sông Tô Lịch được xử lý thí điểm sẽ giảm đáng kể và sau hai tháng, các chất thải và bùn đen tại đáy sông sẽ bị phân hủy mà không cần phải nạo vét”, TS. Tadashi Yamamura nhấn mạnh.

Được biết, các máy xử lý nước thải chạy bằng năng lượng điện, được đặt chìm dưới lòng sông, tạo ra dòng khí nano khuếch tán vào nước, kích thích các vi sinh vật hoạt động, từ đó giải phóng oxy, xử lý bùn thải, tạo nên dòng nước trong lành hơn. Đặc biệt, công nghệ có ưu điểm tạo nồng độ oxy hòa tan cao trong nước, hạn chế tái ô nhiễm và tiết kiệm chi phí, cũng như diện tích bởi được đặt chìm dưới lòng sông.

Những chiếc máy lọc đang được đặt xuống lòng sông.

Những chiếc máy lọc đang được đặt xuống lòng sông.

Theo nhà đầu tư, những chiếc máy lọc có khả năng xử lý tới 1,35 triệu m3 nước thải trên một ngày đêm (khoảng 150.000 m3), gấp 9 lần lượng nước thải mà sông Tô Lịch phải tiếp nhận trong cùng thời gian.

Từ đó, có thể kỳ vọng nước thải luôn được xử lý triệt để mà không có tình trạng lưu lắng, gây bốc mùi ở sông Tô Lịch. Theo dự kiến thì những chiếc máy này sẽ đạt được hiệu quả khử mùi và ô nhiễm sau 3 ngày hoạt động. Cùng với đó, người dân Thủ đô cũng đang "nín thở" để chờ đợi sự thay đổi kỳ diệu như kỳ vọng ở đoạn sông trong những ngày nắng nóng và ngột ngạt sắp tới.

Thực tế nhiều năm nay, con sông dài khoảng 14km này luôn trong tình trạng nước đen kịt, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, đặc biệt là những ngày nắng nóng gay gắt.

“Mùa hè, trời nắng nóng mùi bốc lên ghê lắm, ở trong nhà đóng cửa có khi vẫn ngửi thấy; mùa mưa thì đỡ mùi hơn nhưng lại nhiều muỗi. Tình trạng ô nhiễm diễn ra nhiều năm nay nhưng chưa xử lý được nên ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt và sức khỏe của người dân", bà Trần Kim Thoa, cư dân bên dòng sông cho biết. 

 Dòng nước đen kịt, rêu kết thành mảng lớn dạt vào bên bờ, bốc lên mùi khó chịu.

Dòng nước đen kịt, rêu kết thành mảng lớn dạt vào bên bờ, bốc lên mùi khó chịu.

Sông Tô Lịch chảy qua trung tâm Thủ đô, từng là con sông thơ mộng đi vào thơ ca nhưng nay đã trở thành "con sông chết" do hằng ngày phải tiếp nhận đến 150 nghìn m3 nước thải sinh hoạt từ các hộ dân và nước thải từ các nhà máy công nghiệp xả thẳng vào.

Bên cạnh đó là ý thức của một bộ phận người dân và một phần do phương thức xử lý rác thải chưa hợp lý, không đúng quy định - đốt rác ngay trên bờ sông. Điều này dẫn đến tình trạng ô nhiễm càng ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân hai bên bờ cũng như người tham gia giao thông và gây mất mỹ quan đô thị.

Mặc dù Hà Nội đã liên tục thực hiện các dự án cải tạo, nạo vét đáy sông, kè bờ, trồng cây, để làm sạch sông và tránh lấn chiếm. Tuy nhiên, đã nhiều năm trôi qua, mọi biện pháp đều như “muối bỏ bể”; dòng sông thì vẫn im lìm, đen kịt mà chưa thể hồi sinh.

Do đó, dự án thí điểm lần này với sự giúp sức từ phía Nhật Bản được các chuyên gia, đặt biệt là người dân Thủ đô đặt kỳ vọng rất lớn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để tính chuyện lâu dài, vẫn cần phải có những giải pháp xử lý rác thải và nước thải từ nguồn, không để tình trạng thải trực tiếp ra sông mới có thể hy vọng hồi sinh được dòng sông này./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top