Aa

Sống xanh với công trình mô-đun

Thứ Ba, 04/04/2017 - 00:13

Công trình mô-đun (modular building) đang dần trở nên phổ biến trong 10 năm trở lại đây. Vậy đó là các công trình như thế nào?

“Modular” được định nghĩa là các phần có thể được ráp nối lại với nhau bằng nhiều cách (theo từ điển Werriam-Webster). Điều tạo nên sự khác biệt giữa công trình mô-đun với công trình truyền thống nằm ở quy trình thi công. Công trình tiêu chuẩn đều được thi công trực tiếp tại khu đất xây dựng công trình, từ việc làm móng tới hoàn thiện. Phương pháp xây dựng công trình mô-đun lại hoàn toàn khác biệt. Các mô-đun được sản xuất sẵn ở xưởng được mang tới địa điểm thi công để lắp ráp giống như ghép những mẩu lego lại với nhau. Do đó, tiến độ xây dựng công trình nhanh hơn và hiệu quả hơn.

Cấu trúc xây dựng như vậy (hay còn gọi là cấu trúc tiền chế) có thể coi là một giải pháp bền vững trước những thách thức môi trường của công trình hiện đại. Dưới đây là một vài minh chứng cho điều đó.

Hiệu quả sử dụng năng lượng

Không những đẩy nhanh tiến độ thi công công trình lên gấp đôi, công trình mô-đun còn đem lại hiệu quả trong việc sử dụng năng lượng. Những đặc điểm xanh như hệ thống đèn LED, địa nhiệt, cửa kính ba lớp, các tấm năng lượng mặt trời và những đặc tính xanh khác sẽ được lắp đặt trong quá trình thi công nhằm đẩy mạnh hiệu quả năng lượng hoạt động của tòa nhà. Lắp đặt thiết bị điều nhiệt giúp kiểm soát nhiệt độ không khí trong công trình.

Phát thải xây dựng ít hơn 5% so với công trình truyền thống

Loại bỏ phát thải xây dựng là một trong những thách thức đáng lưu tâm trong vòng đời công trình. Gần 90% công trình mô-đun không được xây dựng tại khu đất, do vậy lượng phát thải xây dựng và tiếng ồn sẽ giảm đáng kể so với xây dựng công trình truyền thống. Nhờ đó, công trình mô-đun giúp giảm thiểu tác động môi trường, mang lại không gian tiện nghi và môi trường sống tốt cho sức khỏe.

Công trình có thể tái sử dụng

Được biết đến như “công trình di động”, các phần của công trình được di chuyển từ nơi này tới nơi khác mà không cần phá dỡ cũng như ít đòi hỏi sửa chữa lại. Trong tương lai, các công trình mô-đun sẽ tiết kiệm đáng kể thời gian và chi phí.

Vật liệu tái chế.

Vật liệu mà công trình mô-đun sử dụng là các vật liệu tái chế. Những vật liệu này có thể là thép tái chế, gỗ tái chế hoặc kính tái chế. Thảm tự dính không phát thải hợp chất hữu cơ dễ bay hơn (VOC) cũng có thể được sử dụng trong các công trình mô-đun.

Với những lý do trên, bạn có muốn sinh sống trong một công trình mô-đun hay không?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top