Aa

"Sốt" tỷ giá: Gái xinh sao phải lo ế?

Thứ Năm, 05/07/2018 - 06:00

“Ngân hàng Nhà nước hãy chứng minh cho thị trường thấy thực lực ngoại tệ của mình, đồng thời, xác lập niềm tin bằng những hành động cụ thể”, một chuyên gia nói với VietnamFinance trước cơn sốt tỷ giá mấy ngày qua.

Theo ước tính của chuyên gia, nửa cuối 2016, Ngân hàng Nhà nước mua ròng 8 tỷ USD, năm 2017 là 13 tỷ USD và từ đầu 2018 đến nay, con số này tương đương của năm 2017.

Dòng ngoại tệ đổ vào Quỹ dự trữ ngoại hối Quốc gia đạt mục tiêu của năm 2020 ngay ở thời điểm cuối 2017.

Tuy nhiên, câu chuyện tỷ giá trong một tuần qua trở nên nóng ran khi, đến mức, Ngân hàng Nhà nước ra thông điệp: sẵn sàng bán để can thiệp thị trường.

PV đã có cuộc trao đổi với ông Trương Văn Phước, quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia về nguyên nhân tỷ giá tăng cũng như vấn đề ứng xử với thị trường của cơ quan quản lý.

Ông Trương Văn Phước, quyền Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia.

Ông Trương Văn Phước, quyền Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia.

PV: Thưa ông, hai năm nay, tỷ giá khá yên bình, Ngân hàng Nhà nước mua vào một lượng lớn dự trữ ngoại hối. Vì sao ngày vui không dài thêm?

Ông Trương Văn Phước: Phải khẳng định rằng, sự biến động tỷ giá gần đây phần lớn là do tác động từ yếu tố bên ngoài.

Thứ nhất, những dấu hiệu chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã lộ diện trong bối cảnh thương mại Mỹ và các nước châu Âu đang “cơm không lành, canh không ngọt”.

Cả thế giới đang hướng mắt về những mối bất ổn này và tác động đầu tiên dễ thấy là thị trường chứng khoán Mỹ sau một thời gian tăng trưởng đã bắt đầu lao đao, kéo theo các chỉ số chứng khoán các nước giảm theo. Yếu tố này đã truyền dẫn đến thị trường chứng khoán Việt Nam.

Đối với thị trường chứng khoán Việt Nam trong khoảng 2 tháng về trước, đã tăng trưởng ngoạn mục, thậm chí còn lập đỉnh sau 10 năm èo uột. Tuy nhiên, 2 tháng trở lại đây, lình xình, lúc lên lúc xuống, xanh đỏ đan xen và phần lớn là kỳ vọng đi ngang và đi xuống.

Thứ hai, mặc dù FED tăng lãi suất liên tục trong vòng 2 năm gần đây nhưng khi nó cộng hưởng với yếu tố bất ổn thương mại nói trên, đã trở thành nhân tố rất nhạy cảm với giá của đồng đô la trên toàn thế giới.

Thứ ba, xét mối quan hệ giữa thị trường chứng khoán và ngoại hối, có một vấn đề liên quan nữa, đó là: trong các tháng gần đây, lượng mua ròng của các nhà đầu tư ngoại đã giảm hẳn, dù họ không chuyển vốn ra ngoài do niềm tin vào ổn định vĩ mô của Việt Nam vẫn được xác lập. Từ đó, ít nhiều tác động đến nguồn cung ngoại tệ trên thị trường và tất nhiên là có liên quan đến tỷ giá.

PV: Vậy, những yếu tố bên trong tác động đến biến động tỷ giá lần này là gì, thưa ông?

Ông Trương Văn Phước: Trước hết là lạm phát. Hiện tại, lạm phát cơ bản bình quân (trừ lương thực, xăng dầu…) tăng 1,35% được cho là một tín hiệu tuy không đến mức đáng lo ngại nhưng cần phải cảnh giác.

Hai là, mặc dù đang xuất siêu, dự trữ ngoại hối ở mức cao nhưng khi gắn với yếu tố bất ổn thương mại thế giới, lập tức sẽ ảnh hưởng đến tình hình thương mại Việt Nam.

Ba là, thị trường bất động sản gần đây đang bộc lộ một số vấn đề về bất ổn.

Nói tóm lại, yếu tố bên trong là thuận lợi và khó khăn vẫn đan xen. Vấn đề ở đây là các cơ quan quản lý và Chính phủ phải ra được những thông điệp truyền thông rõ ràng để ổn định thị trường.

Thực ra, cơ sở để khẳng định vĩ mô ổn định là nhiều, ví dụ: tăng trưởng được dự báo 6,7%, lạm phát ở mức thấp, dự trữ ngoại hối kỷ lục. Đồng thời, những yếu tố bên ngoài chỉ là tác động bởi yếu tố tâm lý.

PV: Thưa ông, một chuyên gia phân tích: vĩ mô hiện nay đang đối mặt với khó khăn kép: mua ròng ngoại tệ lớn nên phải bơm lượng VND tương đương, kết hợp vớ yếu tố kết dư ngân sách, đã tác động bất ổn đến tỷ giá. Ông nghĩ sao?

Ông Trương Văn Phước: Vấn đề này chưa có chứng cứ và cơ sở rõ ràng nên kết luận như vậy là không đúng. Dư VND thì tác động nhiều hơn đến lạm phát chứ không hoàn toàn là tỷ giá.

Chỉ số USD index phản ánh xu hướng của nó với các đồng tiền trên thế giới từ đầu năm đến nay đã tăng tầm 3% so với các đồng tiền chủ chốt. Tuy nhiên, trong 6 tháng chỉ tăng 3% thì không lớn.

Ở Việt Nam, từ đầu năm đến nay cũng điều chỉnh tăng khoảng 1%; trong bối cảnh chúng ta dư giả ngoại tệ, vốn ngoại vẫn tiếp tục đổ vào thì có thể vẫn khẳng định là vĩ mô ổn định.

Còn việc phản ứng của thị trường với biến động bên ngoài nhìn từ tỷ giá, cũng là điều đương nhiên.

Chưa kể, doanh số xuất khẩu, nhập khẩu vẫn lớn, tạo dòng ngoại tệ chu chuyển trong hệ thống ngân hàng rất lớn; từ đó, bổ sung sự dồi dào vào trạng thái ngoại tệ các ngân hàng cũng là yếu tố hỗ trợ tỷ giá ổn định.

PV: Ngày 3/6, đại diện Ngân hàng Nhà nước khẳng định “trạng thái ngoại tệ ngân hàng dương”, hẳn là lo ngại tỷ giá tăng nên ngân hàng mở “ống hút” ngoại tệ thay vì lựa chọn trạng thái âm, thưa ông?

Ông Trương Văn Phước: Không phải vậy, nếu để âm ngoại tệ quá mức hoặc dương quá mức đều không tốt mà phải để đúng quy định so với vốn điều lệ mà Ngân hàng Nhà nước đã quy định.

Ngân hàng nào cũng phải dự trữ ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu thanh toán, chi trả, trao đổi hàng hoá của thị trường. Tỷ giá biến động mấy ngày qua là do tâm lý thị trường. Và để giải quyết vấn đề đó, Ngân hàng Nhà nước thừa khả năng.

Không nên cấm mọi người lo lắng trong khi ta có nguồn lực, gái đã xinh thì lo gì ế chồng? Với thực lực của mình, tôi nghĩ Ngân hàng Nhà nước thừa khả năng xác lập niềm tin bằng những hành động cụ thể.

Xin cảm ơn ông!

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top