Aa

Sự hồi sinh của nghệ thuật kiến trúc... bạo lực

Chủ Nhật, 12/05/2019 - 21:00

Một nền kiến trúc đã bị thế giới tẩy chay từ hơn nửa thế kỷ trước nay lại được tiếp thêm sinh khí mới...

Các chuyên gia ước tính rằng,  sự phát triển của mạng Internet đã đẩy nhanh quá trình hình thành, phát triển, và lụi tàn của các trường phái nghệ thuật kiến trúc. Nếu như trước đây một phong cách thiết kế, xây dựng có thể phổ biến đến ba, bốn mươi năm tại quê hương của nó, thì nay khoảng thời gian này chỉ còn dưới hai mươi năm mà thôi. Các kiến trúc sư chỉ cần ngồi một chỗ và vài cú click chuột để biết được trường phái nào đang thịnh hành trên toàn cầu. Từ đó họ sẽ thêm những nét riêng của mình để tạo được cá tính kiến trúc, hay cao hơn nữa là cả một trường phái kiến trúc mới để thế chỗ cho trường phái cũ đang lụi tàn.

Một hậu quả của tốc độ phát triển đến kinh ngạc này là thật khó để làm cho bất kỳ ai cũng phải ngạc nhiên về nghệ thuật kiến trúc nữa. Có thể chỉ cần chưa đến hai năm để một mẫu thiết kế độc đáo được đem đi tái tạo, cải tiến ở một quốc gia khác. Mọi người coi việc thay đổi phong cách thiết kế cũng đương nhiên như thay áo vậy. Tuy thế, có một hiện tượng vẫn đang làm những nhà quan sát phải "nhướn mày", đó là sự hồi sinh của trường phái nghệ thuật kiến trúc bạo lực. Làm sao mà một phong cách thiết kế từng được coi là lỗi thời kể từ hơn bốn mươi năm trước lại có thể thu hút được cả một thế hệ mới đến như vậy?!

Tòa chung cư Unité d’Habitation (Pháp) theo trường phái bạo lực đã được UNESCo đưa vào danh sách Di sản văn hóa thế giới của UNESCO.

Tòa chung cư Unité d’Habitation (Pháp) theo trường phái bạo lực đã được UNESCo đưa vào danh sách Di sản văn hóa thế giới của UNESCO.

Khái niệm “kiến trúc bạo lực” (“brutalist architecture”) được nhà phê bình kiến trúc người Anh Reyner Banham đưa ra đầu tiên trong một bài viết của ông với những dòng chữ đại ý như sau: “…Nét nổi bật nhất của phong cách kiến trúc bạo lực, chính là sự trung thực đến bạo tàn của nó…” Nhà phê bình nói trên đã ám chỉ những công trình được xây dựng bằng Béton Brut, tức “bê - tông thô” trong tiếng Pháp, đang mọc lên khắp châu Âu tại thời điểm đó. Những công trình này thường có kích cỡ rất lớn (như chung cư, trường học, văn phòng chính quyền…), có mặt tiền để nguyên bê - tông thô mà không sơn, và được thiết kế sao cho vừa tiết kiệm chi phí và không gian mà vẫn có thể đáp ứng được những nhu cầu sử dụng cơ bản của người sống bên trong.

Nguồn gốc của kiến trúc bạo lực xuất phát tại châu Âu từ thập kỷ 1920 - 1930 của thế kỷ trước. Khi đó các trường phái nghệ thuật hiện đại hướng đến tính chính xác trong thực tế và khoa học đang chiếm lĩnh những ngành như hội họa, điêu khắc, âm nhạc, văn học,…Tuy vậy, kiến trúc vẫn còn sống trong quá khứ với những giá trị cũ kỹ của thế kỷ trước. Một thế hệ những kiến trúc sư trẻ mong muốn phá bỏ được tình trạng này, đưa kiến trúc đến với những giá trị hiện đại.

Sau chiến tranh thế giới thứ 2, các quốc gia châu Âu lao mình vào một cuộc đại tái thiết. Các kiến trúc sư trẻ ngày xưa lúc này đã đạt đến đỉnh cao của sự nghiệp và ở vào vị trí có thể biến lý tưởng của họ thành hiện thực. Họ không chỉ mong muốn phục hồi đất nước, họ còn muốn biến xã hội trở thành một nơi hiện đại mà nhân ái, nơi mà người dân được tạo điều kiện để theo đuổi hạnh phúc cá nhân.

Trong số những người này có kiến trúc sư thiên tài người Pháp tên là Le Corbusier. Ông đã dẫn dắt những đồng nghiệp và học trò của mình để xây dựng trường phái kiến trúc bạo lực. Họ kết hợp tính bền vững và tiện dụng của bê - tông, khi đó còn là một loại vật liệu khá mới, với những nghiên cứu nhân chủng học, xã hội học, kinh tế học để có thể thiết kế những công trình đáp ứng nhu cầu nhà ở và cơ sở hạ tầng của nhân dân khi đó và hơn thế nữa. Các "kiến trúc sư bạo lực" tin rằng, tác phẩm của họ là một phương tiện, một nấc thang trong quá trình thúc đẩy xã hội hướng tới sự văn minh.

Các công trình theo phong cách kiến trúc bạo lực thường được coi như là một thể nghiệm cho nhiều công nghệ xây dựng mới khi đó, đơn cử như tòa nhà triển lãm tại Brazil này.

Các công trình theo phong cách kiến trúc bạo lực thường được coi như là một thể nghiệm cho nhiều công nghệ xây dựng mới khi đó, đơn cử như tòa nhà triển lãm tại Brazil này.

Bi kịch của kiến trúc bạo lực là những người đi sau Le Corbusier đã quên mất mục tiêu nhân văn của ông. Sau nhiều năm phổ biến ở khắp phương Tây, đã có rất nhiều kiến trúc sư phạm phải sai lầm là loại bỏ hoàn toàn những yếu tố nghệ thuật trong tác phẩm của mình để tối đa hóa tiện ích sử dụng. Điều đó lại khiến các công trình của họ trở nên lạnh lẽo, thô kệch và trở thành trò hề.

Nghiêm trọng hơn, các kiến trúc sư đã đánh giá quá cao tính bền của bê - tông. Trong khí hậu lạnh ẩm của châu Âu, bê tông để thô rất dễ bị mục nát, từ đó kéo cả công trình sụp đổ. Vì hai lí do trên mà cả người dân lẫn các nhà chuyên gia dần dần thay đổi thái độ với kiến trúc bạo lực. Họ không còn muốn sống và làm việc trong những cái “quan tài bằng bê tông” nữa. Kiến trúc bạo lực cũng từ đó mà đi dần vào quên lãng.

Cách đây hơn mười năm, trường phái kiến trúc bạo lực đột nhiên nhận được sự chú ý của giới trẻ phương Tây. Họ coi những công trình bằng bê - tông thô, mà nhiều trong số đó đã bị bỏ hoang và rơi vào mục nát, như các địa danh du lịch đáng để tham quan chụp hình. Nhiều hội nhóm được lập ra với mục đích tìm hiểu, phục dựng lại trường phái kiến trúc bạo lực. Thậm chí còn có cả một làn sóng các tác giả, tác phẩm chuyên nghiệp nghiên cứu về phong cách này, ví dụ như “SOS Brutalism: A Global Survey”, “How to Love Brutalism”, “Soviet Bus Stops”, và“This Brutal World”. Kiến trúc bạo lực đã trở nên thời thượng với người trẻ tương đương với những xu hướng thời trang mới nhất.

Để hiểu vì sao một phong cách thiết kế tối giản và có nguồn gốc từ hơn nửa thế kỷ trước lại đang thu hút được một lượng lớn giới trẻ, chúng ta phải xem xét bối cảnh cuộc sống hiện nay. Chúng ta đang sống giữa các dòng thông tin chảy xiết. Chỉ với chiếc điện thoại thông minh trên tay, ai cũng có thể tiếp cận được với những tin tức trong và ngoài nước thuộc đủ mọi lĩnh vực ngay lập tức. Vấn đề là có quá nhiều nguồn thông tin theo kiểu “vàng thau lẫn lộn”, và chúng ta không đủ khả năng phân biệt đâu là tin thật, đâu là tin giả. Đấy là chưa kể sự “tấn công” 24/24 lên năm giác quan con người của muôn vàn các loại phương tiện quảng cáo.

Các bạn trẻ nhạy cảm với công nghệ và thông tin là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi hiện tượng nói trên. Từ đó mà trong họ hình thành một sự mong mỏi những cái gì đó đơn giản, chân thực, thẳng thắn... Kiến trúc bạo lực đáp ứng đúng những nguyện vọng đó của giới trẻ. Ở các công trình bằng bê - tông thô, người trẻ nhìn thấy một sự thật thà nhưng lại không kém tính phá cách mà họ vẫn đang tìm kiếm ngay trong cuộc sống của mình hằng ngày.

Mặt khác, kiến trúc bạo lực cũng là một hướng đi để giải quyết vấn đề nhà ở trong giới trẻ. Tại các nước phương Tây, vì đầu tư bất động sản phát triển quá mạnh mà dẫn đến việc giá đất, giá mua nhà, thuê nhà tăng quá tốc độ tăng của lương bổng. Nhiều người, đặc biệt là những người trẻ, không còn khả năng tài chính để chi trả cho một căn hộ nữa. Họ bị đẩy vào cảnh sống vô gia cư ngay cả khi vẫn có công việc ổn định. Tình hình chẳng khác nào thời điểm sau chiến tranh thế giới thứ hai, khi mà hằng triệu người châu Âu mất nhà của họ. Chắc hẳn trong tâm thức nhiều bạn trẻ đã hình thành sự liên tưởng giữa quá khứ và hiện tại, từ đó mà đặt lòng tin vào các công trình kiến trúc bạo lực sẽ giải quyết vấn đề chỗ ở cho họ.

Hiện đang có một thế hệ kiến trúc sư trẻ đang cố đưa trường phái bạo lực đến với cuộc sống hiện đại. Dưới sự chỉ đạo của những kiến trúc sư tài năng như Antón García-Abril (Tây Ban Nha), Kengo Kuma (Nhật Bản), Joao Filgueiras (Brazil)… các công trình mới bằng bê - tông thô đang mọc lên trên khắp thế giới. Những công trình này hội tụ đủ các điểm mạnh của trường phái bạo lực, nhưng cũng mang trong mình nhiều đức tính tốt đẹp riêng có.

Một ngôi nhà kết hợp phong cách bạo lực đường nét hiện đại do kiến trúc sư Antón García-Abril sáng tác.

Một ngôi nhà kết hợp phong cách bạo lực đường nét hiện đại do kiến trúc sư Antón García-Abril sáng tác.

Chúng ta hiểu rằng ánh sáng, khí trời, hay sự thân thiện, đoàn kết cũng cần thiết với mỗi cá nhân như ăn và mặc vậy. Những ngôi nhà, xí nghiệp, khu văn phòng,…vì thế mà phải đảm bảo được các nhu cầu đặc biệt này của những người sinh hoạt và làm việc trong đó. Đây cũng là trở ngại lớn nhất đối với nghệ thuật kiến trúc bạo lực, vì lẽ nó phải kết hợp được với những yếu tố liên quan mật thiết tới con người. Kiến trúc bạo lực được xây dựng trên một nền tảng quan niệm về chất lượng sống cách đây hơn 70 năm, rất khác so với bây giờ.

Hướng giải quyết vấn đề hiện nay của các kiến trúc sư theo trường phái bạo lực là đưa vào những mẫu thiết kế mở, kết hợp hài hòa với các yếu tố thiên nhiên tại chỗ, đồng thời sáng tạo nội thất tối đa hóa không gian sử dụng mà vẫn có vẻ đầm ấm. Thật khó có thể nói trước được rằng liệu các thay đổi này có thể giúp thay đổi nhận thức của công chúng đối với trường phái kiến trúc bạo lực không; tuy vậy, đây vẫn là những hành động đáng được hoan nghênh. Mong rằng kể cả trong trường hợp trường phái bạo lực không may bị chìm vào quên lãng như những phong cách thiết kế khác, thì chúng ta vẫn có thể rút ra những bài học quý giá về quan hệ nhân văn giữa con người và nghệ thuật kiến trúc.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top