Aa

Sự tử tế

Thứ Tư, 06/06/2018 - 06:00

Trong thực tế luôn có một sự thật thế này: Không ít người nói rất hay và rất hay nói về sự tử tế, nhưng cũng chính những con người ấy, thì lại rất ít tử tế.

 

Trong cuộc sống hằng ngày, sự tử tế luôn là điều mà mọi người cùng mong muốn. Bởi nó là tổng hợp của tất cả những thứ tốt đẹp nhất, được thể hiện ra bằng hành động của từng cá nhân. Hành động đó bao gồm cử chỉ, hành vi, lời nói và ý nghĩ (tức là không hiện hình).

Sự tử tế quan trọng như vậy khiến nhiều người tìm cách định nghĩa nó.

Aesop, tác giả của những truyện ngụ ngôn nổi tiếng thế giới từ thời cổ đại đã từng viết: "Sự tử tế, dù nhỏ tới thế nào, cũng không bao giờ là lãng phí!"
 
Trong phim tài liệu nổi tiếng "Chuyện tử tế", Đạo diễn Trần Văn Thủy để cho một bô lão giảng giải về hai chữ tử tế như sau: "Chữ "tử" có nghĩa là những chuyện nhỏ bé. Chữ "tế" có nghĩa là những chuyện bình thường. Hai chữ "tử tế" gộp lại có nghĩa là cẩn thận từ những việc nhỏ bé, rồi do lâu đời ta đọc khác đi và nghĩa cũng khác đi. Sự tử tế, tử tế thật sự không phải cứ có tiền bạc là mua được, hoặc cứ muốn là có ngay. Nó cũng phải được học hành, được dạy dỗ, được tập luyện, được kế thừa và gìn giữ. Tử tế như hoa thơm, hoa đẹp không thể thiếu được của cuộc đời".

Còn rất nhiều định nghĩa khác nữa, trong đó có cả những định nghĩa rất bác học, được phát ra từ miệng của những người ở đẳng cấp cao về học vấn.

Nhưng trong thực tế luôn có một sự thật thế này: Không ít người nói rất hay và rất hay nói về sự tử tế, nhưng cũng chính những con người ấy, thì lại rất ít tử tế.

Hóa ra sự tử tế, đúng như tên của nó, phải bắt đầu từ những việc cụ thể, đôi khi rất nhỏ và để thực hiện chúng hóa ra không dễ một chút nào.

Chuyện tôi sắp kể sau đây là một minh chứng rằng, sự tử tế không cần phải có tuyên ngôn hoặc diễn giải.
Chuyện như sau:

Sáu đứa trẻ của ba gia đình chúng tôi quyết định đi du lịch vào Đà Nẵng mà không cần bố mẹ. Chúng tự hẹn một chủ xe quen biết, với lịch trình rõ ràng là đón chúng tại ba điểm và nhất định phải có mặt tại sân bay Nội Bài trước giờ máy bay cất cánh ít nhất là 90 phút. Với điều kiện như vậy, giá cả của chuyến xe “hợp đồng” được ấn định là 350.000 đồng. Hai bên đều vui như… đi du lịch!.

Nhưng do lái xe hợp đồng chủ quan không lường hết chuyện tắc đường, nên đã đến đón bọn trẻ muộn và không thể đảm bảo ra sân bay kịp giờ nếu phải đón đủ tại các điểm như thỏa thuận. Giải pháp nhanh chóng được hai bên chấp nhận: Thay vì chờ xe đón như đã hợp đồng, người ở điểm thứ ba là con gái tôi, tự bắt xe đến sân bay. Và cháu đã chọn một xe taxi công nghệ. Vấn đề thời gian nhờ thế đã được giải quyết. Đến sân bay, con gái tôi thanh toán với tài xế taxi 300.000 đồng, thêm 15.000 đồng phí sân bay theo yêu cầu của lái xe.

Vừa vào sân bay, con gái tôi đã nhận được điện thoại của tài xế taxi công nghệ, khẩn khoản xin lỗi vì không biết là theo quy định của công ty, số tiền hiện trên công-tơ-mét đã bao gồm cả 15.000 đồng phí sân bay. Anh ta nói là nhất định sẽ liên hệ lại theo số điện thoại khi con gái tôi trở về, để hoàn trả số tiền.

Còn với chủ xe hợp đồng, trước khi nhận tiền thanh toán từ bọn trẻ, anh ta hỏi số tiền mà con gái tôi phải trả cho taxi gọi riêng. Sau đó anh nhận thanh toán số tiền đó với lý do là lỗi do anh gây ra, nên phải chịu trách nhiệm.

300.000 đồng, rõ ràng là số tiền nhỏ, ngay cả với bọn trẻ còn đang là sinh viên. 15.000 đồng thì còn nhỏ nữa. Nhưng hành động của hai anh lái xe thì không thể nào định giá được, bởi nó cho chúng ta niềm tin to lớn rằng, sự tử tế không bao giờ biến mất như nhiều người lo ngại, mà vẫn quanh quẩn đâu đây bên cạnh mình, nơi những con người lao động bình thường.

Còn với tôi, một người thích tò mò thì có thêm một định nghĩa nữa về sự tử tế, đó là: Dám nhận trách nhiệm về mình.

Này, đừng tưởng việc đó dễ thực hiện đâu nhé, nếu bạn đã từng nghe về những ông quan bệ vệ thản nhiên đổ thừa tội của mình cho nhân viên đánh máy!
 
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top