Aa

Sửa đổi Nghị định 20/2017: Làm thế nào để doanh nghiệp không bị "siết" nhầm?

Thứ Bảy, 01/02/2020 - 14:13

Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 20/2017/NĐ-CP (Nghị định 20) về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết tiếp tục được Bộ Tài chính lấy ý kiến.

Như đã nói, trọng tâm của những tranh cãi này tập trung cụ thể vào khoản 3 Điều 8 Nghị định 20 liên quan đến việc khống chế trần chi phí lãi vay.

Cũng cần lưu ý rằng Nghị định 20 không có mục đích cản trở việc vay nợ để thực hiện sản xuất kinh doanh, mà chỉ hạn chế việc vay nợ giữa các bên có liên kết nhằm chống hành vi trốn tránh thuế.

Tuy nhiên, như đã phân tích Nghị định 20 không phải là không có những điều bất hợp lý. Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tuân thủ tốt Nghị định và tránh được những rào cản. Những lưu ý, thay đổi sau nên được thực hiện.

Thứ nhất, mức khống chế trần chi phí lãi vay cần được áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp. Trên báo chí, nhiều quan điểm cho rằng việc khống chế chi phí lãi vay không nên áp dụng cho các doanh nghiệp trong nước không có giao dịch xuyên biên giới hoặc các công ty mẹ – công ty con có cùng một mức thuế suất.

Tuy nhiên, theo tôi điều này là không chính xác. Bởi vì, giả sử công ty mẹ có lỗ còn công ty con có lợi nhuận, thì theo luật định công ty mẹ không phải nộp thuế còn công ty con phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) tương ứng theo lợi nhuận kiếm được. Vấn đề ở chỗ, bằng cách chuyển lợi nhuận từ công ty con sang công ty mẹ (thông qua vay nợ), công ty mẹ có thể sẽ bớt lỗ (vẫn không phải nộp thuế) nhưng công ty con sẽ chỉ còn phải nộp một khoản thuế ít hơn bởi đã chuyển một phần lợi nhuận sang công ty mẹ.

Nghị định 20/2017 áp dụng chung cho cả doanh nghiệp nước ngoài và Việt Nam với 2 chuẩn mực kế toán khác nhau và điều kiện hoạt động khác nhau, nếu áp dụng cùng công thức với tỷ lệ tính toán giống nhau sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp Việt.

Hơn nữa, các tập đoàn hay tổng công ty nhà nước hiện nay gồm nhiều công ty thành viên có cấu trúc sở hữu khác nhau (có công ty TNHH một thành viên 100% vốn nhà nước, có công ty đã cổ phần hóa), việc điều tiết lợi nhuận từ các công ty 100% vốn nhà nước sang các công ty cổ phần hóa một cách giả tạo có thể không chỉ giúp giảm nghĩa vụ thuế mà còn làm thất thoát tài sản của cổ đông nhà nước.

Thứ hai, chi phí lãi vay từ các giao dịch độc lập nên được miễn trừ hoàn toàn và không chịu sự điều chỉnh của Nghị định 20. Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam và nhiều công ty khác không đồng tình với việc quy định chi phí lãi vay để tính khấu trừ thuế bao gồm cả chi phí lãi vay từ các giao dịch độc lập (như trả lời của Bộ Tài chính qua Công văn 3790/TCT–DNL).

Phản ứng này là hoàn toàn dễ hiểu bởi mục đích của Nghị định 20 là quản lý thuế đối với các giao dịch liên kết nhằm chống trốn tránh thuế. Tuy nhiên, Nghị định lại đưa cả chi phí lãi vay từ các giao dịch độc lập vào diện điều chỉnh là không phù hợp. Điều này cản trở doanh nghiệp trong việc huy động vốn và gây bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp có giao dịch liên kết (bất kể với ai) và doanh nghiệp không có giao dịch liên kết.

Do vậy, miễn là bên cho vay độc lập với bên đi vay, và độc lập cả với những doanh nghiệp mà bên đi vay có giao dịch liên kết thì chi phí lãi vay nên được khấu trừ hoàn toàn khỏi thu nhập chịu thuế của bên đi vay.

Thứ ba, chi phí lãi vay từ các hợp đồng vay nợ kí kết trước thời điểm Nghị định 20 có hiệu lực nên được khấu trừ toàn bộ. Những doanh nghiệp có giao dịch liên kết và vay nợ lớn có thể bị động khi Nghị định 20 ra đời. Hoạt động đi vay và cho vay lại giữa công ty mẹ và các công ty thành viên rất phổ biến ở các tập đoàn. Nghị định 20 ra đời có thể đẩy những doanh nghiệp đang có những hợp đồng vay nợ dài hạn kí kết từ năm 2017 trở về trước vào thế bị động. Với những trường hợp như vậy, chi phí lãi vay nên được miễn trừ khỏi sự điều chỉnh của Nghị định 20.

Cho phép các doanh nghiệp chuyển phần chi phí lãi vay chưa được khấu trừ vào một số năm tiếp theo (có giới hạn). Điều này giúp các doanh nghiệp mới thành lập thường chịu lỗ trong giai đoạn đầu sau thành lập có thể giảm gánh nặng tài chính, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào những ngành đòi hỏi vốn đầu tư lớn và dài hạn. Thời hạn kết chuyển có thể là 5 năm và chỉ áp dụng với những doanh nghiệp mới thành lập hoặc có đầu tư lớn vượt một con số nhất định.

Việc chỉnh sửa là cần thiết, tuy nhiên cần phải đảm bảo rằng Nghị định 20 có hiệu lực trong việc chống được hành vi trốn tránh thuế thu nhập doanh nghiệp và hướng hệ thống tài chính phát triển lành mạnh trong dài hạn.

PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô, Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU)

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top