Aa

Sửa đổi Nghị định 20: Cần cho phép hồi tố mới đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp

Nguyên Hà
Nguyên Hà lienlien.media@gmail.com
Thứ Năm, 05/03/2020 - 19:26

Vấn đề các doanh nghiệp quan tâm nhất trong việc sửa đổi Nghị định 20 tới đây là nếu tăng trần lãi vay lên 30%, các doanh nghiệp đã nộp thuế theo mức 20% tại các kỳ tính thuế trước đó có được hồi tố?

Hơn 2 năm Nghị định 20 có hiệu lực thi hành với những bất cập trong khoản 3, Điều 8, hàng loạt doanh nghiệp nội đã “thấm đòn” khi phải nộp thêm hàng tỷ đồng tiền thuế, nguy cơ từ lãi thành lỗ.

Cụ thể khoản 3 Điều 8, Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định “tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế (EBITDA)”. Điều này có thể hiểu, phần chi phí lãi vay của doanh nghiệp vượt quá 20% EBITDA sẽ bị coi là chi phí không được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. 

Đây là điều khoản gây khó cho các hoạt động của doanh nghiệp trung chuyển vốn vay, cho vay lại hay việc vay nợ giữa công ty con với công ty mẹ trong cùng một tập đoàn, tổng công ty ở trong nước. Mức áp trần chi phí phí lãi vay từ 20% được ví như "sợi dây vô hình" trói chặt sự phát triển của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản.

Bản dự thảo khiến doanh nghiệp “mừng hụt”

Sau những kiến nghị của doanh nghiệp, giới chuyên gia và Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cùng hàng loạt chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã có những động thái đầu tiên liên quan đến việc sửa đổi những bất cập của Nghị định 20. 

Tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 8 Nghị định 20/2017 được trình lấy ý kiến vào ngày 11/12/2019, các nội dung sửa đổi đã dựa trên các kiến nghị của doanh nghiệp và gần như có thể tháo gỡ 90% các khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải kể từ khi Nghị định 20 được ban hành.

Điểm đáng ghi nhận đầu tiên của bản dự thảo này là tăng mức khống chế lãi vay được trừ 20% lên 30% EBITDA. Cụ thể, tổng chi phí lãi vay thuần phát sinh trong kỳ của người nộp thuế (chi phí lãi vay bù trừ với doanh thu lãi tiền gửi, tiền cho vay) được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng (+) chi phí lãi vay thuần cộng (+) chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế.

Trường hợp tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng chi phí lãi vay thuần cộng chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế nhỏ hơn hoặc bằng 0, chi phí lãi vay thuần phát sinh trong kỳ được chuyển toàn bộ và liên tục vào chi phí lãi vay thuần được để xác định thu nhập chịu thuế của 5 năm tiếp theo theo quy định xác định lỗ và chuyển lỗ của pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, bản dự thảo này cũng thể hiện ý chí, nguyện vọng của doanh nghiệp khi cho phép chuyển lãi vay thuần chưa được trừ của các năm 2017 – 2018 sang 5 năm kế tiếp.

“Chi phí lãi vay thuần không được trừ trong kỳ quy định tại điểm a và điểm b khoản này được chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo để xác định chi phí lãi vay thuần được trừ trong trường hợp chi phí lãi vay thuần phát sinh của kỳ tính thuế tiếp theo thấp hơn mức quy định. Thời gian chuyển chi phí lãi vay thuần tính liên tục không quá 5 năm kể từ năm tiếp sau năm phát sinh chi phí lãi vay thuần không được trừ”, dự thảo nêu rõ.

Đối với trường hợp đã kê khai chi phí lãi vay theo quy định tại Khoản 3 điều 8 nhưng chưa được thanh kiểm tra thì dự thảo này quy định, doanh nghiệp được xác định chi phí lãi vay thuần được trừ trong kỳ và số chi phí lãi vay thuần không được trừ này sẽ được chuyển sang các kỳ tính thuế tiếp theo để xác định chi phí lãi vay thuần được trừ kể từ kỳ tính thuế 2019.

Như vậy, khi được đưa ra lấy ý kiến, bản dự thảo này của Bộ Tài chính được xem như tin vui đối với cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản cần nhiều vốn, hoạt động dưới mô hình công ty mẹ - con.

Mức áp trần chi phí phí lãi vay từ 20% tại Nghị định 20 được ví như "sợi dây vô hình" trói chặt sự phát triển của doanh nghiệp. Ảnh minh hoạ. 

Sẽ không là vấn đề nếu các nội dung trong bản dự thảo nói trên được giữ nguyên khi trình lên Thủ tướng và được thông qua. Tuy nhiên, hiện tại chưa có một cơ sở nào chắc chắn để các doanh nghiệp có thể yên tâm rằng Nghị định sửa đổi khoản 3 Điều 8 Nghị định 20 sẽ cho phép “hồi tố” về các kỳ tính thuế 2017, 2018.

Ngược lại, sau khi "tiếp thu" ý kiến của Bộ Tư pháp, theo nguồn tin của Reatimes, tại tờ trình về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết được trình Chính phủ, Bộ Tài chính chỉ giữ lại quy định tăng trần chi phí lãi vay từ 20% lên 30% EBITDA, bỏ quy định hồi tố, theo đó, Nghị định chỉ áp dụng cho kỳ tính thuế 2019 mà không xác định lại các khoản chi phí lãi vay đã áp dụng theo quy định của khoản 3 Điều 8 Nghị định 20 cho kỳ tính thuế năm 2017, 2018, đồng thời bỏ nội dung chuyển tiếp chi phí sang các năm tiếp theo.

Nếu dự thảo Nghị định được thông qua theo hướng này, e rằng, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng lại tiếp tục “khóc dở, mếu dở”, khó khăn không được giải quyết.

Việc cho phép "hồi tố", theo các doanh nghiệp sẽ tránh được nguy cơ thuế chồng thuế. Bởi theo Nghị định 20, bên cho vay phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ lãi tiền vay, trong khi bên đi vay cũng phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với chi phí tiền vay vượt mức khống chế.

“Nghị định 20 ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp bất động sản bởi tỷ lệ lãi vay cao và đối tượng doanh nghiệp trong nước bị vạ lây, phải nộp thêm thuế: Chúng ta đã đi được một bước kiến nghị là tăng tỷ lệ khống chế lãi vay lên 30% EBITDA. Tuy nhiên, nếu không áp dụng cho kỳ tính thuế 2017, 2018 mà chỉ tính năm 2019 thì khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản vẫn chưa được tháo gỡ, nhất là khi tiền thuế năm 2017, 2018 của doanh nghiệp rất lớn, bị đội lên nhiều lần, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp”, đại diện một doanh nghiệp cho biết.

Bộ Tài chính có cố tình hiểu sai?

Rõ ràng bản dự thảo đầu tiên được trình lấy ý kiến vào ngày 11/12/2019 như phân tích ở trên đã gần như đáp ứng nguyện vọng của doanh nghiệp sau gần 2 năm kiến nghị. Tuy nhiên, sau khi trình lấy ý kiến của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính đã cắt bỏ hoàn toàn các quy định liên quan đến việc cho phép hồi tố. Đây là căn cứ mà Bộ Tài chính đưa ra:

“Bộ Tư pháp đề nghị xem xét nội dung cho áp dụng hồi tố đối với việc xác định khống chế chi phí lãi vay năm 2017 và 2018 phải đảm bảo lợi ích chung của xã hội, lợi ích của tổ chức cá nhân được quy định trong luật, Nghị quyết của Quốc hội.

Tiếp thu ý kiến của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính đã bỏ quy định hồi tố, theo đó, Nghị định chỉ áp dụng cho kỳ tính thuế 2019 mà không xác định lại các khoản chi phí lãi vay đã áp dụng theo quy định của khoản 3 Điều 8 Nghị định 20 cho kỳ tính thuế năm 2017, 2018”.

Có thể thấy Bộ Tư pháp chỉ yêu cầu Bộ Tài chính xem xét nội dung việc hồi tố làm sao để đảm bảo lợi ích của các bên theo quy định của pháp luật. Rõ ràng, trong câu chuyện này, các doanh nghiệp đã đóng thuế theo khoản 3 Điều 8 Nghị định 20 đã ban hành năm 2017 bị thiệt hại về lợi ích nhiều nhất, đến mức phải đồng loạt kêu cứu. Vậy, hà cớ gì Bộ Tài chính lại không xem xét mà bỏ luôn quy định vốn sẽ là điểm nút tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Là Bộ Tài chính hiểu sai ý của Bộ Tư pháp hay cố tình hiểu sai, đi lệch bản chất của vấn đề. Lợi ích được xem xét này là lợi ích của ai, của Bộ Tài chính, hay của doanh nghiệp?

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Doãn Hồng Nhung, Giảng viên cao cấp Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, thành viên ban pháp chế, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nêu quan điểm: 

"Bộ Tài chính đã hiểu không đúng tinh thần hướng dẫn của Bộ Tư pháp. Nếu tiếp thu ý kiến của Bộ Tư pháp thì cần bổ sung hoàn thiện hơn chứ không phải là bỏ luôn quy định hồi tố. Dẫn đến mọi cố gằng kiến nghị của doanh nghiệp lại quay trở về điểm xuất phát. Nếu chỉ tính từ năm 2019, doanh nghiệp đã tiên phong, nghiêm túc thực hiện hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo Nghị định 20 sẽ mất đi một lượng lớn tiền thuế đã nộp. Rất bất bình đẳng. Những doanh nghiệp nghiêm túc đi trước lại bị thiệt thòi". 

Theo vị chuyên gia này, Nghị định sửa đổi bổ sung khoản 3 Điều 8 Nghị định 20 nếu chỉ tăng trần lãi vay lên 30% EBITDA thì chưa giải quyết thấu đáo và triệt để những tồn tại, khó khăn cho doanh nghiệp. Theo đó, để tháo gỡ cho doanh nghiệp, Nghị định 20 cần tiếp tục phải sửa đổi theo hướng cho phép chuyển tiếp chi phí lãi vay chưa được trừ sang các năm tiếp theo. Việc chuyển tiếp chi phí lãi vay là phù hợp với thông lệ quốc tế, phù hợp với nguyên tắc của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể vượt qua khó khăn trong năm 2017 - 2018 vừa qua.

Cũng theo PGS.TS Doãn Hồng Nhung, những bất cập trong khoản 3 Điều 8 Nghị định 20 đã gây ra nhiều hậu quả, làm thiệt hại về tài chính cho doanh nghiệp suốt từ khi có hiệu lực thi hành đến nay. Do vậy, việc sửa đổi Nghị định 20 phải có hiệu quả và phải thực sự là biện pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp, không thể tiếp tục đẩy doanh nghiệp vào tình thế khó khăn chồng khó khăn. Việc hồi tố được đặt ra nhằm khắc phục những hậu quả gây ra bởi những sai sót trong việc thực thi pháp luật, khôi phục quyền và lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp đã bị xâm phạm, lấy lại niềm tin cho doanh nghiệp.

“Dẫu biết việc hồi tố sẽ gây khó khăn, vất vả cho Bộ Tài chính nhưng làm chậm còn hơn không. Đây là điều các doanh nghiệp bất động sản rất mong mỏi, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn như hiện nay”, vị chuyên gia nói thêm. 

Trước đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã đề nghị Bộ Tài chính có nghiên cứu, khảo sát, đánh giá những bất cập phải sửa và quá trình này cần làm khẩn trương nhưng phải thận trọng. Nội dung sửa Nghị định 20 sẽ tập trung vào các bất cập hiện nay như quy định khống chế mức chi phí lãi vay đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, phạm vi áp dụng, đối tượng đặc thù...

Phó Thủ tướng khẳng định: “Sửa Nghị định 20, tập trung vào khoản 3, Điều 8 là cấp thiết và phải theo nguyên tắc công khai, minh mạch, không phân biệt đối xử, bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, tạo thuận lợi về chính sách thuế cho doanh nghiệp nhưng vẫn bảo đảm mục tiêu chống chuyển giá”.

Rõ ràng, việc sửa đổi khoản 3, Điều 8 Nghị định 20 là cấp thiết nhưng không thể qua loa mà phải thận trọng. Trên tất cả, yêu cầu "phải đảm bảo lợi ích chung của xã hội, lợi ích của tổ chức cá nhân được quy định trong luật, Nghị quyết của Quốc hội" của Bộ Tư pháp và nguyên tắc "công khai, minh bạch, tạo thuận lợi về chính sách thuế cho doanh nghiệp" của Phó Thủ tướng đưa ra cần được Bộ Tài chính hiểu đúng và thực hiện đúng. 

Dưới góc độ pháp luật, nhiều chuyên gia cho rằng, khoản 3 Điều 8 của Nghị định 20 vốn đã trái luật, theo quy định thì phải bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần, không thể để tình trạng một văn bản pháp luật được ban hành lại gây ra quá nhiều khó khăn cho doanh nghiêp. 

Ngày 3/3, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) tiếp tục có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi những bất cập tại Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP.

Thứ nhất là bỏ Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20.

Thứ hai là kiến nghị hoãn, lùi thời gian thực hiện điều khoản nói trên.

Thứ ba là cho phép hồi tố đối với các doanh nghiệp đã thực hiện Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20 từ năm 2017 đến nay để đảm bảo công bằng và bình đẳng giữa các doanh nghiệp.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top