Aa

Sửa đổi Nghị định 20: Hóa ra, doanh nghiệp Việt Nam rất khổ!

Chủ Nhật, 08/03/2020 - 13:00

3 năm phát khổ vì Nghị định 20 khống chế trần chi phí lãi vay đi vào thực tế với nhiều bất cập, nhưng trong dự thảo sửa đổi văn bản pháp luật này, doanh nghiệp lại không được hồi tố khoản tiền bị “nộp nhầm”.

Doanh nghiệp "kêu cứu" vì Nghị định 20

Năm 2017, Nghị định 20 khống chế trần chi phí lãi vay ra đời đã đẩy không ít doanh nghiệp vào tình trạng “khốn khổ, khốn sở”.  Thời điểm đó, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính, đã cho rằng, nếu chiếu theo mức khống chế tỷ lệ lãi vay/EBITDA là 20% như quy định, Việt Nam sẽ có 423 doanh nghiệp vượt trần 20%, tương đương gần 1% số doanh nghiệp đang hoạt động.

"Tuy nhiên, cơ quan thuế lại không đưa ra số liệu về tỷ lệ quy mô doanh nghiệp, vì có thể 423 doanh nghiệp này chiếm quy mô lớn hơn rất nhiều so với tỷ trọng số lượng, vì đa phần các doanh nghiệp vượt trần đều hoạt động theo mô hình tập đoàn, tổng công ty... Điều đó cho thấy, Nghị định 20 chưa có cơ sở mang tính thuyết phục, chưa tính nhiều đến đặc thù của Việt Nam”, ông Lực đã từng đặt ra lo ngại.

Và thực tế đã cho thấy, rất nhiều doanh nghiệp lớn phải chịu thiệt hại từ Nghị định 20. Điển hình như Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama), khó khăn từ Nghị định 20 đã khiến doanh nghiệp này phải gửi văn bản đến Bộ Tài chính cho biết quy định khống chế trần lãi vay được khấu trừ khi tính thuế thu nhập không vượt 20% được áp dụng đã tác động lớn, tiêu cực đến kết quả kinh doanh của công ty.

"Bản chất các giao dịch của công ty chỉ nhằm mục đích tăng năng lực cạnh tranh, tập trung chuyên môn hoá cho từng công ty trong tổng công ty. Nếu tránh quy định về mức trần chi phí lãi vay, tránh không có các giao dịch liên kết, Lilama sẽ buộc phải thuê nhà thầu bên ngoài. Điều này làm giảm năng lực cạnh tranh, không định hướng được chiến lược phát triển, một số công ty giảm việc làm và dẫn tới nguy cơ phá sản", đại diện Lilama cho hay.

Ngay cả Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng phải "kêu cứu" vì bị thiệt hại khi áp dụng Nghị định 20. Bởi lẽ, tập đoàn này hoạt động theo mô hình mẹ - con, trong đó các giao dịch liên kết chính và lớn liên quan đến hoạt động kinh doanh mua bán điện và giao dịch "cho vay lại".

Hay như Tập đoàn Masan từng kiến nghị, hoạt động mũi nhọn mà Masan đầu tư là nông nghiệp và đây là lĩnh vực mà Nhà nước khuyến khích và dành ưu đãi. Tuy nhiên, Masan hoạt động theo mô hình tập đoàn, quản lý tập trung. Sau đó, phân bổ nguồn vốn xuống cho các công ty con. Thực tế, các công ty con không đủ uy tín, vốn nên các công ty mẹ phải đứng ra mới có thể huy động được vốn.

"Với Nghị định 20, tôi thấy các chuyên gia chỉ đề xuất miễn trừ cho doanh nghiệp cùng thuế suất, khi công ty mẹ huy động vốn cho công ty con hoạt động, nhưng công ty con đang được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, vậy là đã có khác biệt giữa công ty mẹ và công ty con. Với trường hợp như vậy thì sao?", đại diện Masan đặt vấn đề.

Một trong các nhóm doanh nghiệp chịu ảnh hưởng mạnh của Nghị định 20, đó là ngành bất động sản. Theo ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch Tập đoàn Địa ốc Hoàng Quân, hầu hết các tập đoàn về bất động sản đều có công ty liên kết. Việc liên kết này còn diễn ra ở cá nhân, ở một dự án hay một sản phẩm vì vậy các cá nhân cũng bị ảnh hưởng bởi Nghị định này. Chưa kể, một dự án cũng được tính vào quy định này. Khi hợp tác, doanh nghiệp bỏ vốn vào dự án cũng sẽ bị ảnh hưởng, điều đó khiến không ai dám bỏ vốn vào đầu tư dự án.

Khó khăn khi gánh nặng tài chính gia tăng chỉ bởi Nghị định 20, nhiều doanh nghiệp càng trở nên kiệt quệ và bị đẩy vào tình thế đối diện nguy cơ phá sản.

Tưởng được tháo gỡ... nhưng không

Sau nhiều ý kiến phản ánh của doanh nghiệp, đề xuất kiến nghị của các hiệp hội ngành nghề như Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cùng sự lên tiếng của nhiều đơn vị báo chí, Nghị định 20 đã được xem xét sửa đổi, nâng mức trần lãi vãy từ 20% lên 30%. Thế nhưng, điều đáng nói, trong dự thảo Tờ trình Chính phủ về Nghị định sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20, câu chuyện hồi tố lại không được giải quyết. Tức là, khoản thuế nộp trong năm 2017, 2018 của doanh nghiệp sẽ không được trả lại. Điều này có nghĩa, doanh nghiệp sẽ “mất oan” số tiền hàng trăm tỷ đồng bởi quy định "nhầm" của Bộ Tài chính trong Nghị định 20/2017.

Trước tác động của dịch Corona, điều doanh nghiệp đang mong chờ việc sửa đổi Nghị định 20 sẽ được bồi hoàn lại khoản tiền đã nộp như một sự cứu cánh trong thời điểm khó khăn. Song, có vẻ như, hy vọng này sẽ bị dập tắt. Và doanh nghiệp nghiêm chỉnh nộp thuế bị mất tiền tỷ còn doanh nghiệp "chây ỳ" lại may mắn thoát khỏi sự sai sót trong chính sách. Thiếu minh bạch và không công bằng sẽ tiếp tục xuất hiện trong môi trường kinh doanh.

Vừa phải mất tiền, vừa mất thời gian và đặc biệt là chi phí cơ hội cho những quyết định, chính sách của cơ quan Nhà nước,  thế mới thấy, doanh nghiệp nội thực sự khổ trăm bề. 

Điểm sai của Nghị định 20 khiến doanh nghiệp phải "nộp tiền oan". 

Còn nhớ trong phiên chất vấn ngày 15/8/2019, trước câu hỏi của một ĐBQH về việc sửa đổi Khoản 3, Điều 8 Nghị định 20, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã nhấn mạnh: “Khoản 3, Điều 8 sẽ được sửa triệt để khi chúng ta sửa Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp”. Song đến hiện tại, điều mong mỏi nhất để giải quyết tạm thời khó khăn trước mắt của doanh nghiệp vẫn chưa được thực hiện.

Như luật sư Lê Văn Hồi khẳng định, dự thảo sửa đổi Nghị định 20 mang tính nửa vời. “Việc lập pháp thì có thể có sai sót khi ban hành, tuy nhiên việc sửa đổi phải mang tính chất triệt để”. Lẽ thường, sai đâu sửa đó nhưng câu chuyện sửa đổi Nghị định 20 đang cho thấy tình trạng “chính sách có sai phạm thì doanh nghiệp… phải tự chịu”.

Và như TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, đã từng phải thốt lên rằng, ông không dám đầu tư vào Việt Nam bởi rủi ro lớn nhất lại đến từ chính sách điều hành...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top