Aa

Sửa đổi Nghị định 20: Nếu không triệt để thì xôi hỏng, bỏng cũng không

Việt Khoa
Việt Khoa tranvietkhoa1987@gmail.com
Thứ Tư, 11/03/2020 - 16:53

NĐ 20 ra đời với mục tiêu chống chuyển giá ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Khi đi vào thực tế, không rõ mục tiêu này đã đạt được đến đâu nhưng hệ quả nhãn tiền là đang khiến nhiều doanh nghiệp nội "khốn đốn"

Gian lận chuyển giá đã từ lâu trở thành một "vấn nạn" mà ngành thuế phải đối mặt. Các báo cáo đều cho thấy, hành vi gian lận chuyển giá đến từ doanh nghiệp FDI. Sự thất thoát hàng nghìn tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước đã buộc phía ngành thuế phải tìm ra cách để vá lổ hổng này. 

Năm 2017, Nghị định 20 đã ra đời với mục tiêu giải quyết triệt để lỗ hổng trong chính sách phòng chống chuyển giá. Tuy vậy, sau 3 năm đi vào thực thi, Nghị định 20 đã và đang bộc lộ nhiều bất cập của một chính sách kinh tế, tác động trực tiếp lên nhiều doanh nghiệp nội. Và ngay cả khi có dự thảo sửa đổi thì những điểm sửa đổi Nghị định 20 vẫn vấp phải ý kiến tranh luận từ phía các chuyên gia.

Chưa biết hiệu quả đến đâu nhưng đã phá vỡ tính công bằng

Cần phải nhấn mạnh lại, Nghị định 20 ra đời nhằm mục tiêu chống hành vi gian lận chuyển giá của khối doanh nghiệp FDI.

Về kết quả của Nghị định 20, trong phiên trả lời chất vấn vào hồi tháng 8/2019, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, qua thanh tra, kiểm tra, Bộ Tài chính và cơ quan thuế đã giúp giảm lỗ 37.000 tỷ đồng trong năm 2017 và 40.000 tỷ đồng trong năm 2018. Số giảm lỗ kỳ này sẽ phân bổ vào lãi các kỳ sau, giúp tăng thu ngân sách.

Song, cũng kể từ ngày Nghị định 20 ra đời, đã có rất nhiều tranh cãi trái chiều liên quan tới tính hiệu quả của chính sách này. Bên cạnh việc giảm lỗ cho cơ quan thuế thì rất nhiều doanh nghiệp nội đang "kêu cứu". Bởi vướng mắc từ Khoản 3, Điều 8, số tiền nộp thuế bỗng nhiên gia tăng lên tới hàng trăm tỷ đồng là điều mà nhiều doanh nghiệp, Tổng công ty đã phải thực hiện như Hoàng Anh Gia Lai, Tập đoàn EVN, Tổng công ty Lilama… Khó khăn trong kinh doanh đã đẩy nhiều doanh nghiệp rơi vào gánh nặng tài chính lớn.

Trong khi đó, thực tế nhiều năm qua, không rõ vì lý do nào, các doanh nghiệp FDI dù là đối tượng nhận được nhiều ưu đãi nhất nhưng luôn rơi vào nghịch lý… lỗ. Còn các doanh nghiệp nội ưu đãi ít, ít cơ hội gian lận chuyển giá, lại vô hình chung phải chịu oan bởi Khoản 3, Điều 8 trong Nghị định 20. Như vậy, không rõ Nghị định 20 đã đạt được hiệu quả trong việc chống chuyển giá ở các doanh nghiệp FDI như thế nào, nhưng thực tế đã chỉ ra rằng, trong quá trình áp dụng Nghị định này, nhiều doanh nghiệp nội đã phải chịu tổn thất nặng nề và ít nhiều cảm thấy bị oan ức vì sự bất bình đẳng. 

(Ảnh minh họa)

Thiếu căn cứ khi ban hành chính sách

Chưa kể, trước đó, TS. Cấn Văn Lực cũng đã đặt ra vấn đề mang tính “vội vàng” của chính sách này. Theo ông Lực, Nghị định 20 có hiệu lực từ 1/5/2017, trong khi Thông tư 41 hướng dẫn thực hiện Nghị định 20 ban hành ngày 28/2/2017, điều này là quá gấp gáp để triển khai thực hiện.

Như vậy, nếu chiếu theo mức khống chế tỷ lệ lãi vay/EBITDA là 20% như quy định, Việt Nam sẽ có 423 doanh nghiệp vượt trần 20%, tương đương gần 1% số doanh nghiệp đang hoạt động.

"Tuy nhiên, cơ quan thuế lại không đưa ra số liệu về tỷ lệ quy mô doanh nghiệp, vì có thể 423 doanh nghiệp này chiếm quy mô lớn hơn rất nhiều so với tỷ trọng số lượng, vì đa phần các doanh nghiệp vượt trần đều hoạt động theo mô hình tập đoàn, tổng công ty... Điều đó cho thấy, Nghị định 20 chưa có cơ sở mang tính thuyết phục, chưa tính nhiều đến đặc thù của Việt Nam”.

PGS.TS Lê Xuân Trường, Trưởng Khoa Thuế - Hải Quan, Học viện Tài chính, đã từng phân tích: “Về mức trần lãi vay 20%, tôi cho rằng con số này tương đối thấp, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn, đặc biệt là bất động sản. Môi trường đầu tư hiện nay là bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đặc biệt trong pháp luật về thuế lại càng phải bình đẳng. Tuy nhiên, với những lĩnh vực đặc thù, cần lượng vốn đầu tư lớn thì phải nghiên cứu lại tỷ lệ khống chế trần lãi vay, có thể là lớn hơn mức 20%”.

"Nghị định 20 chưa có cơ sở mang tính thuyết phục, chưa tính nhiều đến đặc thù của Việt Nam”.

- TS. Cấn Văn Lực-

Trên cơ sở đó, PGS.TS Lê Xuân Trường nhấn mạnh, cần phải có một khảo sát nghiêm túc, khoa học để có tính toán chính xác, đưa ra số liệu chứng minh mức độ khống chế lãi vay phù hợp, 25% hay 30% hay một con số phần trăm khác.

Điều chỉnh chính sách: Doanh nghiệp vẫn kêu cứu

Sau 3 năm doanh nghiệp kiến nghị, dự thảo sửa đổi của Bộ Tài chính về Nghị định 20 đã xóa Khoản 3, Điều 8 và xác định chi phí lãi vay thuần được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh công với chi phí lãi vay thuần và chi phí khấu hao thay vì ngưỡng khống chế % như trước.

Tuy nhiên, phía doanh nghiệp vẫn cho rằng, sự điều chỉnh của chính sách lần này như dự thảo chưa giải quyết triệt để vấn đề, mới chỉ mang tính nửa vời. Bởi việc hồi tố cho phép doanh nghiệp thu hồi khoản tiền treo “nộp oan” trong năm 2017, 2018 bị xóa bỏ.

Về lâu dài, Nghị định 20 nên hướng tới đối tượng là doanh nghiệp FDI và loại bỏ doanh nghiệp nội ra khỏi chủ thể chịu tác động của chính sách này. Bởi rõ ràng, mục tiêu của Nghị định 20 là chống hành vi gian lận chuyển giá. Và khi chính sách còn đang áp dụng theo hướng "giết nhầm còn hơn bỏ sót" thì cần phải điều chỉnh giải pháp, công cụ để thực hiện mục tiêu, tránh gây thêm áp lực, triệt tiêu động lực phát triển của các doanh nghiệp nội, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn vì dịch bệnh như hiện nay. 

Như Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành Công ty luật Basico phân tích: “Cần phải quay lại vấn đề gốc của Nghị định 20 chứ không phải chỉ sửa đổi nâng trần chi phí lãi vay từ 20% lên 30%. Bộ Tài chính phải thay đổi quy định này từ gốc là chỉ áp dụng cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đối với các doanh nghiệp trong nước đã có luật Thuế thu nhập doanh nghiệp điều chỉnh. Trong đó các chi phí, thu nhập liên quan đến tài chính, lãi vay đều phải theo quy định của luật thuế là hợp lý, hợp lệ”.

"Dự thảo sửa đổi lần này mới chỉ đưa ra tháo gỡ cho năm tài chính 2019 (hạn nộp quyết toán 31/3/2020) nhưng chưa giải quyết được các khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải đối với năm 2017-2018 cũng như xử lý đối với phần chi phí lãi vay vượt trần kể từ năm 2019. OECD đã đưa ra các khuyến nghị và thông lệ tốt, Chính phủ Việt Nam nên tham khảo để ban hành nghị định sửa đổi chính thức với nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp đặc biệt trong bối cảnh kinh tế gặp bất lợi do dịch bệnh Covid-19”, ông Phạm Ngọc Long, Giám đốc phụ trách mảng Dịch vụ tư vấn thuế quốc tế và giao dịch với các bên liên kết Công ty Tư vấn EY Việt Nam chia sẻ với báo chí. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top