Aa

"Sức khỏe" của doanh nghiệp giờ chỉ còn đong đếm bằng ngày

Nguyên Hà
Nguyên Hà lienlien.media@gmail.com
Thứ Năm, 16/04/2020 - 14:00

“Nhiều doanh nghiệp đã rất yếu thậm chí “ngắc ngoải”. Cứ một ngày chúng ta chậm đưa chính sách đi vào đời sống thì rõ ràng các doanh nghiệp sẽ càng khó khăn, thêm nhiều doanh nghiệp có thể phá sản, vỡ nợ."

Trong khi Chính phủ đang có đưa ra sự chỉ đạo kịp thời và quyết liệt, coi việc phòng chống dịch bệnh và vận hành kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp là nhiệm vụ "kép" thì việc thực thi các chính sách lại có phần chậm trễ, đâu đó còn có sự lúng túng, chần chừ. Trong khi, doanh nghiệp đang cần được hỗ trợ ngay lập tức để chống chọi với dịch bệnh

Chính sách giãn thuế không hỗ trợ nhiều, gói tín dụng khó tiếp cận

Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ ban hành kịp thời và cụ thể. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi, gần 3 tháng sống chung với dịch Covid-19, các doanh nghiệp vẫn chưa thực sự tiếp cận được những chính sách ưu đãi hay hỗ trợ.

Chính sách giãn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất theo Nghị định 41/2020/NĐ-CP gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất được ban hành sẽ giúp cho các doanh nghiệp có thêm một nguồn tiền đảm bảo giải quyết thanh khoản trong ngắn hạn. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng, thời hạn được giãn thuế và tiền thuê đất 5 tháng là quá ngắn, không hỗ trợ nhiều cho danh nghiệp bởi nếu dịch bệnh kéo dài, doanh nghiệp không có đủ thời gian để phục hồi và cũng không đủ khả năng trả nợ trong vài tháng tới. 

"Nghị định 41 thể hiện sự phản ứng rất nhanh của Chính phủ, Bộ Tài chính. Thông thường một Nghị định khi ban hành, bên dưới Nghị định sẽ có một thông tư hướng dẫn thi hành. Nhưng Nghị định này đã được xây dựng một cách chi tiết, cụ thể để có thể triển khai ngay vào trong thực tiễn. Tuy nhiên, nếu dịch kéo dài trên 6 tháng, gia hạn nộp thuế theo Nghị định này sẽ không có tác dụng nhiều trong thời điểm dài hạn”, ông Trần Đình Quý, Giám đốc Sàn Giao dịch Bất động sản Tây Nha Trang nói.

Đánh giá về mức hỗ trợ của ngành thuế khi Nghị định 41 còn là dự thảo, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG cho rằng Bộ Tài chính cho doanh nghiệp chậm nộp thuế 5 tháng là “rất quý”, nhưng đề nghị nếu tăng thêm thời gian giãn thuế thì sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp. Cụ thể, Chủ tịch BRG đề xuất tăng thời gian chậm nộp thuế lên 9 tháng hoặc 1 năm, giảm 50% thuế giá trị gia tăng, gia hạn việc nộp các khoản thuế khác từ tháng 2 đến tháng 6. Về thời gian gia hạn nộp tiền thuê đất, đại diện BRG cũng kiến nghị tăng từ 5 tháng lên 12 tháng để giúp doanh nghiệp có thời gian phục hồi.

Dự thảo Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh đại dịch Covid-19 có nội dung yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, báo cáo Chính phủ tăng thời gian gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2019, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất lên 1 năm. Nhưng vẫn còn mất rất nhiều thời gian nữa, Nghị quyết mới được ban hành và cũng còn phải chờ Bộ Tài chính nghiên cứu xong mới biết doanh nghiệp có được kéo dài thêm thời gian giãn thuế hay không.

Đối với gói tín dụng 285.000 tỷ đồng (nay là 300.000 tỷ) dùng để giảm lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ cũng rất quan trọng với doanh nghiệp nhưng đây là gói tín dụng của các ngân hàng thương mại, không phải ngân sách nên dù được triển khai từ sớm nhưng thực tế doanh nghiệp không dễ tiếp cận do phải chứng minh được mình thuộc nhóm ảnh hưởng dịch bệnh và khả năng trả nợ, trong khi nhiều doanh nghiệp cần vốn nhưng lại không có tài sản thế chấp. Việc đáp ứng các điều kiện vay đang là thách thức đối với các doanh nghiệp.

“Khi nghe có nguồn tín dụng 250.000 (nay là 300.000 tỷ -PV), doanh nghiệp rất mừng vì đang rất cần vốn để duy trì hoạt động. Nhưng khi đăt vấn đề với các ngân hàng thì được cho biết, chính sách hỗ trợ nói là như thế nhưng phân bổ về các ngân hàng thương mại phải thẩm định cẩn thận. Hiện các ngân hàng chi nhánh đều phải thận trọng chưa dám cho vay khi chưa có hướng dẫn cụ thể. Như vậy hỗ trợ tín dụng vẫn chỉ nằm ở đâu đó, chưa tới được với doanh nghiệp. Covid-19 thì lây lan rất nhanh nhưng chính sách hỗ trợ, đặc biệt về vốn lại rất chậm. Nhiều doanh nghiệp đang phải vay tín dụng đen với lãi suất 3-5 nghìn đồng/triệu/ngày”, một doanh nghiệp cho hay.

Ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cho biết thêm: “Doanh nghiệp muốn giảm lãi, có gửi văn bản yêu cầu hỗ trợ, nhưng cũng kéo dài khoảng hơn 1 tháng, nếu không tác động thì ít khi được trả lời. Hầu như phía ngân hàng sẽ nói là cũng có nhiều doanh nghiệp đăng ký và đang xem xét tiêu chí. Với giãn nợ cũng vậy, ngân hàng đồng ý giãn nợ cho doanh nghiệp, nhưng nếu giãn nợ thì rất dễ có khả năng bị chuyển nhóm nợ và khó vay mới".

Nói rõ hơn về điều này, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc các ngân hàng phân bổ gói cứu trợ này ra sao là tùy vào các kế hoạch của họ, bởi đây là nguồn vốn của ngân hàng thương mại, không phải ngân sách quốc gia. Do vậy, gói tín dụng này có quy mô lớn, nhưng lại rất giới hạn trên thực tế, không giúp được gì cho doanh nghiệp đang sống dở chết dở.

“Các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận gói tín dụng này, do các ngân hàng dùng cho rất nhiều mục đích khác nhau như khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất... nhưng tất cả các biện pháp đó chủ yếu dành cho các khách hàng của họ, đặc biệt là những khách hàng còn có khả năng trả nợ. Còn đối với những khách hàng mới, hiện các ngân hàng cũng không thể cho vay được, do các doanh nghiệp này đang có rủi ro cao không trả được nợ”, ông Hiếu phân tích.

Doanh nghiệp cần hỗ trợ ngay, đã quá trễ để tiếp tục chờ đợi

Cuối tháng 3, Tổng cục Thống kê đã ghi nhận con số gần 35.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, là con số kỷ lục từ trước đến nay. Bên cạnh đó, lần đầu tiên sau hàng thập kỷ, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cũng lớn hơn số lượng thành lập mới.

"Tôi nghĩ tất cả doanh nghiệp đều lần đầu tiên gặp phải cảnh này và chúng ta không có kinh nghiệm đối phó. Thực sự là dịch bệnh đã ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và doanh nghiệp đã bắt đầu "thấm" rồi, "sức khỏe" của doanh nghiệp bây giờ chỉ đong đếm bằng ngày, không còn tính bằng tháng nữa, nên biệt pháp thiết thực nhất là giảm, giãn nợ, những giải pháp này phải nhanh chóng triển khai để áp dụng ngây vào thực tiễn để cứu doanh nghiệp", ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam chia sẻ.

Theo Chuyên gia kinh tế - tài chính, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, để đánh giá các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã đủ và hiệu quả chưa thì rất khó. Bởi điều quan trọng là chúng ta chưa có được tổng kết, đánh giá tác động của dịch bệnh đến các doanh nghiệp. Nhưng về cơ bản, các chính sách đã khá kịp thời và tương đối đồng bộ. Vấn đề quan trọng là phải làm thế nào để chính sách đi vào đời sống ngay mới có thể tháo gỡ được khó khăn cho doanh nghiệp.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh.

“Nhiều doanh nghiệp đã rất yếu thậm chí “ngắc ngoải”. Cứ một ngày chúng ta chậm đưa chính sách đi vào đời sống thì rõ ràng các doanh nghiệp sẽ càng khó khăn, thêm nhiều doanh nghiệp có thể phá sản, vỡ nợ.

Chính phủ đã có quyết tâm, nỗ lực thì các cơ quan, ban ngành cũng phải nỗ lực một cách đồng bộ để các chính sách, các gói hỗ trợ đến được ngay với người thụ hưởng, để doanh nghiệp có cơ sở để điều tiết các hoạt động. Ví dụ như việc giãn hoãn, nộp thuế được tiến hành ngay thì doanh nghiệp có thể dùng ngay số tiền đó để chi trả cho các khoản chi phí khác để duy trì hoạt động. Nếu cứ rề rà, lúng túng mà không tiến hành ngay thì sẽ bỏ lỡ cơ hội cứu sống doanh nghiệp. Từ đó, hoạt động của nền kinh tế cũng sẽ có những hỗn loạn và mất cân đối”, ông Thịnh nhấn mạnh.

PGS.TS Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, về số lượng, các gói cứu trợ của Việt Nam đã khá đủ, nhưng cần triển khai giải ngân ngay để cứu doanh nghiệp, nếu không, nhiều doanh nghiệp sẽ phải phá sản:

“Hiện tại theo con số thống kê của VCCI, trong quý 1/2020, đã có 35.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động, phá sản. Con số này, theo tôi, đến nay phải lớn hơn nhiều. Điều này cho thấy thực trạng rất ảm đạm của các doanh nghiệp khi thị trường đóng cửa. Còn những doanh nghiệp đang hoạt động đều trong tình trạng chật vật, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa”. Do vậy, theo ông Hiếu, vấn đề quan trọng hiện tại là phải cứu doanh nghiệp thoát khỏi tình trạng phá sản.

“Nội trong tháng 4 này, tiền phải đến tận tay doanh nghiệp, nếu ngoài tháng 4 sẽ có rất nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động. Khi rất nhiều doanh nghiệp rời khỏi thị trường, sẽ ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của nền kinh tế hậu đại dịch khi thiếu hụt nguồn lao động sản xuất để tái tạo lại nền kinh tế mạnh mẽ, nhanh chóng. Đây là thiệt hại không chỉ đối với doanh nghiệp mà còn tác động rất lớn đến nền kinh tế, nếu chúng ta không ra tay cứu doanh nghiệp”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu.

Theo các chuyên gia, các gói tín dụng và tài khóa là nhu cầu cần thiết nhất lúc này để doanh nghiệp thanh toán các khoản chi phí cố định như chi phí thuê mặt bằng, lương nhân công tối thiểu... Còn với doanh nghiệp sản xuất, nhu cầu vốn cần để thanh toán các nghĩa vụ tài chính và chuẩn bị nguyên liệu đầu vào chờ phục hồi sản xuất. Do đó, cần có giải pháp mạnh mẽ hơn từ để tránh tình trạng "trên nóng, dưới lạnh".

“Từ dự thảo để thành Nghị định, rồi Nghị định ban hành xuống các cơ quan triển khai trực tiếp cần nhiều thời gian… Nói thật là quá trễ và quá chậm để doanh nghiệp xác định được đâu là vùng được hỗ trợ, đâu là vùng phải tự xoay mà có thêm động lực, có hướng chủ động tìm lối thoát, chưa nói đến liều lượng hỗ trợ có hiệu quả hay không, nặng nhẹ ra sao?, một chuyên gia nêu ý kiến.

TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nhấn mạnh thêm, doanh nghiệp đang gặp khó khăn từ thị trường đến quy mô sản xuất, kinh doanh. Các doanh nghiệp nhỏ có vốn mỏng, sức chịu đựng không nhiều nhưng có quá nhiều chi phí phải chi trả.

Theo ông, các gói hỗ trợ cùng các giải pháp khác của Chính phủ rất đúng và kịp thời, thể hiện mục tiêu là hỗ trợ nhanh nhất cho cộng đồng doanh nghiệp dù chỉ mang tính chất ngắn hạn, giúp cho doanh nghiệp không bị đổ vỡ, phá sản. Nhưng các gói giải pháp có thực sự đến được với doanh nghiệp một cách kịp thời hay không lại nằm ở khâu thực thi.

“Việc triển khai các đường lối từ trước đến nay cũng thường xuyên có sự trục trặc trên nóng dưới lạnh nhưng hy vọng với áp lực của dịch bệnh thì các ban ngành, địa phương sẽ có quyết tâm cao hơn, xác định việc cứu doanh nghiệp cũng như chống dịch là hành động mang tính sống còn, tránh để tình trạng doanh nghiệp phá sản hàng loạt, người lao động mất việc làm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của nền kinh tế và an sinh xã hội rất lớn”, ông Nam nói.

Kịp thời lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp

 PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, bên cạnh những chính sách hiện có, cần có xem xét, theo dõi cụ thể hơn để điều chỉnh và có thêm những giải pháp khác ngoài những chính sách hiện có, phù hợp với từng ngành nghề để khắc phục thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

“Rất cần sự quan tâm, theo dõi giám sát để đánh giá một cách chính xác nhất những thiệt hại của doanh nghiệp đồng thời phải thường xuyên lắng nghe những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp trong quá trình thực thi chính sách để hỗ trợ kịp thời, đến nơi đến chốn theo tinh thần của Thủ tướng”, ông Thịnh khẳng định.

Ngoài ra, vị chuyên gia nhấn mạnh thêm, các cơ quan quản lý cũng cần ứng dụng công nghệ vào hoạt động quản lý của mình để cắt giảm thủ tục hành chính và đưa các thông tin đến các doanh nghiệp một cách nhanh nhất nhưng giảm thiểu tối đa các chi phí cũng như thời gian của các doanh nghiệp.

TS. Tô Hoài Nam cũng nhìn nhận, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp hiện nay hầu hết chỉ mang tính ngắn hạn, trong khi tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường, không biết khi nào sẽ kết thúc. Do đó, cần tùy thuộc vào mức độ tổn thương của các doanh nghiệp và tình hình tổng thể để cân nhắc việc điều chỉnh các chính sách hỗ trợ sao cho phù hợp và đến với đúng đối tượng.

“Tình hình dịch Covid -19 diễn biến quá nhanh, nhiều bất ngờ, tác động rất lớn đến đời sống doanh nghiệp, vì thế cần phải cập nhật ngay và thường xuyên "sức khỏe" doanh nghiệp để có hỗ trợ kịp thời”, vị chuyên gia nhấn mạnh. 


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top