Aa

Suy nghĩ đầu năm

Thứ Năm, 02/01/2020 - 08:00

Thoắt một cái, chúng ta nhận ra là, chúng ta đã ở top đầu về rác thải nhựa, về ô nhiễm không khí đô thị, về quá tải giao thông, về mất an toàn thực phẩm, về mất rừng, về biển bẩn, về biết bao thứ khác...

Việc đón năm mới Dương lịch thành thói quen đối với người Việt cũng chưa lâu. Do có hai cái Tết nên cảm xúc của người ta trước mỗi dịp cuối năm không giống nhau. Với giao thừa Dương lịch, người ta nghiêng về nhìn nhận lý tính những gì đã qua, những gì đã làm được trong năm qua. Giao thừa Âm lịch, thường là dịp cho cảm xúc, nhìn nhận lại quãng thời gian qua từ góc độ tâm hồn, tình cảm.

Vậy ngày đầu năm, hãy nhìn nhận lý tính, hãy có đôi chút suy nghĩ về công việc.

Đón một năm chẵn tròn mang tên 2020, thì đa số mọi người tự nhiên nhìn lại không chỉ một năm, mà dài hơn, hàng chục năm đã qua.

Với mỗi người, cái nhìn về sự nghiệp cá nhân không giống nhau. Doanh nhân nhìn những con số tiền được - mất, những sản phẩm đã có và hy vọng sẽ có; Nhà soạn nhạc hay nhà văn, nhà thơ tính đầu tác phẩm; Người công nhân đếm mốc lương lên hay xuống trong năm, nghĩ về công việc và thu nhập sắp tới; Ai đó tổng kết năm nay đã học đến đâu, đã kiếm được việc làm, đã xây được nhà hay dành dụm được bao phần để mua nhà...

Người trẻ có tổng kết khác người nhiều tuổi. Phụ nữ khác đàn ông.

Nhưng có điều chung ai cũng cảm nhận hay suy nghĩ - cuộc sống chung, vị trí chung của cả xã hội, cả cơ nghiệp kinh tế quốc gia. Không phải là chuyện to tát chỉ các bậc lương đống nhà nước mới nghĩ, mà nó là chuyện thiết thân đến mỗi con người. Chẳng có ai, dù muốn hay không, thoát khỏi sự ràng buộc may xui của cá nhân, tính toán sự nghiệp của cá nhân, với chiều hướng chung của kinh tế xã hội quốc gia. Mưu sinh của mỗi con người nằm trong cơ hội hay thách thức của cả nước.

Tràn ngập trên mạng xã hội là những lời về việc thế là cái đích năm 2020 nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại chỉ là một ước mơ chưa thành hiện thực. Có lẽ điều này cũng không nên là việc để phải "đay nghiến" quá nhiều. Bởi lẽ đã nhiều năm trước, mục tiêu này đã được nhìn nhận là không khả thi và đã có sự điều chỉnh lại. Thực tế là đất nước chưa thành quốc gia công nghiệp hiện đại, nhưng cũng không còn là nước nông nghiệp lạc hậu. Các đường nét của nền kinh tế xã hội hiện đại đã có. Dự báo hay mục tiêu của cá nhân hay của một gia đình đã mấy khi dễ thành hiện thực. Cũng như thế với một quốc gia, chuyện muốn mà chưa được chẳng hiếm hoi gì trên thế giới.

Chúng ta vẫn thua kém toàn diện về kinh tế với số đông các nước trong khu vực và trên thế giới. Đó là sự thực. Hay nói theo cách đời hơn, ta vẫn nghèo.

Nhưng cá nhân tôi không nghĩ đó là vấn đề duy nhất mà mỗi người trong chúng ta đều phải ám ảnh. Có một vấn đề nữa là chưa giàu, chưa thành nước công nghiệp hiện đại, nhưng chúng ta đã phải đối mặt với những nguy cơ không chỉ tiềm tàng, mà đã hiện hữu - những hệ lụy của phát triển.

Sau lung linh ánh sáng Chào năm mới 2020, nhiều quốc gia cùng đối mặt với hệ lụy của phát triển.

Trong thời gian rất lâu, dù cho trong các văn bản nhắc nhiều, nhưng trong cảm nhận và tư duy thì chúng ta vẫn chú tâm chuyện nghèo hay giàu, chứ chưa thấm những cái tai họa khi thoát nghèo, ít nghĩ đến hệ quả của phát triển.

Nhưng nay thì người bình thường nhất cũng đã nhận thấy hệ lụy này. Khi thu nhập bình quân 100USD/người, chúng ta quá khổ, quá nghèo, thậm chí đói ăn. Bây giờ thu nhập tính bằng số ngàn USD/người, thì chúng ta phải hút bụi mịn. Thiếu ăn người héo quắt, đủ ăn thì có da thịt, thậm chí béo tốt, nhưng phải thở không khí ô nhiễm. Nếu nói về chất lượng sống, có lên và có xuống. Cộng lại thì chưa biết thế nào.

Tôi không muốn bị hiểu là yếm thế. Chỉ muốn nói về một chuyện là, vừa thoát nghèo, chúng ta đã đứng trước một tình huống mà nếu không có giải pháp đúng thì mỗi bước phát triển của đất nước sẽ giải quyết được những vấn đề này nhưng lại làm nảy sinh một loạt những vấn đề khác, hứa hẹn sẽ là những trái núi nan giải ngay hôm nay hoặc ngày rất gần.

Vâng -  Đó không phải là chuyện của ngày mai, đó đã là chuyện hôm nay.

Sẽ là bài toán không dễ giải. Nói đâu xa, chuyện điện. Chúng ta sắp thiếu điện để phát triển kinh tế. Chúng ta có thể xử lý được việc này. Nhưng thêm các nhà máy nhiệt điện thì nguy cơ có một đất nước ô nhiễm nặng là cái không tránh được. Rõ ràng là các nước khác họ đã gặp tai họa này, và họ đã phải vất vả để tránh nó với tốn kém khủng khiếp.

Nhưng nếu không có đủ điện, thì lại là một loạt chuyện nan giải mà ai cũng rõ.

Tôi không phải là nhà kinh tế để nói chính xác về những bài toán như vậy. Nhưng với cảm nhận của một người bình thường, tôi thấy những bài toán ấy có thật và càng ngày nó càng nan giải.

Thoắt một cái, chúng ta nhận ra là, chúng ta đã ở top đầu về rác thải nhựa, về ô nhiễm không khí đô thị, về quá tải giao thông, về mất an toàn thực phẩm, về mất rừng, về biển bẩn, về biết bao thứ khác... Xin nhắc lại, đó không là chuyện to tát dành cho các nhà lãnh đạo, nó là chuyện giờ đây khiến mỗi người bình thường bức bối.

Cũng chẳng cần phải là người có trình độ cao siêu, ai cũng có thể kéo dài danh sách hệ lụy phát triển đã đến và đang đợi chúng ta.

Đó không là chuyện mới, như là câu "Phát triển bền vững" chúng ta nói nhiều chục năm rồi. Có vẻ cái đầu chúng ta thì biết những chuyện đó, nhưng tay chúng ta làm thì kéo những chuyện đó đến gần.

Có thể có người nói: "Đó là cái giá phải trả để phát triển. Khi kinh tế đã phát triển, chúng ta sẽ có điều kiện để quay lại khắc phục hệ lụy của sự phát triển".

Có thể điều đó có phần đúng. Nhưng liệu có người làm cha mẹ nào chấp nhận con mình được ăn thịt cá trước đã, rồi sau đó sẽ tính chuyện sao cho nó không phải ăn thịt cá có chất gây hại?

Liệu chúng ta có quá say với chuyện sao cho thoát nghèo, sao cho giàu lên, mà bỏ qua (dù nghĩ đến, dù biết) trong khi nỗ lực làm điều đó, chúng ta đã tạo ra những cái mà sau này có giàu chúng ta cũng khó mà xử lý nổi.

Xét cho cùng, không tăng được thu nhập, gia đình bạn và gia đình tôi không thể sung túc. Đất nước sẽ vẫn mãi nghèo nếu không tăng GDP. Nhưng thu nhập cao mà chuốc bệnh thì chúng ta có hạnh phúc không? GDP tăng nhưng các vấn đề an sinh ngày càng gay gắt thì cái giá phải trả có thể triệt tiêu cái có được. Xét cho cùng, chúng ta mưu cầu giàu có là để có chất lượng sống cao hơn, chứ không phải đánh đổi chất lượng sống để có thu nhập cao hơn.

Đây cũng không phải chuyện "hy sinh đời bố" để đời con sung sướng. Vì mọi thế hệ đang cùng sống, cùng hít thở một không khí, cùng rủi ro khi ra đường, khi uống nước, khi ăn uống, khi dùng thuốc chữa bệnh, khi đi học, đi làm...

Những năm tới, với chúng ta, chuyện giàu lên, hay theo ngôn ngữ văn bản, chuyện phát triển, dĩ nhiên là chuyện hàng đầu (mà bao năm nay nó vẫn là chuyện hàng đầu). Nhưng giàu lên bằng cách nào, phát triển bằng cách nào cho tránh được hệ lụy, tiếc thay, giờ đã rõ ràng, nó cũng không phải là điều xếp thứ hai.

Vẫn là câu chuyện về mô hình phát triển. Theo ngôn ngữ văn bản. Nếu nói về văn bản, chúng ta đã xử lý mọi vấn đề. Trong cuộc sống, những vấn đề ấy lại vẫn cứ lần lượt và lỳ lợm đến với chúng ta. Bởi cuộc sống không giải quyết chỉ bằng văn bản được.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top