Aa

Synnex chi 35 triệu USD mua 47% cổ phần FPT Trading

Thứ Năm, 14/09/2017 - 14:06

Lên kế hoạch bước chân vào thị trường Việt Nam, tập đoàn lớn thứ 3 thế giới chuyên phân phối các sản phẩm công nghệ thông tin và điện tử này quyết định bắt đầu từ FPT Trading.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tập đoàn Synnex Technology International Corporation của Đài Loan mới đây đã ký thỏa thuận mua lại 47% cổ phần của FPT Trading, với giá 35 triệu USD, tương đương 795 tỷ đồng. Theo kế hoạch, trong thời gian tới FPT Trading sẽ được đổi tên thành Synnex FPT Distribution Company.

Hiện, FPT Trading được định giá không thấp hơn 80 triệu đô la Mỹ - tương đương trên 1.800 tỷ đồng. Mức định giá này giúp FPT thu về 932 tỷ đồng bao gồm tiền nhận từ Synnex và lợi nhuận giữ lại của FPT Trading. Cùng với thỏa thuận này, FPT Trading cũng đã quyết định bán 5% cổ phiếu ESOP, dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay, biến công ty này thành công ty cổ phần.

Được biết Tập đoàn Synnex được thành lập từ năm 1975 tại Đài Loan, với doanh thu 33 tỷ USD, doanh nghiệp này hiện nhà phân phối lớn thứ 3 trên thế giới về các sản phẩm công nghệ thông tin và điện tử. Đang hiện diện tại 38 quốc gia và vùng lãnh thổ, sở hữu mạng lưới tới 250 trung tâm logistics và 200 trung tâm dịch vụ. Tập đoàn này thường lựa chọn hình thức liên doanh liên kết với một doanh nghiệp bản địa khi quyết định bước chân vào một thị trường mới.

Chia sẻ về thương vụ triệu đô này, ông Evans Tu, Giám đốc điều hành của Synnex cho biết: “Đây là cách tốt nhất để gia tăng sự hiện diện của Synnex tại một thị trường hấp dẫn như Việt Nam”

FPT Trading tự hào là nhà phân phối các sản phẩm viễn thông và công nghệ thông tin lớn nhất Việt Nam với hơn 2.700 cửa hàng trên toàn quốc.

Từ khoảng tháng 6/2017, trên thị trường đã bắt đầu xuất hiện các tin đồn về việc FPT đang đàm phán để bán các đơn vị phân phối cho Synnex.

Mới tháng trước, doanh nghiệp này cũng bán 30% cổ phần (tương đương 6 triệu cổ phiếu) của FPT Digital Retail cho VinaCapital và Dragon Capital. Trong đó, VinaCapital đầu tư 11 triệu USD vào thương vụ này.

Ở một diễn biến khác, nhiều nguồn tin cho rằng, FPT đang tiếp tục xem xét việc giảm tỷ lệ sở hữu tại đơn vị bán lẻ này xuống dưới 50%. Đồng thời củng cố sự kiểm soát đối với nhánh viễn thông của công ty là FPT Telecom, tăng tỷ lệ sở hữu từ 45,55% lên trên 51% khi nhà nước tách khỏi đơn vị này.

Hiện, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước vẫn nắm giữ 50,16% cổ phần của FPT Telecom và sẽ không rút khỏi đơn vị này cho đến năm 2020.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top