Aa

Tại sao người Việt lại “mạnh tay” mua nhà ở Mỹ?

Thứ Sáu, 28/07/2017 - 00:00

Trong khi các khách hàng lớn và quen thuộc của thị trường BĐS Mỹ như Trung Quốc, Canada hay Ấn Độ có vẻ như “dè dặt” hơn trong các khoản chi mua nhà thì người Việt Nam lại đang “tấn công” mạnh mẽ vào thị trường này.

Số liệu tại các báo cáo “Hồ sơ hoạt động quốc tế về BĐS tại Mỹ” từ năm 2011 đến năm 2017 của NAR (Hiệp hội Môi giới BĐS Quốc gia Hoa Kỳ) cho thấy sự đối lập rằng, trong khi dòng tiền chảy vào thị trường nhà ở của Mỹ từ các khách hàng Trung Quốc, Canada hay Ấn Độ đang có dấu hiệu chậm lại thì người mua đến từ Việt Nam lại “đua nhau” đổ xô đi mua nhà tại quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới này.

Theo đó, từ tháng 4/2016 đến tháng 3 năm nay, tổng số tiền mà người nước ngoài đã chi mua nhà tại Mỹ là 153 tỷ USD, tương đương với số căn hộ giao dịch thành công là 284.455 căn.  Số tiền của người Việt chiếm 2% trong số này, tương đương với 3,06 tỷ USD, tăng gấp đôi so với năm ngoái, tương đương 1 điểm phần trăm và đứng ngang hàng với nhiều quốc gia phát triển trên thế giới như Đức và Nhật Bản...

Các quốc gia trước nay được coi là khách hàng quen thuộc của BĐS Mỹ đang nhìn thấy dấu hiệu chững về tốc độ mua nhà tại thị trường này trong những năm gần đây. Cụ thể, năm 2017, người Trung Quốc đã chi khoảng 21,42 tỷ USD để mua nhà tại Mỹ, chiếm 14% tổng doanh thu bán nhà của nước này, giảm 2 điểm phần trăm so với năm trước đó. Cùng chung mức giảm là các quốc gia như Ấn Độ từ 7% xuống còn 5% hay Canada từ 14% xuống còn 12%.

Trong khi số lượng người Trung Quốc, Canada hay Ấn Độ mua nhà ở Mỹ giảm đáng kể thì người mua Việt Nam lại tăng nhanh chóng (Ảnh: Reatimes)

Trong khi số lượng người Trung Quốc, Canada hay Ấn Độ mua nhà ở Mỹ giảm đáng kể thì người mua Việt Nam lại tăng nhanh chóng (Ảnh: Reatimes)

Trong khi đó, với vị trí thứ 9 trong bảng xếp hạng, Việt Nam đã trở thành nước 5 lần liên tiếp lọt vào top 10 các quốc gia có lượng khách hàng mua nhà tại Mỹ nhiều nhất theo thống kê và đánh giá của NAR.

Theo số liệu báo cáo từ năm 2011 đến năm 2017, có thể thấy số tiền mà người Việt chi ra cho BĐS của Mỹ tăng qua các năm, nhưng đột biên nhất là mức tăng trong khoảng thời gian từ tháng 4 năm 2016 đến tháng 3 năm 2017. Cụ thể, tính đến hết tháng 03 năm 2016, tổng số tiền người Việt đã chi mua nhà ở Mỹ là 1,03 tỷ USD, tăng 56,06% so với mức 0,66 tỷ vào năm 2011. Đến tháng 3 năm 2017, doanh thu từ bán nhà cho khách hàng Việt Nam tại Mỹ ghi nhận được là 3,06 tỷ USD, tăng 197,09% so với năm 2016 và 363,64% so với 7 năm trước đây. So với mức chi lên đến 2 chữ số của Trung Quốc, Canada hay Mexico thì số tiền 3,06  của Việt Nam vẫn chưa là gì. Tuy nhiên, tốc độ tăng 197,09% chỉ trong 1 năm cho thấy rằng người Việt đang đặt một mối quan tâm rất lớn đến BĐS Mỹ.

Câu hỏi tất yếu được đặt ra là tại sao người Việt Nam lại ngày càng chi mạnh tay hơn cho thị trường nhà ở của Mỹ? Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến xu hướng này, trong đó phải kể đến 2 yếu tố chính dưới đây.

Thứ nhất là yếu tố giá cả nhà ở và lợi nhuận từ hoạt động cho thuê. Theo số liệu mới đây nhất của Numbeo, kho dữ liệu giá thành lớn nhất thế giới, Mỹ là 1 trong 2 quốc gia có chỉ số giá BĐS trên thu nhập (Price to Income Ratio) thấp nhất thế giới với chỉ 3,12, chỉ sau Ả-Rập Saudi. Trong khi đó, Việt Nam cùng với 4 nước Châu Á khác bao gồm Hồng Kông, Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam và Singapore lần lượt theo thứ tự là những thị trường có chỉ số này ở mức cao nhất. Tính đến giữa năm 2017, chỉ số giá BĐS trên thu nhập của Việt Nam là 23,39. Mặc dù giá BĐS đang ở mức cao hơn rất nhiều so với Mỹ nếu dựa trên thống kê của Numbeo, thế nhưng lợi nhuận thu được từ hoạt động cho thuê BĐS tại thị trường Việt Nam lại bị Mỹ bỏ xa.

Dẫn chứng số liệu cho thấy, lợi nhuận gộp về cho thuê tại cả các thành phố trung tâm và ngoài trung tâm đều ở mức cao nhất thế giới, lần lượt là 11,08 vầ 12,06. Trong khi đó, con số này ở Việt Nam chỉ là 4,4 và 6,85 hay 2,06 – 2,08 ở Hồng Kông; 1,73 – 2,18 ở Trung Quốc; 3,97 – 3,38 ở Thái Lan và 2,45 – 3,19 ở Singapore. Giá cả thấp, lợi nhuận hấp dẫn, tâm lý đầu tư sinh lời và an cư lạc nghiệp bao đời nay cùng với xu hướng cho con cái du học nước ngoài đã khiến không ít người Việt Nam lựa chọn con đường mua BĐS tại Mỹ.

Biến động về số tiền người Việt chi mua nhà tại Mỹ trong 7 năm qua (Ảnh: Reatimes)

Biến động về số tiền người Việt chi mua nhà tại Mỹ trong 7 năm qua (Ảnh: Reatimes)

Nguyên nhân thứ hai, động lực từ tăng trưởng kinh tế khả quan của Việt Nam. Theo AsiaInvest, một tập đoàn Việt Nam chuyên cung cấp dịch vụ trọn gói trong lĩnh vực Mua bán - Sáp nhập doanh nghiệp (M&A) và huy động vốn quốc tế, khu vực sản xuất của Viêt Nam đã và đang thúc đẩy thu nhập của nguời dân đồng thời hứa hẹn đem đến một triển vọng sáng trong phát triển thương mại. Tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý I/2017 theo Tổng cục Thống kê dự kiến sẽ ở mức 5,1%. Bên cạnh đó, các chuyên gia làm việc tại tổ chức FocusEconomics dự đoán tăng trưởng GDP toàn năm 2017 của Việt Nam sẽ là 6,4%, đây cũng là con số tăng trưởng mà tổ chức này dự đoán cho năm 2018. Nền kinh tế tăng trưởng mạnh đã góp phần nâng cao thu nhập của người dân, số người giàu và siêu giàu tăng lên nhanh chóng. Theo báo cáo tài sản toàn cầu thường niên Wealth Report 2017 của Knight Frank vừa công bố, trong vòng 1 thập kỷ tới, tỷ lệ người siêu giàu của Việt Nam dự báo tăng 170%, nâng tổng số người siêu giàu của Việt Nam với tài sản hơn 30 triệu USD/người lên 540 người.

Theo báo cáo của NAR, cùng chung xu hướng mua nhà tại Mỹ của khách hàng Châu Á, California là điểm đến hấp dẫn nhất đối với người Việt, tiếp sau đó là New Jersey, Texas, Arizona và cuối cùng là Florida.

Các tài sản được mua với mục đích sinh sống và làm việc là nhiều nhât, kế đến mới là đầu tư như cho thuê, bán lấy lời lãi chên lệch,... và cuối cùng mới là làm ngôi nhà nghỉ dưỡng hay ngôi nhà thư hai tại thị trường nước ngoài.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top