Aa

Tăng cường công tác quản lý, đảm bảo trật tự xây dựng đô thị

Chủ Nhật, 02/06/2019 - 06:00

Nhiệm vụ của Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị là xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn.

Công tác quản lý trật tự xây dựng tại nhiều địa phương đã được “thắt chặt”

Công tác quản lý trật tự xây dựng tại nhiều địa phương đã được “thắt chặt”

Nhằm tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định 26/2018/QĐ-TTg về việc thí điểm thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã tại TP Hà Nội. Điều này đã góp phần đảm bảo hoạt động quản lý, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm xây dựng.

Theo đó, Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Đội Thanh tra xây dựng quận, huyện, thị xã thuộc Thanh tra Sở Xây dựng TP. Hà Nội. Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị là tổ chức hành chính trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã tại TP. Hà Nội (cấp huyện), có chức năng tham mưu, giúp UBND cấp huyện thực thi các quy định pháp luật trong lĩnh vực trật tự xây dựng đô thị; được trang bị phương tiện làm việc theo quy định của pháp luật; chịu sự chỉ đạo, quản lý của UBND cấp huyện và sự chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn chuyên nghiệp về chuyên môn, nghiệp vụ của Sở Xây dựng; có trụ sở làm việc, có con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước.

Nhiệm vụ của Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị là xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn. Phát hiện, lập hồ sơ xử lý các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng đô thị theo quy định của pháp luật và theo quy định của UBND TP. Hà Nội; đề xuất Chủ tịch UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp xã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo thẩm quyền.

Cần có thêm các chế tài xử lý “mạnh tay” với những công trình vi phạm (Ảnh: Kinh tế đô thị)

Cần có thêm các chế tài xử lý “mạnh tay” với những công trình vi phạm (Ảnh: Kinh tế đô thị)

Đồng thời phối hợp với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện và Thanh tra quận, huyện, thị xã tham mưu, đề xuất với Chủ tịch UBND cấp huyện trong công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn quận, huyện, thị xã; lập chương trình, kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn để trình Chủ tịch UBND cấp huyện phê duyệt và tổ chức thực hiện.

Bên cạnh đó, Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quản lý thông tin, báo cáo định kỳ và đột xuất về tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao theo quy định của UBND cấp huyện và Sở Xây dựng; giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng, lãng phí theo quy định của pháp luật và phân công của UBND cấp huyện; quản lý tổ chức bộ máy, vị trí việc làm, biên chế công chức, cơ cấu ngạch công chức; thực hiện chính sách, chế độ tiền lương, đãi ngộ, khen thưởng, kỷ luật và đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ đối với công chức thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật hoặc theo phân công của UBND cấp huyện; quản lý tài chính, tài sản và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật và phân công của UBND cấp huyện.

Ngày 18/3/2019, UBND TP. Hà Nội ban hành Quyết định số 04/2019/QĐ-UBND quy định quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố. Quy định này có hiệu lực từ ngày 1/4/2019, thay thế cho Quyết định số 09/2014/QĐ-UBND ban hành Quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng giữa Sở Xây dựng Hà Nội và UBND cấp quận, huyện, thị xã và UBND xã, phường, thị trấn.

Đã hơn 1 năm sau khi quyết định thành lập Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị có hiệu lực, dễ dàng nhận thấy bộ mặt đô thị ngày càng chuyển biến rõ nét. Những sai phạm về xây dựng được đẩy lùi, Thủ đô ngày càng văn minh, xanh – sạch – đẹp hơn.

Nhiều sai phạm đã được phát hiện và kịp thời xử lý, qua đó, thu hồi cho Nhà nước nhiều tài sản, tiền ngân sách bị thất thoát. Đồng thời, trật tự kỷ cương trong lĩnh vực đầu tư xây dựng theo đó đã được đảm bảo.

Tuy nhiên, công tác quản lý, xử lý có những thuận lợi, cũng có những vướng mắc nhất định. Phóng viên đã ghi nhận kết quả hoạt động cũng như các hạn chế và đề xuất giải pháp của các Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị quận trên địa bàn TP. Hà Nội.

Cụ thể, Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Ba Đình cho biết về một số khó khăn trong công tác hoạt động như: thiếu chế tài xử lý mạnh đối với các hành vi cố tình vi phạm, tái vi phạm trật tự xây dựng. Mặc dù Quy định 04 có đề cập đến việc áp dụng các biện pháp cần thiết để ngăn chặn, xử lý đối với các vi phạm trật tự xây dựng nhưng không quy định biện pháp cụ thể, gây lúng túng khi áp dụng.

Mặt khác, quy định cũng đề cập tới một số chế tài xử lý đối với chủ đầu tư xây dựng và các nhà thầu, tuy nhiên căn cứ xác định hành vi vi phạm, lập biên bản vi phạm hành chính hiện nay là Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ lại không có các quy định tương ứng.

Ngoài ra, quy trình xử lý, thẩm quyền xử lý đối với một số hành vi vi phạm trật tự xây dựng (sai cốt xây dựng, sai chỉ giới xây dựng, cơi nới, lấn chiếm diện tích không gian sử dụng chung…) còn chưa phù hợp với thực tiễn quản lý.

Với tốc độ đô thị hóa của TP. Hà Nội, trật tự xây dựng luôn là vấn đề “nóng” cần được quan tâm

Với tốc độ đô thị hóa của TP. Hà Nội, trật tự xây dựng luôn là vấn đề “nóng” cần được quan tâm

Có thể thấy, mô hình tổ chức quản lý trật tự xây dựng hiện nay và kết quả đạt được trong thời gian đã phản ánh được sư phù hợp với thực tiễn quản lý, tuy nhiên bên cạnh đó vẫn tồn tại một số khó khăn. Các vướng mắc mà Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Hà Đông gặp phải có thể kể đến như: việc tổ chức áp dụng các biện pháp ngăn chặn, tổ chức đình chỉ thi công, cấm người, phương tiện chở vật liệu xây dựng vào công trình xây dựng vi phạm không được quy định cụ thể dẫn đến vi phạm tiếp tục phát sinh gây khó khăn cho công tác xử lý. Hơn nữa, việc áp dụng các chế tài xử lý vi phạm trật tự xây dựng gặp nhiều khó khăn trong cưỡng chế thu tiền xử phạt vi phạm hành chính: khấu trừ tài khoản, lương, kê biên tài sản… dẫn đến vi phạm tồn đọng.

Các đội quản lý trật tự xây dựng đô thị quận vô cùng nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ, liên tục đổi mới sáng tạo và nâng cao hiệu quả trong công tác thanh, kiểm tra hoạt động trên địa bàn. Do vậy, Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Đống Đa có góp ý như sau: Theo quy định tại Khoản 2, Điều 16 – Trách nhiệm của chủ đầu tư “Ngừng thi công xây dựng công trình vi phạm trật tự xây dựng; chấp hành yêu cầu trong biên bản vi phạm hành chính hoặc văn bản yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền”. Nhưng trên thực tế, các chủ đầu tư thường cố tình không thực hiện theo yêu cầu của pháp luật, chế tài xử lý còn lỏng lẻo, biện pháp ngăn chặn không rõ ràng nên việc quy định trách nhiệm của chủ đầu tư rất hạn chế, tính khả thi không cao.

Vì lẽ đó, Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Đống Đa mong muốn cơ quan chức năng có thẩm quyền, các cơ quan quản lý nhà nước nên có thêm chế tài bằng mệnh lệnh hành chính, áp dụng biện pháp xử lý đối với nhà thầu thi công hoặc tư vấn giám sát như tước các giấy phép, tước chứng chủ, nâng cao các mức phạt…

Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự xây dựng còn gặp nhiều khó khăn

Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự xây dựng còn gặp nhiều khó khăn

Từ sau có Quyết định 04, quận Hai Bà Trưng và Đội quản lý trật tự xây dựng quận đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục với nhiều hình thức phong phú, thiết thực, phù hợp đối với cán bộ, Đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm thực hiện tốt công tác trật tự xây dựng.

Đặc biệt, công tác trật tự xây dựng đã được tập trung chỉ đạo, đã có sự phối hợp xử lý quyết liệt, đồng bộ, tập trung tháo gỡ các vi phạm trật tự xây dựng từ khâu cấp phép xây dựng; tăng cường quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, quản lý trật tự xây dựng. Xử lý công trình vi phạm trật tự xây dựng đã được cấp ủy quan tâm, quy trình xử lý rõ ràng hơn, chặt chẽ và quyết liệt hơn. Đồng thời có sự phối hợp xử lý đồng bộ, tập trung tháo gỡ từ khâu cấp phép xây dựng, tăng cường quản lý quy hoạch, thiết kế đô thị, quản lý đất đai, quản lý trật tự xây dựng, số các công trình vi phạm giảm, đặc biệt là các công trình vi phạm mới được phát hiện kịp thời và tập trung chỉ đạo xử lý sớm không để tồn tại kéo dài, quản lý các tuyến phố mới mở không để tồn tại hiện tượng siêu mỏng, siêu méo.

Từ những kết quả đã đạt được, Đội quản lý trật tự xây dựng quận Hai Bà Trưng tiếp tục xây dựng một số phương hướng, tập trung quản lý chống lấn chiếm đất công, hè đường phố, xây dựng các tuyến phố văn minh đô thị và trật tự an toàn giao thông, đảm bảo vệ sinh môi trường. Và củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ công chức nhằm nâng cao chất lượng chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao ý thức trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp đáp ứng nhiệm vụ yêu cầu công tác được giao; tăng cường quản lý cán bộ công chức, kiên quyết xử lý trách nhiệm của cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm buông lỏng quản lý để xảy ra các vi phạm mà không kịp thời xử lý.

Từ những ghi nhận tại các địa phương, có thể khẳng định, thành lập Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị là một quyết định phù hợp, một bước đi đúng đắn và kịp thời của Chính phủ trong hoạt động xây dựng trên địa bàn cả nước. Người dân cũng như các cán bộ của các Đội quản lý hi vọng mô hình này sẽ ngày càng hiệu quả, tạo ra những kết quả tốt, chấn chỉnh công tác thanh, kiểm tra trật tự xây dựng, xử lý triệt để những vi phạm gây “nhức nhối” trong thời gian qua. Để đạt được những điều đó, các Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị mong muốn Chính phủ, các cơ quan chức năng có thẩm quyền ghi nhận những ý kiến, đề xuất của từng địa phương, từ đó xây dựng phương án, chương trình hành động hiệu quả, phù hợp.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top