Aa

Tăng thuế VAT, giấc mơ mua nhà vừa túi tiền sẽ xa vời?

Thứ Năm, 14/09/2017 - 20:01

Nhiều ý kiến từ các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng việc sửa đổi, bổ sung của 5 luật thuế có thể gây tác động xấu đến môi trường đầu tư. Đặc biệt, đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng (GTGT) lên 12% kể từ ngày 1/1/2019 của Bộ Tài chính sẽ dẫn đến mặt bằng giá BĐS tăng, ảnh hưởng rất lớn đối doanh nghiệp cũng như cuộc sống của người dân.

Ngày 13/9, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 5 Luật thuế. Một trong nhiều nội dung đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận, tạo nên làn sóng tranh cãi, nhất là đối với giới đầu tư, kinh doanh BĐS chính là đề xuất tăng thuế VAT từ 10 lên 12% của Bộ Tài chính.

Đứng ở góc nhìn tổng quan về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 5 Luật thuế mà Bộ Tài chính đưa ra, giới doanh nghiệp, chuyên gia tại hội thảo đều ghi nhận những điểm tích cực về một số đề xuất. Chẳng hạn như trong sửa đổi thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân có nhiều điểm mang tính ưu đãi, có lợi cho người, pháp nhân nộp thuế. Tuy nhiên, trong buổi hội thảo, các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp còn nêu lên những vấn đề bất cập được cho là có thể gây tác động xấu đến môi trường đầu tư, doanh nghiệp và cuộc sống của người dân. 

Thuế chồng thuế

Lo ngại chung của hơn 150 đại biểu tham dự hội thảo là có những điểm sửa đổi có thể gây tác động xấu đến môi trường đầu tư mà Chính phủ đang nỗ lực để cải thiện.

Cụ thể, có 2 điểm chính trong dự thảo sửa đổi luật thuế thu nhập doanh nghiệp được giới doanh nghiệp, chuyên gia chỉ ra là có thể gây tác động xấu đến môi trường đầu tư hiện nay. Thứ nhất là quy định khống chế tỷ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu, hay còn gọi là khống chế đòn bẩy tài chính của doanh nghiệp ở mức 5/1. Hãng tư vấn Deloitte dẫn chứng, các nước bạn như Malaysia, Singapore nhiều năm nay cũng có những đề xuất tương tự nhưng đã phải hoãn triển khai hoặc ngừng triển khai việc khống chế đòn bẩy tài chính này vì lo ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.

những vấn đề bất cập được cho là có thể gây tác động xấu đến môi trường đầu tư, doanh nghiệp và cuộc sống của người dân cũng được mổ xẻ.

Những vấn đề bất cập được cho là có thể gây tác động xấu đến môi trường đầu tư, doanh nghiệp và cuộc sống của người dân được các chuyên gia, doanh nghiệp "mổ xẻ" tại hội thảo.

Thứ hai, việc đề xuất đánh thuế 1% hoạt động chuyển nhượng vốn của tổ chức nước ngoài được cho là có thể gây tác động xấu đến tâm lý nhà đầu tư ngoại. Không loại trừ khả năng nếu áp dụng, nhiều nhà đầu tư ngoại sẽ rút vốn khỏi thị trường Việt nam vì chi phí đội lên.

Về Dự thảo luật đề nghị bỏ quy định về chuyển quyền sử dụng đất không chịu thuế VAT để chuyển sang chịu thuế VAT với mức thuế suất thông thường 10% và sửa đổi bỏ quy định giá tính thuế VAT đối với hoạt động kinh doanh BĐS được trừ giá chuyển quyền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất phải nộp ngân sách nhà nước. Đại diện Deloitte Việt Nam bày tỏ lo ngại, chuyển từ không chịu thuế sang phải chịu mức thuế VAT 10% thì hoạt động giao dịch của thị trường BĐS bị ảnh hưởng, nếu áp dụng có thể gây tê liệt thị trường. Chịu thuế VAT khiến giá BĐS tăng lên, giảm sức mua. 

Doanh nghiệp này cho biết thêm, thuế VAT là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến người tiêu dùng. Trong khi đó BĐS ở Việt Nam không được coi là một hàng hóa thông thường, nó là tài sản, quyền sử dụng đất là quyền về pháp lý. Đất là tài sản của Nhà nước, chỉ cho phép người sử dụng đất sử dụng, định đoạt (chuyển nhượng, tặng, cho…) và được coi là “tài sản đặc biệt” không được sản xuất, lưu thông, tiêu dùng như một hàng hóa bình thường.

“Tiền sử dụng đất là một khoản thu ngân sách nhà nước, cụ thể là khi nhận bàn giao, thuê đất từ nhà nước thì doanh nghiệp, cá nhân đã phải trả khoản tiền sử dụng đất cho ngân sách. Do đó, nếu tiếp tục tính thuế VAT trên giá trị quyền sử dụng đất này thì có thể xảy ra tình trạng thuế phí chồng thuế phí, đánh thuế hai lần", đại diện Deloitte Việt Nam chia sẻ.

Còn theo nhận định của Thạc sĩ Trần Minh Hiệp, Giảng viên Trường Đại học Luật TP. HCM, việc tăng thuế GTGT hàng hóa từ 5 - 10% lên 6 - 12% sẽ ảnh hưởng đến đời sống của người nông dân. Người tiêu dùng phải chịu thuế sau cùng từ tất cả các hàng hóa, dịch vụ trên thị trường. Thuế GTGT tăng sẽ tăng gánh nặng cho người thu nhập thấp, đặc biệt là nông dân và công nhân… vì họ phải trả thuế GTGT gián tiếp trong giá cả hàng hóa, dịch vụ mà họ sử dụng.

Đẩy mặt bằng giá nhà tăng theo

Cùng chung quan điểm với đại diện Công ty Deloitte Việt Nam, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho rằng, luật thuế GTGT hiện hành quy định “chuyển quyền sử dụng đất” thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT là hoàn toàn đúng cả về mặt pháp luật (để không xảy ra tình trạng thuế chồng thuế), phù hợp với tình hình thực tiễn, và có lý có tình. Nhất là trong trường hợp chuyển nhượng nhà ở gắn liền với chuyển quyền sử dụng đất. 

tăng thuế VAT lên 2% sẽ khiến giấc mơ mua nhà vừa túi tiền của người dân càng trở nên xa vời

Tăng thuế VAT lên 12% sẽ khiến giấc mơ mua nhà vừa túi tiền của người dân càng trở nên xa vời.

“Bởi lẽ, tiền sử dụng đất dự án nhà ở là một khoản thu ngân sách nhà nước (gần tương tự như một khoản thuế) mà chủ dự án đã nộp; khi bán nhà ở kèm theo chuyển quyền sử dụng đất thì chủ dự án không phải nộp thuế GTGT (nghĩa là người mua nhà không phải trả thêm khoản thuế này) theo quy định tại khoản 6 điều 5 Luật thuế GTGT. Do đó, dự thảo Luật dự kiến áp dụng thuế GTGT khi chuyển quyền sử dụng đất thì sẽ dẫn đến tình trạng "thuế chồng thuế", làm tăng giá bán nhà mà người mua phải gánh thêm. Chính vì vậy, ông Châu kiến nghị không áp dụng thuế GTGT khi chuyển quyền sử dụng đất”, ông Châu phân tích.

Về dự kiến nâng thuế suất thuế GTGT với phương án 1: Từ 10% lên 12%; phương án 2: tăng theo lộ trình lên 12% kể từ ngày 1/1/2019 và 14% từ ngày 1/1/2021, theo lãnh đạo HoREA, thuế GTGT có tác động rất lớn đối với nền kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, cũng như cuộc sống của người dân. Các nước Asean như Indonesia, Lào, Campuchia cũng áp dụng thuế suất GTGT 10%; Singapore 7%, Thái Lan 5%. 

Đối với thị trường BĐS, đặc biệt là nhà ở sử dụng hàng ngàn sản phẩm của hơn 90 ngành sản xuất, thi công xây dựng, kinh doanh, dịch vụ. Việc đề xuất tăng thuế GTGT lên 12% kể từ ngày 1/1/2019 theo phương án chọn của Bộ Tài chính sẽ dẫn đến mặt bằng giá nguyên nhiên vật liệu, nhận thầu thi công, nhân công... tăng lên, giá bán nhà tăng lên. Do vậy, HoREA kiến nghị giữ nguyên thuế suất thuế GTGT là 10% từ nay đến năm 2021 thì phù hợp hơn.

Ngoài ra, HoREA cũng kiến nghị áp dụng ưu đãi thuế GTGT ở mức 5% tương tự như ưu đãi thuế GTGT đối với các dự án nhà ở xã hội để khuyến khích và hỗ trợ các chủ đầu tư tham gia chương trình cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ.

Trước đề xuất của Bộ Tài chính nhiều chuyên gia cho rằng tăng thuế VAT quá sớm sẽ ảnh hưởng tới nỗ lực giảm mặt bằng giá BĐS hiện đang còn quá cao so với thu nhập trung bình của người dân. Và đặc biệt, tăng thuế VAT lên 12% sẽ khiến giấc mơ mua nhà vừa túi tiền của người dân ngày càng trở nên xa vời.

Trước những lo ngại đó, một số ý kiến cho rằng, sửa đổi luật cần quy định rõ hơn về việc tăng thuế đối với các ngành hàng, phân chia cụ thể từng lĩnh vực, từ ngữ trong dự thảo cần rõ ràng hơn tạo tính minh bạch cho từng loại sản phẩm, tạo sự công bằng cho các doanh nghiệp.

Với tình hình kinh tế đất nước hiện nay, nhiều ý kiến của doanh nghiệp cho rằng việc tăng thuế đối với 1 số mặt hàng và thuế GTGT… cần áp dụng theo lộ trình dài hạn để tránh ảnh hưởng tới “sức khỏe” của nền kinh tế.

Tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Những điểm nhấn trong sửa đổi 5 luật thuế”,Lê Thị Mai Liên, Trưởng Ban Chính sách tài chính công, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính cho biết:

Mọi sự điều chỉnh về chính sách thuế trong đó có thuế GTGT sẽ có nhiều sự tác động khác nhau đến nhiều mặt kinh tế-xã hội. Tuy  nhiên, mức độ và phạm vi ảnh hưởng của nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố và cách thức thiết kế của chính sách. Về tác động đối với sức cạnh tranh của doanh nghiệp khi tăng thuế suất thuế GTGT, về bản chất, thuế GTGT là đánh vào tiêu dùng cuối cùng của người tiêu dùng, doanh nghiệp chỉ là người thu hộ; khi tăng thuế suất thuế GTGT sẽ đánh trên cả hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa trong nước. Như vậy, về cơ bản không ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Đối với tác động chỉ số giá, về lý thuyết thì tăng thuế suất thuế GTGT có ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng như nào phải phụ thuộc vào quy mô, khối lượng hàng hóa và dịch vụ mà người tiêu dùng sử dụng. Ngoài ra, nó còn chịu ảnh hưởng của các yếu tố kinh tế vĩ mô khác như lãi suất, cung tiền hay lạm phát. Trong thời điểm hiện nay, theo dự báo, chỉ số giá ở mức thấp nên với điều kiện kinh tế vĩ mô hiện tại thì yếu tố lạm phát không phải một yếu tố quá lớn.

Về ảnh hưởng đối với người thu nhập thấp, tôi cho rằng việc sửa đổi 5 luật thuế lần này có lẽ cần phải nhìn trên góc độ tổng thể bởi ngoài việc tăng thuế GTGT thì cơ quan soạn thảo cũng đề xuất giảm thuế thu nhập và theo quy định hiện hành trong nhóm 25 hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT thì nhóm thu nhập thấp chủ yếu thuộc nhóm dịch vụ không chịu thuế GTGT hoặc chịu thuế ở mức thấp. Việc điều chỉnh thuế lần này không có tác động quá nhiều đến nhóm có thu nhập thấp.

Ngoài ra việc tăng thuế từ 10-12% cũng có tác động nhất định đối với nhóm người có thu nhập thấp. Chính phủ cũng cần có những chính sách hỗ trợ khác. Hiện nay Chính phủ đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ liên quan như chính sách hỗ trợ tiền điện, học phí, bảo hiểm.
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top