Aa

Tăng trưởng chậm là động lực cải cách

Thứ Hai, 22/04/2019 - 03:00

GDP quý I tăng 6,79%, mức tăng trưởng thấp nhất 6 quý. Trong đó, nông nghiệp tăng 1,84%, công nghiệp chế biến chế tạo tăng 12,5%.

Sức ỳ của nông nghiệp vốn đã là chuyện “cơm bữa”

Ngành nông nghiệp tăng trưởng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ là 3,76% nhưng nếu so với quý I các năm trước đó thì 1,84% vẫn là một con số tương đối cao.

Năm 2016 thời tiết khô hạn do El Nino đã khiến nông nghiệp tăng trưởng âm. Năm 2017 và 2019 thời tiết thuận lợi hơn nhưng xuất khẩu gạo lại giảm sút. Chỉ riêng năm 2018 ngành nông nghiệp có được thuận lợi cả về thời tiết lẫn thị trường (do Philippines và Indonesia tăng nhập khẩu gạo) nên ngành nông nghiệp đạt tăng trưởng cao kỷ lục 3,74%.

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam (chiếm 22% tổng xuất khẩu) và Việt Nam cũng là nước cung cấp gạo lớn nhất cho Trung Quốc (chiếm 46,2% tổng nhập khẩu).

Tuy vậy kể từ đầu năm 2018 Trung Quốc đã áp dụng nhiều rào cản làm ảnh hưởng đến việc nhập khẩu gạo từ Việt Nam như tăng thuế nhập khẩu gạo nếp từ 5% lên 50% hay kiểm soát chặt nhập khẩu gạo tấm.

Có thể nói các rào cản chính sách từ phía Trung Quốc mới chính là nguyên nhân ảnh hưởng đến xuất khẩu gạo của Việt Nam chứ không phải do kinh tế Trung Quốc giảm tốc hay đồng nhân dân tệ mất giá.

Một tín hiệu tích cực là giá lúa gạo đã có tín hiệu tạo đáy trong tháng 2 và nhích tăng nhẹ trong tháng 3. Giá lúa trung bình trong tháng 3 là 5,45 nghìn/kg trong khi của tháng 2 là 5,27 nghìn/kg.

Trái ngược với Trung Quốc, Philippines lại đang nới lỏng việc nhập khẩu gạo với việc dỡ bỏ quy định hạn mức nhập khẩu đã áp dụng trong 2 thập kỷ, đồng thời mức thuế nhập khẩu gạo từ các nước ASEAN vào Philippines cũng thấp hơn so với các nước khác, 35% so với 50%.

Thủy sản tuy không còn phong độ cao nhưng vẫn còn nhiều hy vọng

Hai năm 2017 và 2018 có thể coi là giai đoạn “vàng son” của ngành thủy sản khi đạt được tăng trưởng cao cả về sản lượng lẫn giá cả nhờ mở rộng được thị trường xuất khẩu.

Tuy nhiên, tình hình không còn thuận lợi khi tăng trưởng xuất khẩu thủy sản quý I/2019 chuyển sang âm -1,4%. Hàng loạt thị trường quan trọng giảm nhập khẩu như Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh, Hà Lan trong khi Mỹ tăng trưởng chậm lại.

Với thị trường EU, câu chuyện rõ ràng hơn khi EU cảnh cáo “thẻ vàng” với thủy sản của Việt Nam từ tháng 10/2017 và liên tiếp 2 lần gia hạn “thẻ vàng” trong năm 2018. Đây có thể coi là một áp lực tích cực để ngành thủy sản phải thay đổi theo các chuẩn mực khai thác quốc tế. Luật Thủy sản được thông qua năm 2017 và có hiệu lực vào 1/1/2019 hứa hẹn sẽ mang đến những thay đổi lớn trong khai thác thủy sản, nhờ vậy mà không chỉ “thẻ vàng” có thể được gỡ bỏ mà hình ảnh và chất lượng thủy sản của Việt Nam sẽ lên một nấc mới, hỗ trợ tích cực cho xuất khẩu thủy sản trong tương lai.

Mỹ là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam nhưng tốc độ xuất khẩu quý I chỉ đạt 3,9%. Một nguyên nhân được nhắc đến là do Mỹ đã tăng nhập khẩu vào cuối năm 2018 nên hàng tồn kho còn nhiều, dẫn đến giảm bớt nhập khẩu vào đầu năm 2019.

Hiện tại thuế nhập khẩu vào Mỹ đang có chiều hướng thuận lợi cho cả tôm và cá tra nên nhiều khả năng tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường này sẽ khởi sắc hơn trong những quý tới.

Dù điện tử yếu đi rõ rệt, công nghiệp chế biến chế tạo vẫn là đầu tàu kéo tăng trưởng

Mức tăng trưởng 12,35% của công nghiệp chế biến chế tạo là rất ấn tượng trong bối cảnh ngành có giá trị lớn là điện thoại đã yếu đi rõ rệt.

Để bù đắp cho sự sụt giảm của điện thoại, nhiều ngành công nghiệp đã có tăng trưởng cao như tinh chế dầu mỏ (dự án lọc dầu Nghi Sơn), sắt thép (dự án của Formosa), sản xuất tivi (dự án của LG), sản xuất ô tô (chính sách bảo hộ sản xuất trong nước có tác động tích cực đến các doanh nghiệp sản xuất ô tô của cả FDI lẫn trong nước), dệt may giày dép (hưởng lợi nhờ nhiều yếu tố như sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc, gia tăng năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam, các hiệp định thương mại …).

Bên cạnh đó, sản xuất hóa chất cũng có tăng trưởng ấn tượng trong quý I/2019, đạt 10,4%, cao nhất trong nhiều năm và gấp hơn 3 lần cùng kỳ 2018. Tương tự là sản phẩm cao su và plastic tăng 12,8%. Đây có thể là kết quả của dự án lọc dầu Nghi Sơn mới đi vào hoạt động từ giữa năm 2018.

Cấu thành tăng trưởng kinh tế Quý 1 năm 2018 và 2019

Cấu thành tăng trưởng kinh tế Quý 1 năm 2018 và 2019

Sản xuất thực phẩm và đồ uống cũng có tăng trưởng cao, lần lượt đạt 8,7% và 11,4%, đều là mức cao so với các quý 1 trước.

Tăng trưởng GDP công nghiệp thường có độ tương thích và xấp xỉ bằng với chỉ số công nghiệp, tuy vậy kể từ năm 2018 trở lại đây GDP công nghiệp lại nới rộng và nhỉnh hơn chỉ số công nghiệp.

Dịch vụ tăng trưởng chậm lại do lưu trú ăn uống giảm

GDP dịch vụ quý I/2019 tăng 6,5%, là quý thấp nhất trong 3 năm gần đây.

Nếu so với ngành công nghiệp vốn đòi hỏi công nghệ cao, đầu tư lớn và thị trường xuất khẩu khó kiểm soát, du lịch là một ngành tương đối dễ phát triển thành mũi nhọn tăng trưởng kinh tế.

Một điểm nghẽn đang hạn chế sự phát triển của du lịch là cơ chế quản lý và vì vậy, Chính phủ cần nhanh chóng có giải pháp thu hút khách quốc tế như cải cách thủ tục cấp thị thực, tăng cường mở thêm các tuyến bay quốc tế, nâng cao năng lực quản lý cấp địa phương hay thúc đẩy xây dựng các trung tâm du lịch mới…

Tóm lại, tăng trưởng thấp của Quý I/2019 đến từ 2 nguyên nhân chính: Thị trường Trung Quốc giảm nhập khẩu và Samsung giảm sản lượng điện thoại.

Nhìn sang các quý tiếp theo, nông nghiệp, du lịch nhiều khả năng sẽ tăng thấp vì rất khó để sớm tìm được thị trường thay thế cho Trung Quốc.

Điện thoại sẽ tiếp tục kéo lùi tăng trưởng nếu không có những đột phá về sản phẩm hay dự án mới. Lọc hóa dầu Nghi Sơn cũng sẽ không tạo ra tăng trưởng cao đột biến từ nửa cuối 2019. Khai khoáng tăng trưởng thấp hoặc âm. Hy vọng cho tăng trưởng nằm ở các ngành kim loại, ô tô, dệt may, giày dép, nội thất. Như vậy thì tăng trưởng thấp sẽ không chỉ dừng lại ở quý I mà có thể còn kéo dài đến hết năm.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top