Aa

Tao là quan!

Thứ Ba, 21/04/2020 - 07:00

Tất cả những “nhân vật phản diện của phim hành động thực tế” đó đều biết rõ xung quanh họ dày đặc camera, máy ghi âm... sẵn sàng tung vụ việc lên mạng xã hội. Thế mà họ vẫn hành động như đang ở trong nhà mình...

Trước hết, chúng ta cùng điểm qua một vài vụ việc điển hình (gây "sóng gió" dư luận) của những người được mang danh cán bộ, trong thời gian qua.

- Mày có biết tao là ai không?

Đó là lời của một vị dọa dẫm cô tiếp viên hàng không khi yêu cầu vô nguyên tắc của ông ta không được đáp ứng.

- Tao là Đại úy công an!

Vụ náo loạn ầm ỹ này hẳn mọi người còn nhớ, tất nhiên là chả ai muốn lưu vào kí ức tiếng la hét y như tiếng truy sát của loài thú săn mồi.

Mua hàng không trả tiền mà thẳng tay tát vào mặt nhân viên thu ngân rồi còn lên mặt vênh váo thách thức. Chuyện như bịa nhưng lại là sự thật, gắn với cái tên Nguyễn Xô Việt đầy tai tiếng, xảy ra tại trạm dừng nghỉ Hải Đăng. Kẻ hành động đeo hàm Thượng úy công an.

Vụ ông Phó Chủ tịch HĐND huyện Hớn Quảng, tỉnh Bình Phước, vừa đây mới thật đáng là điển hình cho cách hành xử ngồi lên đầu luật pháp và công luận. Kẻ đáng lẽ phải gương mẫu chấp hành chỉ thị của Chính phủ, thì lại trắng trợn vi phạm và lớn tiếng mắng mỏ, đe dọa người thực thi nhiệm vụ theo thẩm quyền bằng những lời lẽ khiếm nhã, thậm chí có thể gọi là du côn.

Còn rất nhiều vụ khác tương tự, nhưng bạn đọc và tôi không đủ thời gian để có thể dẫn ra đây. Một vài người gây chuyện trong số đó đã phải trả giá, đủ để họ hối tiếc. Chắc chắn, ông Phó Chủ tịch HĐND Huyện không thể thoát một hình thức trừng phạt nghiêm khắc, kể cả khi ông ta đã viết đơn xin từ chức, bởi hành vi vi phạm của ông “phó” đã hoàn tất. 

Nếu xuê xoa cho qua thì công sức của Chính phủ trong chống đại dịch Covid sẽ phải đổ ra gấp nhiều lần nữa cũng khó mà đạt hiệu quả mong muốn. Và khi đó không chỉ nền tư pháp, mà cả nền đạo đức, cũng sẽ bị tổn thương nghiêm trọng. Vả lại cũng cần phải xét đến khía cạnh công bằng, khi dân vi phạm thì phạt tù, còn cán bộ lẽ nào chỉ bị kỉ luật là xong?

Khi dân vi phạm thì phạt tù, còn cán bộ lẽ nào chỉ bị kỉ luật là xong? (Ảnh: Tổng hợp)

Giải thích thế nào về những hành động chỉ có thể nói là rất kỳ quái của mấy ông cán bộ kia?

Hôm nay chúng ta hãy thử cùng nhau làm một suy đoán nhỏ, dựa theo phân tích tâm lý khách quan, để tạm đưa ra câu trả lời.

Với một vài vụ việc đã nêu, bạn đọc phải tận mắt xem clip, chỉnh volume to hết cỡ, để không chỉ nghe rõ nội dung những lời nói hống hách, kẻ cả, đầy quyền thế, vô văn hóa mà cả chính cái giọng làm phát lộ ra thứ nội dung đó, mới cảm nhận hết “hương vị” kinh khủng của nó. 

Ví dụ vụ Đại úy Hiền gây náo loạn sân bay, chỉ có thể nói nó giống như một cuộc đánh lộn ngoài chợ trời; ví dụ vụ tát nhân viên thu ngân, nó bạo liệt y như trong phim hành động; ví dụ vụ ông Phó huyện, nó y như lời của một gã dân anh chị có số má sẵn sàng xuống tay hạ độc thủ; ví dụ vụ chỉ tay quát cô tiếp viên trên máy bay, nó không khác mấy với lời của một một trùm mafia đòi nợ thuê có hạng. 

Tất cả những “nhân vật phản diện của phim hành động thực tế” đó đều biết rõ xung quanh họ dày đặc camera, dày đặc máy ghi âm, dày đặc các blogger sẵn sàng tung vụ việc lên mạng xã hội. Và họ không thể không ý thức rằng họ đang sống trong thời đại nào! Thế mà họ vẫn hành động như đang ở trong nhà mình, như thể họ có quyền lực vô giới hạn, có thể làm bất cứ việc gì gây tổn thương cho người khác một khi họ thích, như thể họ có quyền hạ nhục bất cứ ai mà họ nghĩ thua kém họ về vị trí xã hội?

Chắc chắn nhiều người trong chúng ta rất tò mò muốn biết tại sao những người đó lại hành động bất chấp tất cả như vậy?

Chỉ có một câu trả lời: Ấy là họ sống với tâm thế... "Tao là quan!"

"Tao là quan" - Cũng có nghĩa là kẻ trên, nên "tao" muốn, "tao" thích làm gì cũng đều được hết, kẻ bên dưới chỉ có nghĩa vụ phục tùng - Chắc hẳn họ luôn nghĩ vậy?!

Đó chính là não trạng dẫn dắt hành động điên rồ của những kẻ mà chúng ta vừa nhắc tới.

Chỉ đơn giản vậy thôi.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top