Aa

Tập 2: KTS. Hoàng Thúc Hào - Trường Học Sentina

Thứ Hai, 19/11/2018 - 06:01

KTS. Hoàng Thúc Hào (Văn phòng Kiến trúc 1+1>2) dành sự ưu ái đặc biệt với “Sự cân bằng hoàn hảo” và lựa chọn kênh truyền thông này để giới thiệu công trình mới nhất của anh: Trường tiểu học Sentia (Từ Liêm, Hà Nội).

KTS Đoàn Thanh Hà - Quán Cafe không gian S - Tự nhiên & Nhân tạo

Video: Sự cân bằng hoàn hảo tập 2 

Từ nhiều năm nay, KTS Hoàng Thúc Hào theo đuổi triết lý thiết kế “ngạc nhiên bền vững”, anh lý giải: “Trong không gian của trường Setina (Từ Liêm, Hà Nội), chúng tôi tạo ra một hành lang xuyên từ tầng 1 đến tầng 3, từ khối nhà này có thể nhìn thấy khối kia, ở mỗi góc chuyển động đều nhìn thấy khoảng trống, bầu trời, lớp học theo những con mắt khác nhau. Nếu hỏi các cháu nhìn về ngôi trường của mình thế nào và tổ chức một cuộc thi ảnh thì sẽ ra được rất nhiều bức ảnh thú vị.

Trong lớp học chúng tôi cũng tạo ra các cánh cửa với kích thước khác nhau. Làm cửa sổ chủ ý là tránh nắng, nhưng anh lại nhìn ra là cái gáy của một quyển sách, trẻ con lại nhìn ra cái ô,… cái sự ngạc nhiên đấy đến trong quá trình sử dụng dài hạn.

Nó không chỉ là ngạc nhiên đẹp, lạ, sốc tức thời… chúng tôi muốn đó là sự ngạc nhiên thích thú chậm. Dần dần nó ăn vào ký ức, kỉ niệm của đứa trẻ, theo thời gian nó lớn lên thì kỉ niệm đó vững chắc. Đó là triết lý ngạc nhiên bền vững!”

Kiến Trúc Hạnh Phúc (KTHP)

Triết lý KTHP không xuất hiện ngẫu nhiên, đó là kết quả xâu chuỗi hơn 20 năm làm nghề, của những băn khoăn cá nhân và từ hạn chế của các lý thuyết kiến trúc hiện đại trong việc giải quyết những bi kịch của “hoàn cảnh con người đương đại”.

Triết lý KTHP manh nha từ khi nhóm các KTS trong nhóm tổ chức "Sự cân bằng hoàn hảo" nghiên cứu cải tạo làng gốm Bát Tràng (năm 1994), cải tạo nhà tù Hoả Lò (Hà Nội) thành “Quảng trường Khoan dung”, thiết kế Trung tâm Hạnh phúc Bhutan, chuỗi dự án nhà cộng đồng và gần đây nhất: Trường tiểu học Lũng Luông, Thái Nguyên, đã khai giảng từ 2016.

Triết lý “Kiến trúc Hạnh phúc” có lẽ là một tất yếu ra đời trong các thực hành kiến trúc dấn thân, hướng đến những cộng đồng yếu thế. Từng bước, thử và sai, qua các dự án đa dạng (nhà ở, trường học, dự án thiện nguyện, nhà cộng đồng, …), trên nhiều khu vực (thành thị, nông thôn, miền núi, miền biển, vùng sâu, vùng xa…). Dần dần, các KTS đã đúc kết kinh nghiệm và áp dụng triết lý hiệu quả hơn trong thực tiễn.

Các KTS thực hành nghề nghiệp với thước đo KTHP sẽ dấn thân, lấy cống hiến vì xã hội, vì văn hoá và con người làm lẽ sống và đích đến.

Do đó, KTS HP vừa là nhà chuyên môn, vừa tích cực hoạt động xã hội, truyền cảm hứng cho nhiều tầng lớp, biết huy động nhân lực, vật lực của nhiều cá nhân, tổ chức nhà nước, tổ chức phi lợi nhuận trong nước và quốc tế.

Như thế, vừa huy động các nguồn lực xã hội, vừa truyền cảm hứng “mưu cầu hạnh phúc” và giúp mọi người cùng “tìm được điều kiện và lối sống đạt hạnh phúc bền vững”.

Đặc biệt, cần ươm mầm xây dựng lực lượng KTS hạnh phúc: Quan tâm đến phát triển của các KTS trẻ nhiều hoài bão, đổi mới giáo dục kiến trúc trong nhà trường; phát triển sự hiểu biết sâu sắc của sinh viên, KTS trẻ về những đối thoại phức tạp giữa kiến trúc và văn hoá, kiến trúc và hạnh phúc con người; thúc đẩy năng lực phân tích, phê bình của KTS, rèn luyện sự nhạy bén và tầm nhìn rộng lớn trong mỗi dự án, tăng nhận biết về các hiệu ứng/hệ quả tiềm tàng của kiến trúc, góp phần giải quyết những vấn đề văn hoá (bản sắc và đa dạng) và con người trong thời đại kiến trúc toàn cầu hoá.

Các tổ chức nghề nghiệp, các nhà quản lý/hoạch định chính sánh (trong đó có chính sách phát triển kiến trúc, các nghị định và luật kiến trúc) cũng là những nhân tố khách quan quan trọng, có khả năng tạo cơ sở pháp lý và những điều kiện khách quan/hiệu quả cho đội ngũ KTS HP và KT HP phát triển cả về chiều rộng, chiều sâu.

Triết lý Kiến trúc Hạnh phúc góp phần giải quyết nhiều vấn đề hiện tại và gợi mở hướng đi của kiến trúc tương lai. Thực hành phương thức “Kiến trúc Hạnh phúc = Kiến trúc sư Hạnh phúc + Công trình Hạnh phúc + Người sử dụng Hạnh phúc”, chúng tôi hy vọng không chỉ đơn thuần tạo ra các tòa nhà/tổ hợp không gian tiện ích, hiệu quả, đáp ứng phát triển kinh tế xã hội. Quan trọng hơn, KTHP đã và đang phụng sự tương lai của văn hóa và con người.

Nói cách khác, kiến trúc nên được thực hành mang lại hạnh phúc cho cộng đồng, và đồng thời, cho phép KTS đạt được hạnh phúc của chính mình thông qua hoạt động nghề nghiệp có trách nhiệm xã hội và nhân văn.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top