Aa

Tập đoàn Lã Vọng và những thương vụ "đất vàng" ở Thủ đô?

Thứ Năm, 11/01/2018 - 12:00

Câu chuyện đại gia Vũ Nhôm thâu tóm hàng loạt “đất vàng” dường như đang lẩn khuất ở nhiều nơi khiến dư luận xã hội phải đặt câu hỏi: Vì sao “đất vàng”, “đất kim cương”, tài sản công lại rơi vào tay một vài doanh nghiệp dễ dàng đến thế?

Ở Hà Nội, trong mấy năm qua, Tập đoàn Lã Vọng (do ông Lê Văn Vọng làm Chủ tịch) nổi đình nổi đám bởi “sự trỗi dậy thần tốc” từ “thiếu gia bia hơi” thành “ông trùm bất động sản”.

Trong giới bất động sản, nhiều người rỉ tai nhau nửa tin nửa ngờ “chắc Tập đoàn Lã Vọng phải có “quan hệ” “khủng” lắm mới “hóa rồng” nhanh như thế”?

“Thâu tóm” ngoạn mục hơn 10.000m2 “đất vàng”

Trước tiên, phải kể đến Dự án Trụ sở làm việc và căn hộ chung cư kết hợp dịch vụ thương mại NewHouse Xa La với diện tích 10.553m2 tại vị trí trung tâm phát triển mới của quận Hà Đông.

Dự án này gồm khu nhà biệt thự liền kề, khu shophouse và khu chung cư cao cấp đang được chào bán rầm rộ. Tuy nhiên, ít ai biết, Tập đoàn Lã Vọng đã thâu tóm đầy ngoạn mục hơn 10.000m2 "đất vàng" để biến thành dự án bất động sản nghìn tỷ đồng như thế nào.

Qua tìm hiểu được biết, ngày 08/01/2014, UBND TP. Hà Nội đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 01121001670 cho Công ty Sông Nhuệ và Công ty Ngôi nhà mới (một doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Lã Vọng) với nội dung để thực hiện Dự án Trụ sở làm việc (cơ sở 2 - KĐT Xa La) và căn hộ chung cư kết hợp dịch vụ thương mại tại khu Xa La, phường Phúc La, quận Hà Đông.

Ngày 16/10/2014, UBND TP. Hà Nội có Quyết định số 5315/QĐ-UBND cho phép Công ty Sông Nhuệ chuyển mục đích sử dụng 10.553m2 đất tại Xa La để thực hiện dự án với nội dung là “đầu tư xây dựng Trụ sở làm việc (cơ sở 2) và căn hộ chung cư kết hợp dịch vụ thương mại”. Quyết định này sau đó được điều chỉnh một số nội dung bởi Quyết định 6589/QĐ-UBND ngày 9/12/2014 của UBND TP. Hà Nội.

Và đến ngày 16/1/2015, Công ty Sông Nhuệ đã ký một Hợp đồng ủy quyền “toàn diện” (71/HĐUQ/SN2-NNM) cho Công ty Ngôi nhà mới thực hiện đầu tư xây dựng dự án trên.

Như vậy, New House Xa La là dự án bất động sản được hình thành bởi sự hợp tác đầu tư giữa một doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước và một doanh nghiệp tư nhân, mà cụ thể là giữa Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi Sông Nhuệ và Công ty Cổ phần Thương mại Ngôi Nhà Mới.

Được biết, Công ty Sông Nhuệ là một trong những doanh nghiệp thủy lợi 100% vốn Nhà nước do UBND TP. Hà Nội là chủ sở hữu, hoạt động hoàn toàn vào nguồn ngân sách TP, phải thực hiện nhiệm vụ sản xuất, cung cấp nước sạch nông thôn; tưới, tiêu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh kinh tế…

Công ty Sông Nhuệ cũng chỉ sở hữu những tài sản có giá trị không lớn như hệ thống máy móc, trạm bơm,... đảm trách. Có lẽ, giá trị lớn nhất của doanh nghiệp này là 10.553m2 đất trụ sở cơ sở 2 tại Khu đô thị Xa La, quận Hà Đông.

Mặc dù, TP. Hà Nội chưa có chủ trương cổ phần hóa các doanh nghiệp thủy lợi và Công ty Sông Nhuệ không thuộc diện cổ phần hóa nhưng Tập đoàn Lã Vọng vẫn "thâu tóm" được diện tích đất trên để thực hiện dự án bất động sản.

Sau sự hợp tác này, hiện Công ty Sông Nhuệ phải đi thuê lại tầng 2, Tòa nhà Thủy lợi số 28A, đường Lê Trọng Tấn, Hà Đông để làm trụ sở làm việc và nhường “đất vàng” 10.553m2 cho Công ty Ngôi nhà mới thực hiện dự án New House Xa La.

Bản chất của thương vụ này là Tập đoàn Lã Vọng bỏ tiền cải tạo, tân trang trụ sở làm việc cho Công ty Sông Nhuệ và nắm quyền khai thác kinh doanh “đất vàng” nhưng thực hiện trên danh nghĩa hợp tác.

Mới đây, Bộ Tài chính cũng có đánh giá sau khi rà soát các doanh nghiệp nhà nước thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất (trong đó có dự án New House Xa La của Liên doanh Công ty Sông Nhuệ và Ngôi Nhà Mới). Theo đó, việc sắp xếp lại cơ sở, nhà đất của DNNN tại dự án New House Xa La để xây dựng Trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê, nhà ở  không thực hiện đấu giá theo quy định tại Điều 118, Luật Đất đai 2013.

Hiện, Thanh tra Chính phủ đang tiến hành thanh tra việc chuyển đổi, chuyển nhượng nhà đất của cơ quan, doanh nghiệp nhà nước, nhà đất có vị trí đắc địa sang mục đích khác trên địa bàn TP. Hà Nội. Thông tin phóng viên tìm hiểu được thì dự án New House Xa La cũng là một trong những dự án đang được Thanh tra Chính phủ thanh tra trực tiếp đợt này.

Những “góc khuất” từ đại dự án Luis City Đại Mỗ

So với New House XaLa, Khu đô thị Luis City Đại Mỗ (phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm) của Lã Vọng thực sự là một "siêu dự án" với tổng diện tích được quảng bá là 30,5ha, với gần 600 căn liền kề, 28 căn biệt thự, 2.000 căn chung cư cao cấp. Giá giao dịch tại đây từ 40 – 70 triệu đồng/m2. Theo nhiều đại lý bất động sản, hiện nguồn hàng tại dự án này còn rất ít, nếu muốn mua, khách hàng phải mua lại. Ước tính, với dự án này, Lã Vọng thu về nhiều nghìn tỷ đồng.

Chỉ hơn một năm về trước, khu đất này vẫn là một bãi hoang tập kết phế liệu, chợ buôn bán trái phép vật liệu xây dựng vô cùng nhếch nhác. Phần lớn diện tích đất tại đây là đất nông nghiệp của người dân phường Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm). Nhưng, bằng việc được UBND TP. Hà Nội chỉ định thầu thực hiện dự án BT cải tạo hồ ở quận Long Biên, Tập đoàn Lã Võng đã được giao 9,9ha đất tại khu vực này để triển khai "siêu dự án" trên.

Vấn đề đặt ra là dù nhiều doanh nghiệp bất động sản khá “thèm khát” khu “đất vàng” trên nhưng chỉ có Tập đoàn Lã Vọng mới thâu tóm nổi. Tại sao, trong bối cảnh quỹ đất tại Hà Nội đang khan hiếm, UBND TP. Hà Nội không tổ chức đấu giá để tăng tính cạnh tranh, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước?

Tại sao khi Tập đoàn Lã Vọng triển khai "siêu dự án" Luis City Đại Mỗ thì cũng có thông tin dự án nâng cấp, mở rộng QL70 (chạy ngay trước mặt dự án này) rục rịch được triển khai?

3. Dự án BT cải tạo hồ ở quận Long Biên đổi lại 9,9 ha đất đối ứng ở Đại Mỗ vẫn đang “đắp chiếu” mặc dù Lã Vọng đã ào ạt bán đất thu về nhiều tỷ đồng.

Dự án BT cải tạo hồ ở quận Long Biên đổi lại 9,9ha đất đối ứng ở Đại Mỗ vẫn đang “đắp chiếu” mặc dù Lã Vọng đã ào ạt bán đất thu về nhiều tỷ đồng.

Tại sao, từ 9,9ha đất đối ứng, Lã Vọng lại có thành 30,5ha? Và, một điều rất quan trọng là năng lực của Tập đoàn Lã Võng ra sao? Dự án BT đối ứng để lấy “đất vàng” tại Đại Mỗ hiện số phận thế nào? Có hiện tượng Tập đoàn Lã Vọng “núp bóng” dự án BT “tay không” thu hàng nghìn tỷ đồng từ siêu dự án Luis City?...

Liên tiếp được “gửi gắm” tại nhiều dự án

Lã Vọng tiếp tục nổi đình nổi đám khi tháng 7/2017, UBND TP. Hà Nội có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho Công ty cổ phần Đầu tư Louis Group (thuộc Tập đoàn Lã Vọng) được chỉ định thầu thực hiện Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Ba La – Xuân Mai theo hình thức BT với tổng mức đầu tư 8.800 tỷ đồng. Đổi lại, Louis Group được TP. Hà Nội trả 441ha đất tại hàng loạt quận, huyện ở Hà Nội.

Điều đáng nói là Louis Group mới thành lập từ tháng 3/2017.

Đầu năm 2017, cũng bằng hình thức góp vốn sáng lập vào Công ty cổ phần Đầu tư phát triển đô thị Hoàng Mai, Ngôi nhà mới và một công ty khác thuộc Tập đoàn Lã Vọng - Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Louis (LOUIS INVEST), hiện đã nắm quyền chi phối tại Dự án Khu đô thị mới Hoàng Văn Thụ (phường Hoàng Văn Thụ, Thịnh Liệt, Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội) có tổng mức đầu tư hơn 2.400 tỷ đồng, trong đó Ngôi nhà mới và LOUIS INVEST giữ 85% cổ phần.

Tại Hội nghị tổng kết công tác tài chính – ngân sách Nhà nước năm 2017 mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặt câu hỏi: “Bán nhà công sản cho Vũ Nhôm ở Đà Nẵng, Nhà nước được gì?” và nhấn mạnh phải chặt đứt nhóm hưởng lợi trên tài sản công. Nhìn lại hàng loạt Dự án của Tập đoàn Lã Vọng, bằng nhiều cách khác nhau, không thông qua đấu giá, dễ dàng “thâu tóm” số lượng khủng nhiều héc-ta đất công sản ngay giữa Thủ đô, dư luận có quyền đặt câu hỏi: Hà Nội được gì khi nhiều khu “đất vàng”, “đất kim cương” rơi vào tay Lã Vọng? Và không chỉ Lã Vọng, còn bao nhiêu “bóng ma Vũ Nhôm” chưa bị lộ sáng?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top