Aa

Tây Nguyên vẫn bí ẩn

Thứ Hai, 03/12/2018 - 06:00

Một lính Mỹ, trong cuộc tham chiến ở vùng Sa Thầy, Kon Tum, có bắt được một người rừng, cao trên 2 mét, nặng khoảng 2 tạ. Xác người rừng được tập kết tại sân bay Sạc Ly, Đắc Tô rồi máy bay từ Sài Gòn ra võng về. Nói võng về, bởi người rừng được đặt nằm trong võng, cột chặt, rồi đeo vào máy bay. Từ Sài Gòn cái xác này được đưa về Mỹ và người lính Mỹ này xử lý xong thì... bán vé. Nghe nói người vào xem nườm nượp.

Thì Tây Nguyên là thế! Bên cạnh những cái đã hiện hữu, đã lồ lộ... vẫn còn một thế giới của những huyền thoại, những mảng tối sáng lẩn quất đan cài, làm nên sự vi diệu của đời sống. Có điều là, không phải những huyền thoại của quá khứ, mà nó đang song hành cùng từng bước đi của hiện tại. Đến Thái Lan, khách du lịch được dẫn đến một cái vách núi, bảo hàng triệu năm trước, cha ông chúng tôi đã ngồi đây đấy, vẽ lên đây đấy, tranh còn trên vách núi kìa. Nói thật, cố vận hết mọi khả năng tưởng tượng vẫn không thể hiểu đấy có đúng là tranh của người thượng cổ không? Nhưng có hề chi, miễn là anh đã vào, rồi ra, và không có ý kiến gì là tốt rồi.

Chuyện con voi của vua Bảo Đại hồi nào là một ví dụ. Tôi nghe một đàn anh kể rằng: Sinh thời, vị cựu hoàng đẹp trai và ga lăng này có một con bạch tượng rất quý. Người ta không kêu nó là voi mà phải kính cẩn gọi là ngài. Ngài có một cặp ngà rất đẹp (tất nhiên, vì thời ấy nuôi voi người ta chưa phải cưa ngà đi vì sợ "săn tặc" như bây giờ), nhưng cái khiến ngài càng lộng lẫy sang trọng hơn là ở cổ chân ngài, thay vì được đeo xích sắt, ngài phải mang một sợi dây chuyền bằng vàng nặng có... 7 ki lô gam.

Tương truyền, sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, cựu Hoàng không còn điều kiện tiêu khiển nữa, các khu biệt thự ăn chơi tại Đà Lạt bị bỏ hoang, ngài cũng bị lơ là. Một hôm ngài nổi giận, quật tan tành anh nài xấu số và bỏ vào rừng. Từ đó ngài trở thành đối tượng săn đuổi của bọn săn tặc. Chúng rình ngài ở mọi chỗ mọi nơi. Có hẳn cả những kế hoạch được lập, những băng đảng được hình thành, những bản đồ chi tiết tần xuất ngài xuất hiện... Nhưng ngài vẫn biệt tăm, và những con người gian ác kia vẫn đêm ngày mất ngủ về ngài. Họ mất ngủ vì thảng hoặc trong dân gian tin ngài về lúc ở chỗ này, khi ở chỗ nọ vẫn râm ran. Chao ơi, một cặp ngà bạch tượng (nghe đâu trên thế giới hiện nay, voi trắng đã được ghi tên vào sách đỏ) với 7 kí lô vàng bảo chứng thì quả là mơ ước của không ít người. Lạy trời nếu ngài thật sự linh thiêng thì mong ngài tránh xa chốn hòn tên mũi đạn của bọn bất nhân vẫn đang hàng ngày hàng giờ nung nấu ý định được... gặp ngài kia. Hoặc có linh thiêng nữa, ngài làm một mạch về thẳng Thảo cầm viên để nhân dân lương thiện có dịp ngắm ngài và quốc khố có thêm bảo vật 7 cân... Gần một trăm năm rồi, nếu còn, ngài cũng đã lên đại lão, còn không, ngài cứ huyền thoại thế cho đời nó thi vị thêm...

Nhà mồ - Một bí ẩn Tây Nguyên.

Nhà mồ - Một bí ẩn Tây Nguyên.

Khoảng năm tám ba, tám tư gì đó của thế kỷ trước, tại Hội trường 2/9 ở thành phố Pleiku, có một cái hội thảo rất lớn do Phó Chủ tịch HĐBT Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ đạo, hội thảo về... Người rừng.

Lâu nay tôi cũng có nghe và tưởng nó ở thế kỷ nào, ở vùng xa lăng lắc nào, đến khi được trực tiếp dự hội thảo cùng các nhà khoa học đầu ngành, cả khoa học xã hội và khoa học tự nhiên, thì tôi... hoảng.

Tôi được xem những bài báo nước ngoài nói về việc, có một lính Mỹ, trong cuộc tham chiến ở vùng Sa Thầy, Kon Tum, có bắt được một người rừng, cao trên 2 mét, nặng khoảng 2 tạ. Xác người rừng được tập kết tại sân bay Sạc Ly, Đắc Tô rồi máy bay từ Sài Gòn ra võng về. Nói võng về, bởi người rừng được đặt nằm trong võng, cột chặt, rồi đeo vào máy bay. Từ Sài Gòn cái xác này được đưa về Mỹ và người lính Mỹ này xử lý xong thì... bán vé. Nghe nói người vào xem nườm nượp.

Còn tại hội thảo, các nhà khoa học chỉ ra rất nhiều chứng cứ rằng, hiện đang có ít nhất một người rừng đang sống trên đỉnh Ngọc Linh (thuộc tỉnh Kon Tum bây giờ) cao vút, quanh năm mờ sương. Giáo sư Trần Hồng Việt ở Đại học Sư phạm Hà Nội trưng ra một dấu chân mà ông chụp ảnh được ở đèo Ngọc Vin sau cơn mưa. Dấu bàn chân dài khoảng 30cm, rộng gần 13cm (tương đương cỡ giày 55 - 60).

Căn cứ vào dấu chân trên nền đất, người ta thấy lòng bàn chân người rừng lõm rất sâu, đặc điểm mà theo các nhà khoa học là rất phù hợp với điều kiện leo núi. Dấu chân này hình như sau đấy đã được đổ thạch cao. Đây rất có thể là bằng chứng cho thấy trong những cánh rừng đại ngàn của Tây Nguyên, người rừng vẫn còn sống! Không những thế, đây còn là một loài rất cổ, thậm chí trước cả người Neanderthal, loài người sống cách chúng ta từ 25.000 đến 30.000 năm. Chưa hết, một số nhà khoa học và bộ đội khác còn chụp ảnh những cành cây ở cao trên 2 mét bị bẻ gẫy ở nơi mà chưa hề có dấu chân người, cũng ở trên đỉnh Ngọc Linh.

Hồi ấy, phương tiện đi lại, tác nghiệp còn rất thô sơ, nên nhiều chứng tích của các cuộc điền dã đã bị bỏ qua. Tôi nhớ một vị chủ trì hội thảo thông báo: Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ thị, nếu phát hiện người rừng ở bất cứ đâu, bất cứ hoàn cảnh nào, cũng phải báo ngay cho Đại tướng, và ông sẽ cho máy bay tiếp cận ngay...

Hội đua voi Tây Nguyên.

Hội đua voi Tây Nguyên.

Thành phố Pleiku, khi tôi ngồi gõ những dòng này, chan hoà ánh điện cao áp. Ngược lên, Trường Sơn thăm thẳm xanh màu bí ẩn, dẫu rừng giờ đã thưa lắm rồi...

Và xin nói luôn, những bí ẩn này sẽ cứ mãi là bí ẩn, có thể có thật, có thể không, và nhờ thế mà cuộc sống chúng ta thú vị hơn chăng...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top