Aa

"Tay to" và dịch Covid-19

Thứ Ba, 10/03/2020 - 07:00

Không có chỗ nào khác để quý vị chuyển đến, ngoài cái mặt đất này. Muốn sống, thì trước hết phải biết bảo vệ cuộc sống của cả cộng đồng!

"Tay to" là một sáng tạo về ngôn ngữ đời sống của giới trẻ, dùng để chỉ những người nhiều sức mạnh, có khả năng thực hiện mọi việc, can thiệp vào mọi chuyện, “hóa giải” mọi vấn đề pháp lý, đạo đức... theo ý mình, chủ yếu bằng tiền và bằng quyền lực.

Những đối tượng sau đây được liệt vào danh sách nhóm “tay to”:

- Những người có chức vụ trong bộ máy công quyền.

- Những người có nhiều tiền, tài sản, bất kể từ nguồn nào.

- Chủ các công ty, tập đoàn nhà nước, quản lý trong tay một tài sản khổng lồ, điều hành hàng vạn người.

- Chủ các công ty tư nhân, vốn vẫn được coi là đại gia.

- Những người nổi tiếng trong giới showbiz.

- Con cái những gia đình giầu có.

- Người thân của các nhân vật quyền lực lớn.

- Đám đầu lĩnh của các băng đảng tội phạm.

Đặc điểm dễ nhận thấy nhất ở nhóm này, là họ luôn ý thức về quyền lực (quyền chính trị, quyền tiền bạc, quyền ảnh hưởng…), khi xuất hiện ở bất cứ đâu. Bất cứ nơi nào họ có mặt, họ đều muốn (và thể hiện ra mặt ý muốn ấy) mọi người phải dành cho họ một sự tôn trọng đặc biệt, họ phải được tâng bốc, nịnh bợ, việc họ tạo ra nỗi sợ là đương nhiên...

Một vài thể hiện dễ nhận thấy hơn trong mắt những người bình thường khi quan sát sinh hoạt, chi tiêu của họ. Chẳng hạn:

Khi ăn, họ chỉ chọn những nhà hàng sang trọng, thực phẩm chất lượng cao, độ an toàn ở mức tuyệt đối.

Sở thích của họ, nếu là đàn ông, là chỉ uống những loại rượu đắt tiền, hiếm và lạ, ít có trên thị trường, còn nếu là phụ nữ, họ là khách hàng quen thuộc của những nhãn hiệu thời trang, mỹ phẩm, phụ kiện lớn.

Họ sử dụng những chiếc ô tô sang trọng cho việc đi lại (Với những người là quan chức thì họ sẽ thực hiện điều này khi về hưu).

Họ chỉ ngồi vé máy bay hạng thương gia.

Họ sẵn sàng chi tiền, rất nhiều tiền để dự (hoặc cho con cái dự) những sự kiện lớn về thời trang, thể thao, ở trong những khách sạn hàng đầu về tiện nghi.

Bình thường thì những gì vừa kể đều thuộc về quyền cá nhân, bất khả xâm phạm, được pháp luật bảo hộ. Trừ những kẻ ăn cắp, ăn cướp là bất chính, còn lại đều có thể được coi là chính đáng. Về phần mình, chúng ta, những người thuộc số đông làm nên xã hội này phải quen dần (dù không hề dễ) với hiện thực đó như một phần của đời sống. 

Ở khía cạnh nào đó, những người giàu vung tiền ăn chơi, mua sắm, cũng có tác dụng kích hoạt cảm hứng phấn đấu cho người khác. Tất nhiên, ở khía cạnh văn hóa thì vấn đề không đơn giản như vậy, chỉ nên nhớ việc chúng ta có quyền phán xét người khác đến đâu, lại là đòi hỏi đầu tiên về mặt văn hóa. Đừng lẫn lộn giữa mong muốn và bắt buộc người khác.

Nhưng đấy là khi cuộc sống cứ trôi đi một cách bình thường. Còn khi đất nước gặp nguy biến, chẳng hạn bỗng dưng bị xâm lược hoặc đơn giản hơn, như đang xảy ra, là bị nạn dịch Covid-19, thì vấn nạn "tay to" hoàn toàn có thể là gốc của tai họa lớn. Xét về mặt thực tế, trước nạn dịch cúm hiện nay, nhóm “tay to” không hề được đảm bảo sẽ an toàn hơn, nếu không muốn nói là nguy hiểm hơn những người bình thường. 

Tiền, như quý vị thấy, hóa ra chả giải quyết được vấn đề gì ghê gớm. Tất cả đều trông chờ vào cái khẩu trang mà bất cứ ai cũng có thể mua được. Quyền lực cũng vô nghĩa nốt. Ở nhà lầu, đi xe sang, dùng hàng hiệu, ăn gan ngỗng béo, thịt bò Cô-bê, cua hoàng đế, bào ngư Úc… chả hơn gì người ở nhà cấp bốn, đi xe đạp, mặc đồ bãi, ăn cơm với cá kho hoặc muối vừng. Có là ông hoàng bà chúa, thì cũng là bia tập bắn, là cái giường dùng để sinh sản, nhân giống, thải độc… của con Covid. Nói gọn lại, với dịch bệnh như đang xảy ra, tất cả cùng về một điểm xuất phát: Đó là những kẻ yếu đuối trần trụi và rất dễ bị tiêu diệt.

Cách ly chống dịch Covid-19, không phân biệt bất cứ ai (Nguồn: Internet)

Tôi viết bài này nhân xảy ra vụ có hành khách trốn khai báo y tế khiến cả cộng đồng hoảng loạn, nhất là những người, vì có quyền, có tiền mà ngồi ghế cùng hạng sang với hành khách này trên máy bay (Tôi tin rằng có người đang ước, giá chuyến bay đó họ ngồi ghế chỗ hạng bét!). 

Để bình tâm, tôi bèn đọc cuốn sách “Tồn tại hay không tồn tại” của nhà toán học người Nga Nikita Moseev vừa xuất bản, trong đó ông lo sợ nhất là con người sẽ tự hủy diệt, không phải bằng vũ khí hạt nhân mà lặng lẽ biến mất trong hòa bình. Chắc chắn khi nói thế, ông nghĩ đến dịch bệnh, một thứ tai họa, loại kẻ thù gần như vô hình mà con người sẽ phải đối đầu vĩnh viễn.

Khi hành động một cách tự ý, hẳn khi đó, hành khách này hy vọng mình có đủ lực để tự hóa giải nguy hiểm. Nhưng họ đã thấy đấy, luật của nạn dịch là thứ không đếm xỉa đến mạnh yếu, cao thấp. Kết cục họ vẫn phải nương nhờ vào những người thua kém họ rất xa về đẳng cấp sống. 

Vì thế, đây là đòi hỏi chứ không phải mong muốn dành riêng cho những người thuộc nhóm "tay to": Dù quý vị có tiền rừng bạc bể, quyền lực thay trời chuyển đất, thì cũng nên ngày ngày nhắc mình nhớ điều đơn giản sau đây: Không có chỗ nào khác để quý vị chuyển đến, ngoài mặt đất này. Muốn sống, thì trước hết phải biết bảo vệ cuộc sống của cả cộng đồng!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top