Aa

Tết, cách nhà văn mừng tuổi

Thứ Bảy, 16/02/2019 - 06:00

Tôi luôn coi những câu chuyện của các nhà văn đứng tuổi nói về nghề viết như một bài học quý, một món quà mừng tuổi không giống ai, nó làm cho người ta vỡ ra và suy nghĩ, nhìn lại mình để đi, đọc đã rồi mới viết. Đó là những “lì xì” không dễ cho nhau, hình như chỉ có nghề cầm bút mới có vinh hạnh này.

Tôi cũng không nhớ là dịp tết của năm nào tôi xuống Đồ Sơn thì gặp mưa, vừa trú tạm ở cái quán phở ở gần xóm Chùa, gọi mấy củ khoai nướng ở chân núi mà  khoai núi Đồ Sơn ám ảnh, ngọt tới tận giờ. Sau đó, mới vào cái ngõ nhỏ gặp chị Đoàn Lê, chị đang vẽ xong bức tranh sơn dầu về biển. Chị khoe: “mình vừa nhờ anh Khánh (nhà văn Nguyễn Xuân Khánh) tuyển chọn cho để in tuyển. Tôi bảo: “chị sướng thế, anh Khánh hiểu chị, đọc chọn để tuyển cho còn gì bằng”. “Ừ”, mắt chị Đoàn Lê vui và ánh lên vẻ sung sướng khó tả: “Mình viết chán thì chuyển sang vẽ. Vẽ chán thì làm gì, thì chơi bài tú lơ khơ với mấy người bạn đứng tuổi ở xóm Chùa”.

Xóm Chùa nơi chị ở đấy rất lâu, vắng vẻ ơi là vắng vẻ, buồn ơi là buồn, vậy mà chị Đoàn Lê kiên định trụ vững bao nhiêu năm ở tuổi xế chiều, không xê dịch, tiêu thời gian cho đời mình chỉ viết và vẽ, rồi xây nhà rất đàng hoàng. Chị Lê xây hẳn một nhà để ở, một nhà chỉ chuyên ngồi vẽ và bầy biện toan, màu. Xung quanh cây cối tốt tươi. Tết ấy, trong thơ chị  vẫn hắt lên…  “đi về một mình một ngõ”. Chị lại ăn rất ít nên hình như ngoài viết và vẽ ra chị chẳng thiết tha gì. Năm sau gặp chị ngày giáp tết chị bảo, mình nhìn mọi thứ nhẹ nhàng, có sách in tuyển cũng coi như cái tết đó anh Khánh mừng tuổi mình đấy. Nếu chị Đoàn Lê không kể, tôi không hề biết nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã rất dụng công đọc tuyển chọn cho chị Đoàn Lê.

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh

Rồi rất lâu sau, một lần, tôi nhờ nhà thơ Vũ Thị Huyền (ở Hải Phòng) đưa đến thăm nhà văn Bùi Ngọc Tấn ngay thành phố; số là cuốn “Chuyện kể năm 2000” của anh Bùi Ngọc Tấn, năm xuất bản ở nhà XB Thanh Niên, bị đình bản. Lần đó, tôi phải cạy cục nhờ mãi nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến mua cho để đọc.  Những năm đó làm người có sở thích đọc sách cũng khổ thật, y như  cái thời bao cấp. Mua sách hay cũng phải xếp hàng như đi đong gạo, mua thực phẩm mậu dịch. Tôi vẫn nhớ có hôm xếp hàng lấy thẻ, số thứ tự, đi lại hai ngày sau mới có nổi cuốn sách ở cửa hàng sách phố Huế, hay mua ở kho sách Nhà xuất bản Văn học, gần 51 Trần Hưng Đạo. Những bộ sách 2 tập “Vùng trời” của nhà văn Hữu Mai, hay hai tập “Vỡ bờ” của nhà văn Nguyễn Đình Thi, hay “Chiến tranh và hòa bình” của L.Tônxtôi chẳng hạn. Vì  sách có nông nỗi của sách, nên bây giờ tôi vẫn giữ sách cũ, bảo tàng sách cũ trong nhà của mình. Dù giờ đây có nhiều sách in mới, đẹp hơn, tôi cũng chẳng dễ dàng đánh đổi.

Sau này tôi mới kể lại chuyện đi mua tiểu thuyết “Chuyện kể năm 2000” với nhà văn Bùi Ngọc Tấn, tôi đã run sợ ra sao, ông  nghe xong, im lặng rất lâu, tủm tỉm cười.

Rồi cũng phải mất mười năm sau nữa khi tôi viết tiểu thuyết “Một bàn tay thì đầy” mang xuống Hải Phòng tặng ông, dịp ấy cũng cận tết, tôi nói:

“Sau tết, em mong được bác mừng tuổi em bằng cách đọc cho em cuốn tiểu thuyết này,  chỉ bảo cho em cái sự dở hơi nhất của em, bác nhé”. Nhưng nhà văn Bùi Ngọc Tấn, cúi xuống và nói: “Hồi anh viết cuốn : “Chuyện kể năm 2000” anh rất biết ơn nhà văn Nguyễn Quang Thân, nếu không có anh ấy dặn đi dặn lại: “phải thật khách quan, và thật bình tĩnh hãy viết, Tấn nhé”. Anh đã nghe anh Nguyễn Quang Thân, để không sa vào sự hằn học, hơn thua, với cuộc đời trong lao tù. Khi  viết phải là người viết phân tích cho ra nhân vật”. Tôi bảo: “Cũng coi như anh mừng tuổi em bằng cách truyền nghề thế này đấy ạ”. Nhà văn Bùi Ngọc Tấn lại im lặng rất dài.

từ phải sang/ nhà thơ Hoàng Việtp/Hằng, nhà văn Đoàn Lê, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, nhà thơ Đoàn Thị Tảo, biên tập nhà XB Phụ nữ, Thanh Bình , Hoa Phượng.

Từ phải sang: nhà thơ Hoàng Việt Hằng, nhà văn Đoàn Lê, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, nhà thơ Đoàn Thị Tảo, biên tập nhà XB Phụ nữ,...

Rồi chỉ vài hôm sau gần chiều ba mươi, anh gọi điện, chỉ ra những chi tiết hay, những trang có câu cần sửa. Lâu lâu sau mới gặp, anh có vẻ khó đi lại, dù lúc ấy đang ở triển lãm tranh cá nhân của chị Đoàn Lê. Anh Tấn xê dịch từng bước chậm. Nhưng không gian mà anh trò chuyện dù ở trong phòng tranh của chị Đoàn Lê, vẫn là “văn xuôi phải rất chú ý đến chi tiết hay, dù là nhỏ nhặt”. Tôi nói tôi vẫn nhớ những chi tiết trong tiểu thuyết của anh… ví như: “hôm nay ngày 14 tháng… năm Bính thìn, bà mệt, bà nghỉ”. Chi tiết đó là  trong đối thoại của nhân vật, người đàn bà hay chửi, hắt sang nhà một cán bộ phường xã, mà ngày nào cũng chửi như hát hay. Kinh thật. Nhưng đến một ngày mệt quá  thì cũng tuyên bố hôm nay bà mệt bà nghỉ... Văn chương của Bùi Ngọc Tấn điềm đạm mà hóm hỉnh, dễ lay người đọc cười ra nước mắt.

Lại nhớ đến tình bạn của Bùi Ngọc Tấn với Nguyễn Xuân Khánh, dịch giả Dương Tường; Những nhà văn, dịch giả không chỉ tặng sách hay cho nhau,dịp  năm mới, họ còn  nói về những nhân vật, cốt cách của nhà văn. Được nghe các nhà văn từng trải, và mình thì hóng  chuyện, tôi như  vừa được tặng món quà mừng tuổi vô giá của nghề cầm bút. Lại nhớ một dịp sau tết, cách đây vài năm, được đi lên chùa Bổ Đà với nhà văn Nguyễn Xuân Khánh , ông khuyên tôi: “khi viết mệt, hãy nghỉ  ngơi, nên bỏ ít ngày đi xa xa một chút, đọc cũng là cách  nạp thêm năng lượng cho mình. Tôi may hơn cô, là có hai ngoại ngữ, đọc nguyên bản hay lắm. Còn nếu yếu về ngoại ngữ, cô phải chịu khó đọc qua bản dịch”. Nên chịu khó lắng nghe người ta nói về cuốn này, dù mình đọc rồi. Thường thì sau khi đọc xong cuốn sách hay, rất cần có bạn nghề để chia sẻ. Hãy lắng nghe, cũng là một cách học người khác đọc, người đánh giá cuốn sách không giống cách nhìn nhận của mình.

Tôi luôn coi những câu chuyện của các nhà văn đứng tuổi nói về nghề viết như một bài học quý, một món quà mừng tuổi không giống ai, nó làm cho người ta vỡ ra và suy nghĩ, nhìn lại mình để đi, đọc đã rồi mới viết. Đó là những “lì xì” không dễ cho nhau, hình như chỉ có nghề cầm bút mới có vinh hạnh này.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top