Aa

Tết chợ quê một thuở

Thứ Hai, 20/01/2020 - 06:20

Tôi lắng nghe trong gió, trong dìu dịu hương trầm tiếng người xưa vọng lại. Tôi nhận ra, cái dư âm chợ quê theo mẹ đi sắm Tết ngày nào đã làm nên ký ức khôn nguôi trong tôi mỗi độ xuân về.

Thế là vừa đúng 30 năm tôi mới có dịp trở lại quê ăn Tết. Tôi đã đi nhiều nơi, cũng đã trải qua nhiều cái Tết ở các vùng quê khác nhau. Mỗi nơi mỗi vẻ, nhưng dù ở đâu, dù bất cứ nơi nào, hình ảnh chợ quê nằm bên gốc cây bàng già mốc meo, sù sì ở cái làng Nang quê tôi, nơi chôn nhau cắt rốn ở vùng đồng đất Thái Bình cứ hằn trong nỗi nhớ, là sự ám ảnh mỗi độ Tết đến xuân về.

Ngày đó, vào khoảng những năm sáu mươi, bảy mươi của thế kỷ 20, khi mà mọi chế độ tiêu chuẩn đều nằm trên tờ giấy với cuốn sổ quy định từ lạng muối, cân đường, hộp sữa đến lạng thịt, lạng mỡ lợn, vài ba lạng đỗ xanh, dăm ba bó lá dong để gói tấm bánh chưng, bánh dày cũng được ghi chép chi tiết đến từng đầu người, đầu hộ. Cứ vào những ngày giáp Tết, người người tay cầm cuốn sổ bìa xanh quăn góc, trên mỗi trang giấy còn vương mùi nước mắm, mùi dầu hỏa, xếp hàng chờ đến lượt. Nằm ngay cạnh cửa hàng hợp tác xã mua bán là cái chợ quê ẩn mình dưới gốc cây bàng có tới cả chục tán xòe rộng che kín cả khu đất giữa làng với mỗi chiều dài rộng vài ba chục bước chân.

Ảnh: Internet

Khác hẳn với các phiên chợ khác, vào ngày giáp Tết, trên mảnh đất nhỏ làng để dành làm chợ, người ta quy ra các khu bán hàng hóa khác nhau. Chỗ bán rau, nơi bán thịt, khu bán hoa quả, chỗ bán đồ thờ, giấy tiền, hàng mã, đồ trang trí ngày Tết. Hàng quà của chợ chủ yếu là sản phẩm từ vườn, từ ruộng, từ ao, từ chuồng của các gia đình làm lụng, trồng cấy, chăn nuôi còn dư thừa hay bớt ra nhân ngày Tết đem bán để có tiền sắm lễ, dành dụm làm quà mừng tuổi cháu con.

Đông nhất trong chợ người qua kẻ lại có lẽ là mấy nơi bán lá dong rừng, bán hoa quả, cam, quýt và đồ lễ. Chỗ bán lá dong rừng, cái thứ lá dài, cứng, dày, giòn có màu xanh thẫm. Lá dong rừng không to và mềm như lá dong nhà. Bề mặt của lá chỉ rộng không quá gang tay mà những nhà trong vườn không có được dải lá dong quê mua về để gói bánh chưng, bánh giò, bánh dày. 

Kế bên hàng bán lá dong là vài ba bà trong làng làm hàng xáo. Không như các chợ phiên khác, vào ngày Tết, các bà thường chỉ bán duy nhất gạo nếp. Những thúng gạo nếp vun đầy có ngọn, hạt trắng, mây mẩy, ong óng, người làng mua về đồ xôi, gói bánh. Bám xung quanh cái gốc bàng có hàng phiến đá đã nhẵn thín những dấu người ngồi là vài ba bà mang dăm ba ống đỗ xanh trồng trong vườn nhà, cùng dăm ba mẹt bán kim chỉ của mấy bà buôn hàng xén và dăm ba người ngồi sau chiếc thúng có vài ba trái bưởi, quả phật thủ hay đôi ba nải chuối vừa lấy từ trong bồ ủ ra còn phảng phất thơm mùi hương rấm.

Ảnh: Michel Blanchard

Ồn ào và ầm ĩ nhất có lẽ là mấy hàng bán thịt lợn. Trên cái tấm phản đóng ghép từ mấy tấm gỗ xoan, gỗ nhãn kê lưng lửng thắt lưng người, là những tảng thịt lợn còn âm ấm nóng. Miếng thịt hồng, tươi, chắc, vưng vức, được xẻ ra theo yêu cầu của mỗi người mua. Có lẽ lợn nuôi chuồng nhà mới giết mổ nên miếng thịt trông không thâm đen và nhão như thịt của cửa hàng hợp tác xã bán. Tiếng hỏi giá nhỏ nhẹ của người mua, câu trả lời chao chát, gắt gỏng của mấy bà hàng thịt, tiếng dao gại vào thanh đá loẹt xoẹt, tiếng nhắc trả tiền thừa, tiếng chặt xương côm cốp rổn rảng. Thường mỗi nhà chỉ đủ tiền mua dăm ba lạng về để làm nhân gói bánh chưng cho kịp ngày Ba mươi thắp lên bàn thờ tổ tiên cho đủ lễ. Mặc dù thịt lợn nuôi chuồng nhà nhưng do người mua chỉ dăm ba lạng nên miếng thịt cắt dài trông như giải vải.

Ảnh: Internet

Âm thầm và có lẽ sạch sẽ nhất là chỗ bán câu đối Tết. Phía trên chiếc chiếu trải nằm ếp xuống mặt đất là những tấm giấy điệp màu hồng, mấy cụ đồ nho già tay vê vê xoăn đầu bút lông. Khi nghiêng người, lúc cúi rạp, các cụ đồ nắn nót viết từng nét, từng chữ theo lời người đặt. Mỗi khi viết xong, các cụ gác ngọn bút lên mép chiếc nghiên, ngả người về sau, vươn tay, bẻ đốt giải mỏi. Ở khu này, tuyệt nhiên không có lời rao giá trả giá. Tùy vào số lượng chữ ít hay nhiều của người xin, tùy vào người viết là ai, đợi khi chữ viết khô, người viết cuộn tròn tấm giấy lại mà người mua cứ lặng lẽ bỏ vào trong chiếc bị cói khi dăm ba hào bạc lẻ, hoặc nhiều vài ba đồng trả công người viết.

Nơi thơm nhất, tịnh nhất là chỗ mấy cụ nhà chùa bán hương và bán giấy tiền vàng. Mùi hương thơm dìu dịu từ những sợi khói hương trầm phơ phất bay lên. Câu chào mua hàng cũng nhẹ, lời trả giá cũng mềm. Bàn tay gói hàng trả khách nhẹ nhàng gửi theo câu tụng nhẹ. Trên gương mặt người bán, trong ánh mắt người mua chan chan một miền hoài vọng.

Đông, xôm và vui nhất là khu bán pháo Tết. Cứ mỗi chỗ người bán pháo Tết thường có lũ trẻ quây vòng trong vòng ngoài. Để thu hút người mua và cũng làm mồi cho lũ trẻ bắt bố mẹ mua pháo Tết, thỉnh thoảng người bán lại rỡ đôi ba quả từ dây pháo dở châm đầu que diêm ném xuống cạnh chân hoặc tung lên cao. Tiếng pháo nổ lẹt đẹt, đì đùng như kéo mùa xuân về sớm, cho lũ trẻ háo hức chờ giao thừa mà quên đi chuyện sắm áo mua quần diện Tết. Thi thoảng, mấy hàng bán pháo lại hào phóng châm lửa cho quả pháo thăng thiên loẹt xoẹt bay vút lên trời, để lại phía sau cái màn khói trắng ngoằn ngoèo kéo theo bao con mắt mơ ước.

Còn một nơi trong chợ, mà thường mỗi khi mua hàng xong, các bà các mẹ lại ghé qua là chỗ bán ngô rang để mua làm quà cho lũ trẻ mỗi khi chợ về. Những thúng ngô rang nở bung trắng trắng còn lấp lánh ánh vàng vàng của vẩy ngô bám lại. Người nhiều mua cả ống, người ít nửa cóng, thậm chí chỉ một phần ba cái cóng bò làm từ vỏ hộp sữa ông thọ. Tiền mua quà chợ là vài đồng năm xu còn lại khi đã mua sắm còn dư. Tiếng đồng xu người bán thả vào trong chiếc cóng bơ loong coong, loong coong.

Ảnh: Internet

Có lẽ, nơi bán nhanh tan và ít người đến nhất là chỗ bán gà, vịt, ngan. Người làng bao giờ đến gần Tết cũng thường chuẩn bị từ vài ba tháng đã cho xuống ổ một hai đàn gà con. Những gia đình đi mua chẳng qua là do giáp Tết, trời lạnh, có giá, đàn gà gặp sương muối bị cúm, không còn gà cúng nên phải đi mua. Người quê tôi cúng khi giáp canh, lúc giao thừa nhất quyết phải là gà nhà nuôi. Các cụ cao niên thường cho rằng, đồ vật cúng thần linh, gia tiên vào giờ khắc đầu tiên của năm thì phải của nhà trồng cấy, chăn nuôi. Còn nếu đồ mua ngoài chợ của nhà khác có cúng cũng không thiêng vì là vật của người. Vì thế, nếu gia đình nào chẳng may phải đi mua thì thường phải mua về nhà trước ba bốn hôm để cho con vật được ăn cơm, ăn gạo nhà mình, lấy vía trước khi làm lễ.

Gần trưa, chợ vãn rồi tan. Trên tay, trong chiếc thúng cắp nách tong tả theo người ra về là những câu thăm hỏi giá bán giá mua với những hàng quà sắm sanh cùng gương mặt người ủ nét xuân cười. Tay bám gấu áo mẹ, le te chạy theo, lũ trẻ trên tay cầm con tò he sắc màu mùa xuân đã hội.

Tôi lắng nghe trong gió, trong dìu dịu hương trầm tiếng người xưa vọng lại. Tôi nhận ra, cái dư âm chợ quê theo mẹ đi sắm Tết ngày nào đã làm nên ký ức khôn nguôi trong tôi mỗi độ xuân về. Cái góc chợ quê nho nhỏ với những hương vị vườn tược làng quê đã cùng người làm nên những mùa xuân một thời gian khó…

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top