Aa

Thanh khoản cao, VN-Index tiếp tục tăng gần 15 điểm

Thứ Ba, 12/05/2020 - 05:55

Dòng tiền dồn dập đổ vào thị trường chứng khoán, các chỉ số thị trường tiếp tục bứt phá.

Sự hưng phấn của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán tiếp tục diễn ra giúp các chỉ số không ngừng đi lên. Sau diễn biến có phần rung lắc nhẹ đầu phiên, thị trường tiếp tục nhận được dòng tiền tốt và đi lên không ngừng.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 14,6 điểm (1,79%) lên 828,33 điểm. Toàn sàn có 246 mã tăng, 119 mã giảm và 55 mã đứng giá. HNX-Index tăng 1,55 điểm (1,41%) lên 11,57 điểm. Toàn sàn có 91 mã tăng, 49 mã giảm và 68 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,58 điểm (1,1%) lên 53,49 điểm.

Tương tự như các phiên trước, khá nhiều nhóm ngành trên thị trường đều diễn biến tích cực. Ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đều tăng giá rất mạnh và góp phần củng cố vững sắc xanh của các chỉ số. Trong đó, TCB và PVD đều được kéo lên mức giá trần. VPB tiếp tục tăng 5,7% lên 24.100 đồng/cp. Bên cạnh PVD, các cổ phiếu dầu khí tăng rất mạnh trong phiên ngày 11/5. 

PVC tăng 6%, GAS tăng 4,9%, PVS tăng 5%. Trên phương tiện truyền thông mới đây xuất hiện thông tin mặc dù gặp khó khăn kép do dịch Covid-19 và giá dầu giảm sâu nhưng 4 tháng qua, sản lượng khai thác quy dầu đạt 7,2 triệu tấn, vượt 7,7% kế hoạch 4 tháng. Cùng với chỉ tiêu khai thác dầu khí, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng hoàn thành vượt nhiều chỉ tiêu sản xuất kinh doanh khác.

Bộ ba cổ phiếu lớn trong nhóm bất động sản là VIC, VHM và VRE chỉ có VHM bứt phá với mức tăng 3,7% lên 73.500 đồng/cp và khớp lệnh 2,8 triệu cổ phiếu, đây cũng là cổ phiếu đóng góp nhiều nhất cho VN-Index với 2,8 điểm. Trong khi đó, VRE tăng nhẹ 0,6% lên 25.450 đồng/cp, còn VIC đứng giá tham chiếu 97.500 đồng/cp. Một cổ phiếu lớn trong nhóm bất động sản khác là NVL cũng tăng nhẹ 0,2% lên 54.000 đồng/cp.

Các cổ phiếu có ảnh hưởng lớn nhất lên VN-Index phiên 11/5. Nguồn: VDSC.

Tại nhóm cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ, các cổ phiếu như PPI, PFL, HU6 hay HD8 đều được kéo lên mức giá trần. KHA tăng đến 10,5%, DTH tiếp tục tăng 6,5%, LDG tăng 5,1%, DXG tăng 4,3%, CIG tăng 4,2%, NVT tăng 3,8%.

Tuy nhiên, tương tự phiên trước, một số cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ tiếp tục đi ngược thị trường khi giảm rất sâu, trong đó, CLG và DTA giảm sàn. VPH giảm 6,2%, NBB giảm 2,9%, SJS giảm 2,6%.

Thanh khoản thị trường chứng khoán phiên đầu tuần ở mức cao, dòng tiền dồn dập chảy vào thị trường thời gian qua khiến nhiều giới đầu tư bất ngờ. Tổng khối lượng giao dịch phiên 11/5 đạt 430 triệu cổ phiếu, trị giá 7.043 tỷ đồng. Số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho thấy, nhà đầu tư trong nước đã mở mới 36.721 tài khoản chứng khoán trong tháng 4/2020, tăng gần 5.000 tài khoản so với tháng trước. 

Trong đó, nhà đầu tư cá nhân mở mới 36.652 tài khoản và nhà đầu tư tổ chức mở mới 69 tài khoản. Số tài khoản nhà đầu tư trong nước mở mới trong tháng 4 vừa qua chỉ xếp sau con số kỷ lục 40.651 tài khoản được thiết lập vào tháng 3/2018 khi VN-Index đạt đỉnh lịch sử 1.200 điểm.

Khối ngoại quay trở lại bán ròng gần 480 tỷ đồng, trong đó, họ bán ròng hơn 428 tỷ đồng ở sàn HoSE. Tuy nhiên, nhìn vào sâu bản chất giao dịch của khối ngoại phiên hôm nay có thể thấy được họ bán ròng đến hơn 624 tỷ đồng thông qua phương thức thỏa thuận như vậy, nếu lọa trừ đi giao dịch này và chỉ tính khớp lệnh thì khối ngoại sàn HoSE vẫn mua ròng đến gần 200 tỷ đồng. 

Trong đó, cả 4 cổ phiếu dẫn đầu danh sách bán ròng của khối ngoại phiên hôm nay là PC1, SVC, VCI và KDH đều được họ thực hiện thông qua phương thức thỏa thuận. PC1 bị bán ròng lên đến gần 415 tỷ đồng. SVC và VCI bị bán ròng lần lượt 86 tỷ đồng và 79 tỷ đồng, còn KDH bị bán ròng 43 tỷ đồng. VIC cũng là cổ phiếu bất động sản bị khối ngoại bán ròng mạnh với 41 tỷ đồng.

Trong khi đó, VHM, NLG và VRE là các cổ phiếu bất động sản được khối ngoại mua ròng mạnh, trong đó VHM được mua ròng 64 tỷ đồng. NLG và VRE được mua ròng lần lượt 6 tỷ đồngv à 4,4 tỷ đồng.

Theo Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 kỳ hạn tháng 5 tăng mạnh hơn so với chỉ số cơ sở VN30, qua đó thu hẹp mức basis âm xuống còn 14,93 điểm, cho thấy tâm lý nhà đầu tư trên thị trường phái sinh vẫn nghiêng về khả năng điều chỉnh. Dự báo, trong phiên giao dịch tiếp theo 12/5, VN-Index có thể sẽ rung lắc khi tiến đến ngưỡng kháng cự gần nhất quanh 840 điểm (fibonacci retracement 50%). 

Nhà đầu tư nếu đang có tỷ trọng cổ phiếu cao nên tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường và có thể tận dụng những nhịp tăng lên gần ngưỡng kháng cự quanh 840 điểm để giảm tỷ trọng cổ phiếu. Đối với những nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền mặt lớn nên tạm thời đứng ngoài và chỉ nên tham gia trở lại nếu thị trường có nhịp chỉnh về quanh vùng hỗ trợ trong khoảng 790-800 điểm (fibonacci retracement 38,2%).

Trên thị trường chứng khoán châu Á, Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 1% trong khi Kospi của Hàn Quốc giảm 0,5%. Tại Trung Quốc, cổ phiếu đảo chiều và giảm nhẹ về cuối phiên. Shanghai Composite và Shenzhen Composite lần lượt giảm 0,02% và 0,2%. Hang Seng của Hong Kong duy trì đà tăng với mức tăng 1,5%. ASX 200 của Australia và NZX 50 của New Zealand lần lượt tăng 1,3% và 0,6%. Straits Times của Singapore tăng 0,4%, SET 50 của Thái Lan tăng 1,9%, Jakarta Composite của Indonesia tăng 0,9% và KLCI của Malaysia tăng 0,4%.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top