Aa

Thành lập Ban soạn thảo, nhóm chuyên gia sửa đổi Luật Đất đai 2013

Thứ Tư, 21/08/2019 - 15:11

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành Quyết định thành lập Ban soạn thảo, tổ biên tập, nhóm chuyên gia và Kế hoạch xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà là Trưởng Ban soạn thảo, đồng thời là Tổ trưởng và thường trực Tổ biên tập. 

Ban soạn thảo còn có hơn 30 thành viên khác đến từ các Bộ, ngành, cơ quan liên quan như Bộ Nội vụ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Quốc phòng, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Toà án nhân dân tối cao, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an, Giám đốc Sở Tài nguyên các tỉnh thành phố.

Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành từ 1/7/2014 nhưng đã bộc lộ nhiều lỗ hổng

Theo Quyết định, trách nhiệm của nhóm chuyên gia là nghiên cứu, tư vấn cho ban soạn thảo, tổ biên tập và tham gia góp ý trong quá trình soạn thảo, chỉnh lý và hoàn thiện dự án.

Ban soạn thảo, tổ biên tập có trách nhiệm phối hợp đơn vị được giao chủ trì soạn thảo và các đơn vị có liên quan để hoàn thành việc soạn thảo dự án luật, bảo đảm chất lượng, tiến độ và các thủ tục do pháp luật quy định để trình Chính phủ và Quốc hội.

Để xây dựng, trình dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, kế hoạch đã được ban hành nêu rõ những nội dung công việc cụ thể như sau: Tham vấn quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; Tham vấn kinh tế đất, giá đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Tham vấn quy định chung, đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận, chế độ sử dụng đất, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; giám sát, thanh tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm liên quan đến đất đai…

Ngoài ra, kinh phí chi cho nhiệm vụ soạn thảo dự án Luật do ngân sách nhà nước cấp và các nguồn hỗ trợ khác theo quy định của pháp luật. Ban soạn thảo, Tổ biên tập, Nhóm chuyên gia sẽ tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Dự án Luật Đất đai thuộc Chương trình xây dựng luật năm 2019 của Quốc hội, dự kiến sẽ được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019), thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019). Tuy nhiên, trong tờ trình gửi lên Quốc hội trước kỳ họp tháng 5, Chính phủ đã đề nghị rút dự án luật này ra khỏi Chương trình năm 2019.

Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành từ 1/7/2014, tính đến nay chưa được 5 năm nhưng Chính phủ thấy rằng cần thiết phải sửa đổi. Do đó, từ cuối năm 2017, đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu sửa đổi và đến tháng 6/2018, được Quốc hội đồng ý cho thực hiện vào năm 2019.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà từng cho biết, để tạo được động lực mới cho phát triển, việc sửa đổi Luật Đất đai sẽ xem xét đồng bộ nhiều vấn đề lớn nhằm giải quyết 3 mục tiêu cơ bản là quản lý chặt chẽ tài nguyên đất; nâng cao hiệu quả sử dụng, phát huy nguồn lực tài chính từ đất đai cho phát triển; giải quyết hiệu quả vấn đề khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai. Chính sách đất đai, một trong những yếu tố đầu vào quan trọng của hoạt động kinh tế - xã hội, cần phải tiếp tục được hoàn thiện, đổi mới để giải phóng các nguồn lực khác.

Nhưng khi càng bắt tay vào sửa thì càng thấy khó, vướng mắc và Chính phủ muốn xin lùi để cho việc sửa đổi thật "chín". Nguyên nhân bởi đây là lĩnh vực quá nhạy cảm và phức tạp, chỉ một chút thiếu thận trọng cũng để lại hậu quả khó lường như về nội dung liên quan đến đất cơ sở tôn giáo; người nước ngoài mua nhà ở gắn liền với đất ở; quy hoạch sử dụng đất, thu hồi đất, kinh tế đất, tích tụ tập trung đất đai; căn hộ khách sạn, căn hộ văn phòng, nhà ở khách sạn... Hay như vấn đề về giá đất, hiện vẫn là bài toán rất khó.

Trong thời gian qua, Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục nghiên cứu, phân tích, đánh giá toàn diện các quy định của Luật Đất đai hiện hành và định hướng sửa đổi luật. Thực tế, vào tháng 6/2018, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 36 về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI, trong đó cũng chưa đặt ra yêu cầu sửa đổi, bổ sung ngay Luật Đất đai mà giao Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo kịp thời việc sửa đổi, bổ sung các văn bản dưới luật và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai.

Luật Đất đai đã qua 5 lần sửa đổi, luật đầu tiên được ban hành cách đây đã hơn 3 thập kỷ, có hiệu lực từ ngày 8/1/1988 với sáu chương, 57 điều. Luật này sau đó được thay thế bởi Luật Đất đai 1993 ban hành ngày 14/7/1993 với bảy chương, 89 điều và có hiệu lực từ ngày 15/10/1993. Năm 2003, luật lại được sửa đổi, bổ sung với bảy chương, 146 điều. Lần sửa đổi tiếp theo vào năm 2013, có hiệu lực từ ngày 1/7/2014 và đến nay lại đòi hỏi cần tiếp tục sửa đổi.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top