Aa

Thanh tra Bộ Xây dựng kiến nghị xử lý vi phạm hơn 6.646 tỷ đồng

Thứ Năm, 18/01/2018 - 06:01

Theo Bộ Xây dựng, năm vừa qua, công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng được tăng cường. Qua thanh tra đã phát hiện một số vi phạm và kiến nghị xử lý về kinh tế số tiền 6.646 tỷ đồng.

Trong năm 2017, Thanh tra Bộ Xây dựng đã thực hiện hoàn thành theo kế hoạch 81 đoàn thanh tra, tổ chức 04 đoàn thanh tra đột xuất và giải quyết khiếu nại tại 02 đơn vị. Đến nay, đã ban hành 136 kết luận thanh tra; 33 quyết định thu hồi tiền; qua thanh tra đã phát hiện một số vi phạm và kiến nghị xử lý về kinh tế số tiền 6.646 tỷ đồng.

Cũng trong năm 2017, Bộ Xây dựng đã tiếp 736 người/325 lượt, tiếp nhận 428 lượt đơn thư; ban hành 182 quyết định giải quyết; giải tỏa nhanh, đúng thẩm quyền và hướng dẫn đến đúng nơi có thẩm quyền đối với 26 đoàn khiếu nại đông người. Tổ chức tập huấn, tuyên truyền phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng tại 07 đơn vị trực thuộc Bộ; thực hiện nhiệm vụ kê khai tài sản tổng hợp kê khai tài sản, thu nhập của các đơn vị; thanh tra hành chính tại 02 đơn vị. 

Tổ chức kiểm tra 346 đợt đối với các công trình thuộc thẩm quyền quản lý; kiểm tra an toàn hồ đập 15 công trình; xây dựng các tài liệu kỹ thuật, quy trình bảo trì, quy trình kiểm định, tổ chức 3 đợt kiểm tra công trình dạng tháp; kiểm tra các công trình phục vụ Tuần lễ cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng và tình hình quản lý, chất lượng công trình tại một số địa phương; kịp thời tổ chức kiểm tra, tham gia giải quyết một số sự cố công trình.

Hội đồng nghiệm thu nhà nước đã tổ chức nghiệm thu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với 51 công trình; kiểm tra 120 đợt theo định kỳ; nghiệm thu 19 công trình, gói thầu đưa vào sử dụng; nhìn chung chất lượng các công trình trọng điểm được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo yêu cầu thiết kế, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, vận hành an toàn và phát huy hiệu quả.  

Qua thanh tra đã phát hiện một số vi phạm và kiến nghị xử lý về kinh tế số tiền 6.646 tỷ đồng (ảnh minh họa)   

Cũng theo Bộ Xây dựng, năm vừa qua, công tác thanh tra xây dựng đã được tăng cường. Cả nước đã thực hiện thanh tra, kiểm tra 28.632 lượt công trình. Số công trình vi phạm giảm 13,2%; công trình sai phép giảm 5,1%; công trình không phép giảm 1,85% so với năm 2016. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã hoàn thành 02 cuộc kiểm tra toàn quốc về quy hoạch và hoạt động xây dựng đô thị và một số dự án bất động sản lớn, sử dụng nhiều đất và đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Các thông tin năng lực của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng từng bước được thực hiện minh bạch, công khai trên trang thông tin điện tử của cơ quan có thẩm quyền.

Năm 2017, Bộ Xây dựng và 18/63 Sở Xây dựng đã tổ chức xét, cấp chứng chỉ năng lực cho 3.225 tổ chức (trong đó 1.634 hạng I, 637 hạng II và 954 hạng III), cấp chứng chỉ hành nghề cho 7.644 cá nhân hoạt động xây dựng (trong đó 5.755 hạng I, 703 hạng II và 1.186 hạng III), cấp 115 giấy phép cho nhà thầu nước ngoài hoạt động xây dựng tại Việt Nam (trong đó Bộ Xây dựng cấp 105 giấy phép, Sở Xây dựng cấp 10 giấy phép).

Tiếp tục rà soát, xây dựng cơ sở dữ liệu về giá xây dựng, thực hiện công bố chỉ số giá xây dựng trên phạm vi cả nước. Đến nay đã có 57/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện công bố chỉ số giá xây dựng.

Đặc biệt, Bộ Xây dựng đã trình và được Chính phủ ban hành Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản ý sử dụng nhà ở và công sở.

Theo phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch năm 2018, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục hoàn thành Kế hoạch thanh tra năm; tăng cường thanh tra, kiểm tra chuyên ngành tại các địa phương; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đặc biệt là các hành vi tham nhũng, các vi phạm gây thất thoát, lãng phí, các vi phạm về chất lượng công trình và trật tự xây dựng tại khu vực đô thị.

Bên cạnh đó, Bộ cũng tập trung giải quyết khiếu nại, tố cáo, hạn chế tối đa tồn đọng, kéo dài, nhất là khiếu nại trong lĩnh vực nhà, đất. Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách liên quan đến phòng, chống tham nhũng. 

Trình Chính phủ ban hành Nghị định số 42/2017/NĐ-CP ngày 05/4/2017 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 về quản lý dự án đầu tư xây dựng và Nghị định số 53/2017/NĐ-CP ngày 08/5/2017 quy định các loại giấy tờ hợp pháp về đất đai để cấp giấy phép xây dựng, trong đó có nhiều nội dung đổi mới theo hướng tăng cường phân cấp, ủy quyền hợp lý trong quản lý các hoạt động xây dựng, nhất là đối với 02 thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM; phân định rõ trách nhiệm, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và năng lực thực hiện của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, cơ quan chuyên môn về xây dựng, người quyết định đầu tư , đồng thời cắt giảm các quy định, thủ tục hành chính không còn phù hợp.

Quy trình, thủ tục, thời gian thực hiện cấp phép xây dựng được đơn giản và rút ngắn. Chỉ số cấp phép xây dựng (theo Báo cáo về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới) được xếp hạng thứ 20/190 quốc gia, tăng 4 bậc so với năm 2016 và là chỉ số có thứ hạng cao nhất trong 10 chỉ số được xếp hạng của Việt Nam./. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top