Aa

Thấy gì từ báo cáo tài chính quý III/2019 của các ngân hàng?

Thứ Tư, 30/10/2019 - 06:00

Giảm chi phí dự phòng rủi ro, tăng trưởng tín dụng cao... là những nguyên nhân khiến lợi nhuận quý III/2019 của nhiều ngân hàng tăng đột biến.

Giảm chi phí dự phòng rủi ro khiến lợi nhuận tăng

Theo quan sát, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh (trước trích lập dự phòng) của nhiều ngân hàng trong 9 tháng đầu năm 2019 chỉ tăng rất ít, thậm chí còn là tăng trưởng âm. Tuy nhiên, nhờ giảm trích lập dự phòng rủi ro mà lợi nhuận trước thuế của đa phần ngân hàng trong hệ thống tăng mạnh. 

Chẳng hạn, 9 tháng đầu năm, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Ngân hàng Á Châu - ACB thực tế tăng 5,3% so với đầu năm. Tuy nhiên, nhờ cắt giảm mạnh chi phí dự phòng, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế của ACB được kéo lên 16,4%, đạt 5.561 tỷ đồng.

ACB là ngân hàng điển hình có lợi nhuận 9 tháng bất tăng nhờ giảm trích lập dự phòng rủi ro

Hay như, Ngân hàng Xăng dầu Petrolimex - PGBank, tổng thu nhập hoạt động 9 tháng của ngân hàng sụt giảm 2% so với cùng kỳ, chỉ đạt 789 tỷ đồng. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng trưởng âm 5,2% chỉ đạt 381 tỷ đồng.

Tuy nhiên, chi phí dự phòng 9 tháng đầu năm 2019 của ngân hàng này giảm 26,5% xuống còn 216 tỷ đồng. Sau khi trừ đi dự phòng, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế của ngân hàng gấp rưỡi so với cùng kỳ, đạt 164 tỷ đồng.

Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Ngân hàng Sài Gòn Công Thương - Saigonbank 9 tháng đầu năm của giảm 1,4% xuống 276 tỷ đồng. Song chi phí dự phòng còn giảm tới 65% xuống còn 55 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận trước thuế của Saigonbank 9 tháng đạt 221 tỷ, tăng 81% so với cùng kỳ.

Theo các chuyên gia, việc giảm trích lập cũng có thể là do tình hình nợ xấu của ngân hàng đó diễn biến thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, việc lợi nhuận các ngân hàng tăng mạnh sau cắt giảm trích lập dự phòng phản ánh rằng hoạt động kinh doanh nhiều ngân hàng không khả quan nhiều như kết quả lợi nhuận chỉ ra.

Tăng trưởng tín dụng mạnh cũng tác động đến lợi nhuận

Theo báo cáo mới đây của các ngân hàng, mức tăng trưởng cho vay khách hàng của phần lớn các nhà băng đã ở mức hơn 10%, một số đã ở mức trên dưới 20%.

Chẳng hạn, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam - VIB trong 9 tháng đầu năm nay cũng ghi nhận cho vay khách hàng tăng 28% với dư nợ vượt 123.200 tỷ đồng. Tại thời điểm 30/9, dư nợ cho vay của Ngân hàng TMCP Phương Đông - OCB đạt gần 68 nghìn tỷ đồng, tăng 21% so với đầu năm.

Dễ nhận thấy, các ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng mạnh 9 tháng qua đa phần nằm trong danh sách  đã đáp ứng được chuẩn Basel II sớm.

Tín dụng hiện vẫn chiếm khoảng 3/4 trong tổng doanh thu thuần của các ngân hàng. Do đó, các ngân hàng có tăng trưởng tín dụng cao cũng ghi nhận thu nhập lãi thuần tăng mạnh, nhờ vậy lợi nhuận chung 9 tháng vừa qua đều cao hơn nhiều so với cùng kỳ 2018

Kinh doanh ngoại hối sa sút

Từ giữa tháng 4/2019, tỷ giá USD/VND có xu hướng tăng và cao điểm đột biến vào ngày 20/5. Giá USD các ngân hàng bán ra lên tới 23.470 - 23.495 đồng, tăng tới gần 200 đồng so với vùng giá 23.300 đồng được duy trì khá ổn định trước đó.

Việc biến động tỷ giá trong những quý trước chủ yếu do tác động những thông tin về đàm phán thương mại Mỹ - Trung làm gia tăng quan ngại về khả năng xung đột thương mại quốc tế diễn biến tiêu cực và leo thang.

Tỷ giá lên cao một phần đến từ việc các ngân hàng mua lại ngoại tệ để cân bằng trạng thái do trước đó đã bán cho Ngân hàng Nhà nước với kỳ vọng sẽ mua được USD giá rẻ hơn từ nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

Nhờ các biện pháp điều hành linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá trong nước đã bắt đầu ổn định trở lại. Trong nửa cuối quý III/2019, tỷ giá USD/VND liên tiếp giảm nhanh và mạnh về vùng gần như không thay đổi so với cuối năm 2018.

Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2019 của nhiều ngân hàng khá khả quan, trong đó đa phần các mảng kinh doanh có tăng trưởng tốt. Duy có một mảng mà nhiều ngân hàng bị giảm đi đó là hoạt động kinh doanh ngoại hối.

Chẳng hạn, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) vừa công bố BCTC hợp nhất quý III/2019. Đáng chú ý, lợi nhuận trước thuế quý III của ngân hàng tăng đột biến, đạt 497 tỷ đồng, cao gấp 23 lần mức đạt được cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 400 tỷ đồng, gấp 54 lần cùng kỳ.

Trong đó, thu nhập lãi thuần quý III của MSB tăng tới 58% đạt 864 tỷ đồng. Bên cạnh đó, lãi từ hoạt động dịch vụ cũng tăng vọt 110% đạt 162 tỷ; lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư đạt 147 tỷ, tăng 72%; lãi từ hoạt động khác tăng gần 5 lần lên 463 tỷ. Chỉ có hoạt động ngoại hối và mua bán chứng khoán kinh doanh kém khả quan hơn.

NCB có giảm lỗ kinh doanh ngoại hối so với cùng kỳ nhưng vẫn chưa có lãi ở mảng này

Ngân hàng Quốc Dân - NCB, 9 tháng đầu năm, lỗ mảng kinh doanh ngoại hối hơn 5 tỷ đồng, giảm 2/3 so với mức lỗ gần 16 tỷ đồng cùng kỳ. Tại nhiều ngân hàng khác, mặc dù họat động kinh doanh ngoại hối vẫn ghi nhận lợi nhuận, nhưng lại sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Nợ xấu đảo chiều ở một số ngân hàng

Báo cáo tài chính quý III/2019 cho thấy, nhiều ngân hàng vẫn có tỷ lệ nợ xấu ở mức trên 3% như PGBank (3,07%). Đáng chú ý, trong 9 tháng năm 2019, tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng TMCP Đầu tư Phát triển Việt Nam - BIDV đã vượt mức trên 2%. Trong đó, nợ nhóm 5 có khả năng mất vốn tăng tới 70% lên 12.194 tỷ đồng.

Tại Ngân hàng Kiên Long - Kienlongbank, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng tăng từ 0,94% lên 1,07%. Nợ xấu tại OCB cũng tăng 38% lên mức gần 1,779 tỷ đồng. Trong khi, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng của ACB giảm từ 0,73% xuống còn 0,67%.

Nguồn tiền giảm tại một số ngân hàng

Quy định của Bộ Tài chính ban hành vào cuối tháng 8/2019, thời điểm có hiệu lực từ 1/11/2019, các ngân hàng có lộ trình 2 tháng để chuẩn bị cho việc kết chuyển nguồn tiền gửi thanh toán không kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước về tài khoản tổng đặt tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước. 4 ngân hàng thương mại Nhà nước là nhóm thường xuyên và chủ yếu có nguồn tiền gửi lớn của Kho bạc Nhà nước từ trước đến nay.

Trên báo cáo tài chính của BIDV, tiền gửi của Kho bạc Nhà nước chỉ giảm nhẹ từ 69.896 tỷ đồng cuối năm 2018 xuống còn 67.892 tỷ đồng tại 30/9/2019, giảm mạnh ở tiền gửi thanh toán từ 18.896 tỷ đồng cuối 2018 xuống chỉ còn 4.642 tỷ đồng. Nguồn tiền gửi của Bộ Tài chính cũng giảm từ hơn 24.163 tỷ đồng cuối 2018 xuống còn hơn 15.662 tỷ đồng. Tuy nhiên, báo cáo tài chính các ngân hàng trên ghi nhận rõ sự gia tăng nguồn tiền gửi có kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước đã tăng từ 51.000 tỷ cuối 2018 lên 63.250 tỷ đồng vào 30/9/2019.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top