Aa

Thị trường bất động sản đang bước vào giai đoạn sàng lọc

Nguyên Hà
Nguyên Hà lienlien.media@gmail.com
Thứ Ba, 07/01/2020 - 13:30

Theo TS. Cấn Văn Lực, dù thị trường bất động sản năm 2019 đang gặp nhiều khó khăn và có sự trầm lắng nhất định nhưng không đến mức phải bi quan bởi đây là giai đoạn sàng lọc của thị trường.

Nhận định này được nêu ra tại phiên thảo luận “Những giải pháp làm đòn bẩy cho thị trường tài chính và bất động sản 2020” trong khuôn khổ Diễn đàn Đầu tư và Phát triển Kinh doanh 2020: “Cơ hội tăng tốc & bứt phá” diễn ra mới đây tại TP.HCM.

Không nên quá bi quan

Chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực cho biết, thị trường bất động sản ở cả hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM trong năm vừa qua đều gặp khó khăn.

Nguồn cung năm 2019 tại TP.HCM giảm 52% trong khi nguồn cung thị trường Hà Nội cũng giảm 26%, do đó giá bất động sản đã bị đẩy lên cao trong bối cảnh thị trường giao dịch trầm lặng hơn năm trước.

Cụ thể, theo ông Lực, giá bất động sản ở TP.HCM đã tăng 12%, giá ở Hà Nội tăng 6% trong năm qua, tùy từng phân khúc, địa bàn. Tuy nhiên, vị chuyên gia này nhìn nhận, ở một số tỉnh khác như Quảng Ninh, Bình Thuận trong năm qua, bất động sản lại tăng trưởng rất tốt, nhà đầu tư tập trung nhiều vào các tỉnh này.

TS. Cấn Văn Lực phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Bizlive.

"Theo đó, tôi cho rằng thị trường bất động sản vẫn đang trong quá trình cơ bản sàng lọc chứ không đến mức độ bi quan. Một trong những nguyên nhân chính là do thể chế, chính sách không theo kịp sự phát triển của bất động sản, như vấn đề condotel chẳng hạn. Trong thời gian qua, chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị phải có chính sách pháp lý phù hợp cho phân khúc này. Thứ hai liên quan đến rà soát, thanh tra kiểm tra", ông Lực nói.

Cũng theo ông Lực, trong năm qua, doanh nghiệp bất động sản trên sàn làm ăn khá tốt, giá cổ phiếu tăng trung bình khoảng 13% so với năm trước.

Về việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 22, ông Lực khẳng định thông tư này sẽ có ảnh hưởng tích cực hơn đối với thị trường bất động sản, vay mua nhà, sửa chữa nhà vẫn chỉ chịu hệ số rủi ro 50%, còn kinh doanh bất động sản thì hệ số rủi ro vẫn ở mức 200%. Bên cạnh đó, luật mới cho phép quỹ đầu tư bất động sản hoạt động, điều này sẽ giúp thu hút nhiều hơn vốn vào ngành này.

Mặt khác, ở góc độ kinh tế vĩ mô, các chuyên gia đánh giá, năm 2019 vẫn còn nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển. Đây cũng là nền tảng để bất động sản năm 2020 có thể kỳ vọng nhiều điểm sáng.

“Thứ nhất là dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh, vốn đăng ký mới đạt gần 17 tỷ USD, làm cho áp lực về vốn đối với nền kinh tế giảm đi. Khi dòng vốn ổn định thì lãi suất cũng ổn định hơn, điều này giúp nền tảng vĩ mô ổn định.

Điểm nổi bật nhất của năm 2019 là sự bứt phá của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong bối cảnh thương mại toàn cầu đi xuống, xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước vẫn tăng trưởng 8%. Các doanh nghiệp tư nhân đang xuất khẩu ra nước ngoài nhiều hơn, thậm chí có doanh nghiệp tư nhân đã xuất khẩu cả máy móc”, ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương nhận định.

Nói về kỳ vọng và động lực của năm 2020, ông Nguyễn Tú Anh cho rằng, năm 2019 động lực bị tắc nghẽn lớn nhất là đầu tư công nhưng năm 2020 các điểm nghẽn này sẽ được giải quyết, những thủ tục vướng mắc của 2019 đã gần như được loại bỏ nên năm 2020, nguồn vốn sẽ được giải ngân nhiều hơn, kích hoạt nguồn vốn tư nhân. 

Ảnh minh họa.

“Bức tranh sáng hay trầm là do người vẽ”

Dưới góc độ doanh nghiệp, khi nhận định về thị trường bất động sản trong năm 2019 và dự báo triển vọng năm 2020, bà Nguyễn Hương, Tổng Giám đốc CTCP Bất động sản Đại Phúc Land cho biết, trải qua 25 năm kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản, bà nghiệm ra rằng bất động sản là lĩnh vực “không dành cho người yếu tim” vì nhiều rủi ro.

Trong năm 2019 trong khi toàn cảnh bức tranh vĩ mô phần lớn màu sáng nhưng thị trường bất động sản vẫn gam màu xám do bất cập về cung cầu kéo theo thanh khoản kém.

Theo bà Hương các doanh nghiệp bất động sản nên chú ý đến hai nhu cầu: Thứ nhất, hiện nhu cầu nhà ở tại hai thành phố Hà Nội và TP.HCM vẫn lớn, thứ hai là nhu cầu về đầu tư. Doanh nghiệp bất động sản cần xác định sẽ hướng đến đối tượng nào. Ví dụ nếu nghiêng về nhu cầu đầu tư, khi bị các yếu tố bên ngoài tác động sẽ dễ gặp khó khăn. "Chúng tôi chọn cân bằng 50 - 50 để đảm bảo tính bền vững. Chúng tôi cũng định hướng kế hoạch 5 năm 10 năm, phân kỳ đầu tư và đầu tư hợp lý", bà Hương nói.

Bà Nguyễn Hương, Tổng Giám đốc CTCP Bất động sản Đại Phúc Land.

Cũng theo bà Hương, bức tranh 2020 là sáng hay trầm là do người vẽ, trong đó có trách nhiệm hành động của doanh nghiệp, tăng cường năng lực đầu tư, đầu tư cho nhân sự và bắt kịp xu hướng của người dân.

"Năm 2020 là năm chúng tôi mong muốn có một thông điệp đủ mạnh của Chính phủ và Nhà nước về ngắn hạn để doanh nghiệp bất động sản có thể vạch ra được một chiến lược ngắn hạn và dài hạn nhằm đầu tư đúng hướng, đặc biệt là chiến lược đầu tư dài hạn, không chỉ vì lợi ích trước mắt", bà Hương nói.

Nhận diện những thách thức đang khiến thị trường bất động sản sụt giảm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho hay:

"Từ góc độ của một hiệp hội, chúng tôi luôn thể hiện kiến nghị của mình để Chính phủ cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng minh bạch. Bản chất thị trường bất động sản không xấu nhưng gặp nhiều vấn đề về pháp luật, thực thi pháp luật và con người thực thi pháp luật.

Tại sao có những doanh nghiệp lớn vẫn tăng trưởng được, nhưng có những doanh nghiệp không thể tháo gỡ được khó khăn nên vấn đề của doanh nghiệp bất động sản cần là minh bạch về môi trường kinh doanh. Có như vậy, thị trường bất động sản mới phát triển được", ông Châu nói.

Bên cạnh đó, theo ông Châu, cũng cần minh bạch thị trường trái phiếu để đây trở thành bệ đỡ cho doanh nghiệp bất động sản phát triển.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top