Aa

Thị trường bất động sản: Khan hàng thật hay ảo?

Chủ Nhật, 07/07/2019 - 21:30

Thị trường bất động sản đang phải đối mặt với tình trạng nguồn cung bị sụt giảm nghiêm trọng. Nhiều quan ngại cho rằng, số liệu sụt giảm sẽ đẩy thị trường vào tình trạng khan hàng.

Sụt giảm nguồn cung bất động sản

Báo cáo Tổng quan thị trường bất động sản quý II của JLL cho biết, nguồn cung căn hộ mới ở thị trường Hà Nội và TP.HCM thấp nhất khi thị trường hồi phục từ năm 2014 đến nay.

Cụ thể, tại TP.HCM, lượng mở bán chính thức trong quý II đạt hơn 4.100 căn. Trong khi đó, tại Hà Nội, sau thời kỳ tăng trưởng mạnh, nguồn cung đến từ các dự án mở bán có xu hướng chậm lại, lượng mở bán trong quý II đạt 5.900 căn, chỉ gần bằng một nửa nguồn cung quý trước, chủ yếu đến từ các giai đoạn tiếp theo của các dự án hiện hữu. Đây cũng là mức thấp nhất kể từ khi thị trường hồi phục vào năm 2014. 

Báo cáo mới đây nhất của HoREA (Hiệp hội Bất động sản TP.HCM) cũng cho biết, bức tranh thị trường tại TP.HCM đang phải đối mặt với tình trạng ảm đạm về nguồn cung lẫn thanh khoản trong nửa đầu năm 2019.

(Ảnh minh họa)

Ảnh minh họa

Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2019, chỉ có 3 dự án nhà ở thương mại mới được Sở Xây dựng đề xuất UBND TP công nhận chủ đầu tư. Sở Xây dựng cũng đã đề xuất UBND TP chấp thuận đầu tư 10 dự án nhà ở thương mại, giảm 46 dự án (giảm 82,2%) so với cùng kỳ năm 2018.

Trong 6 tháng qua, chỉ có 24 dự án đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai, với tổng số 7.313 căn hộ, giảm 10 dự án (giảm 29,4%), giảm 2.336 căn (giảm 24,2%) so với cùng kỳ năm 2018.

Lý giải về tình trạng nguồn cung sụt giảm mạnh, JLL cho rằng, tại TP.HCM, thủ tục phê duyệt các dự án kéo dài là nguyên nhân chính khiến bức tranh thị trường có sự ảm đạm.

Ngoài ra, việc các chính sách nghiêm ngặt đã điều chỉnh nguồn cung theo hướng bền vững hơn. Nhiều dự án buộc phải hoàn thành các nghĩa vụ pháp lý liên quan và giấy phép xây dựng trước khi tiến hành mở bán.

Việc siết chặt tín dụng bất động sản cao cấp cùng quỹ đất eo hẹp khu vực trung tâm Hà Nội là lý do khiến thị trường tại nơi đây có sự sụt giảm về nguồn cung.

Bất động sản có đang khan hàng?

Tình trạng nguồn cung sụt giảm nghiêm trọng khiến giới quan sát đang e ngại về tình trạng khan hàng có thể đang xảy ra. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, dù nguồn cung sụt giảm song tình trạng khan hàng chỉ là ảo bởi vốn đổ vào lĩnh vực bất động sản vẫn ồ ạt và tồn kho đang cao.

Theo ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, trong quý I/2019 Việt Nam đã thu hút 1,1 tỷ USD vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản, trong đó chủ yếu là bất động sản công nghiệp.

Số liệu của Cục Thống kê TP.HCM công bố mới đây cho thấy trong nửa đầu năm 2019, địa phương này có 572 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được cấp giấy chứng nhận đầu tư trên địa bàn với tổng vốn đăng ký đạt 528 triệu USD. Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản đứng đầu về vốn đăng ký với 26 dự án, vốn đạt 225,9 triệu USD, chiếm 42,7% tổng vốn dự án được cấp phép mới.

(Số liệu JLL)

Số liệu JLL

Lý giải các ý kiến băn khoăn về việc vì sao vốn ngoại đổ vào TP.HCM lớn song tình trạng sụt giảm nguồn cung vẫn mạnh, lãnh đạo Cục Thống kê TP.HCM cho rằng bất động sản là lĩnh vực đặc thù, từ khi đăng ký cấp phép, được cấp giấy chứng nhận đầu tư để triển khai dự án cần nhiều thời gian, thậm chí vài năm… Do đó, việc vốn ngoại đổ mạnh vào bất động sản TP.HCM cần độ trễ để triển khai thành dự án và không có mâu thuẫn với tình hình thực tế quy mô, nguồn cung sụt giảm trên thị trường này.

Chưa kể, thống kê của Bộ Xây dựng mới đây nhất cũng cho biết, lượng tồn kho bất động sản đang còn khoảng 20.000 tỷ đồng. Còn theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, con số tồn kho bất động sản sẽ còn cao hơn gấp rất nhiều lần với số liệu từ Bộ Xây dựng đưa ra.

HoREA cũng cho rằng, thống kê trong năm 2018 từ 65 doanh nghiệp niêm yết cho thấy, giá trị tồn kho đã lên đến 201.921 tỷ đồng, gấp gần 9 lần so với số liệu từ Bộ Xây dựng đưa ra.

Báo cáo từ JLL mới đây cũng cho biết, tỷ lệ giao dịch thành công trên thị trường bất động sản cũng có sự sụt giảm mạnh. Thống kê này cho thấy, tỷ lệ hấp thụ trên thị trường đang có xu hướng giảm, lực mua không lớn.

Có thể thấy, dù thị trường đang phải đối mặt với tình trạng nguồn cung sụt giảm song với lượng tồn kho lớn, vốn đổ vào lĩnh vực bất động sản cao cũng như lực cầu giảm thì tình trạng khan hàng là điều khó xảy ra./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top