Aa

Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng chờ ngày phục hồi

Thứ Năm, 27/07/2023 - 13:21

Giới chuyên gia cho rằng, các quy định mới của Chính phủ, sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch đang là những tín hiệu tích cực, được kỳ vọng sẽ giúp thị trường bất động sản nghỉ dưỡng phục hồi.

Thị trường còn nhiều khó khăn

6 tháng đầu năm 2023, thị trường bất động sản tiếp tục gặp nhiều khó khăn liên quan đến các vấn đề về nguồn vốn tín dụng còn đang bị kiểm soát, lãi suất vẫn duy ở mức cao, kênh huy động vốn đầu tư từ trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa khơi thông trở lại.

Theo báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, trong quý 2/2023, cả nước có 17 dự án du lịch, nghỉ dưỡng được chào bán, cung cấp ra thị trường 455 sản phẩm. Nguồn cung tiếp tục xu hướng giảm mạnh hơn 90% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều dự án nghỉ dưỡng đang triển khai bị gián đoạn do chủ đầu tư thiếu dòng tiền. Hàng loạt dự án cao cấp đóng giỏ hàng, liên tục dời thời gian mở bán.

Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đã đóng băng hơn một năm qua. Ảnh: Báo Lao Động

Sức cầu thị trường tăng nhẹ nhưng không đáng kể, tỷ lệ hấp thụ chỉ xấp xỉ 24% lượng cung mở bán. Lượng giao dịch chủ yếu đến từ các sản phẩm nghỉ dưỡng có pháp lý đầy đủ, được vận hành bởi các thương hiệu quốc tế hoặc có giá trung bình, khoảng dưới 40 triệu/m2.

Các sản phẩm nghỉ dưỡng cao cấp (giá trên 10 tỷ đồng) gần như không ghi nhận giao dịch, phải cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm “cắt lỗ” của các nhà đầu tư trước đó. Các chủ đầu tư vẫn tiếp tục áp dụng những chính sách cam kết, chia sẻ lợi nhuận, hỗ trợ lãi suất,... nhằm kích cầu thị trường.

Về mức giá bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng đang có xu hướng đi ngang trong cả 6 tháng đầu năm 2023. Các sản phẩm khu vực miền Nam ghi nhận mức giá bán cao nhất, đạt gần 200 triệu đồng/m2. Khu vực miền Bắc và miền Trung có mức giá ngang nhau, đạt khoảng 80 triệu đồng/m2.

Bà Nguyễn Tố Uyên – Trưởng bộ phận Tư vấn Savills Hotels cho biết, từ quý 4/2022 đến nay thị trường trầm lắng hơn so với các giai đoạn trước đó. Tính thanh khoản thị trường hiện nay kém hơn so với trước dịch. Các dự án sơ cấp lẫn dự án mới đều có tình hình bán chậm dù chủ đầu tư vẫn đưa ra các chính sách ưu đãi. Nhiều dự án trì hoãn việc bán hàng so với kế hoạch hoặc chỉ nhận booking để thăm dò thị trường.

Vị chuyên gia này cho biết, sự ảm đạm này của thị trường một phần do các yêu cầu kiểm soát tín dụng chặt chẽ hơn đối với một số lĩnh vực. Việc khó tiếp cận nguồn vốn khiến các hoạt động phát triển dự án cũng như mở bán đều bị tạm hoãn, chờ đợi thị trường khởi sắc hơn.

Bên cạnh đó các tác động về kinh tế toàn cầu như lạm phát, lãi suất gia tăng, biến động thị trường cũng như các vướng mắc về khung pháp lý và chất lượng quản lý của dự án cũng là các yếu tố khiến ngành bất động sản nghỉ dưỡng đối mặt với nhiều khó khăn

Chờ đợi tín hiệu phục hồi

Trong thời gian vừa qua, việc Chính phủ tung ra các giải pháp tháo gỡ nút thắt pháp lý đang hứa hẹn tạo động lực lớn cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng phục hồi.

Cụ thể mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 10 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2013. Nghị định đề cập đến việc mở rộng cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu (sổ hồng) cho nhiều loại hình bất động sản mới đang hiện diện trên thị trường. Bên cạnh đó, Chính phủ còn đang triển khai nhiều biện pháp kích thích kinh tế, như giảm lãi suất tiết kiệm ngân hàng để khuyến khích đầu tư vào bất động sản.

Nghị định số 10 của Chính phủ được kỳ vọng sẽ giúp thị trường bất động sản nghỉ dưỡng phát triển trở lại. Ảnh: VnExpress

Đây được xem là những tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản, đặc biệt là phân khúc bất động du lịch nghỉ dưỡng đã đóng băng hơn một năm qua. Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, Nghị định số 10/NĐ-CP đang được nhiều chủ đầu tư và nhà đầu tư chờ đợi tạo ra một bước đột phá trong việc đồng bộ hệ thống pháp luật. Với chính sách mới này, các dự án dang dở tại trung tâm du lịch nghỉ dưỡng lớn như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc,... sẽ được hưởng lợi, gỡ vướng về pháp lý.

Ông Đính cho rằng, trong thời gian tới, nếu Nghị định số 10 thực sự phát huy tác dụng, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng sẽ sớm có tín hiệu đảo chiều. Theo đó, giao dịch trên thị trường sẽ nhộn nhịp, giá bán sẽ bắt đầu tăng trở lại.

Bên cạnh đó, sự tăng trưởng của ngành du lịch cũng là một tín hiệu tích cực, kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự phục hồi và phát triển của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng. Cụ thể, trong ba tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã đón 2,7 triệu lượt khách quốc tế, thấp hơn 40% so với cùng kỳ năm 2019. Hai thị trường khách quốc tế lớn hiện nay là du khách Hàn Quốc với 811.000 lượt và Mỹ 207.000 lượt. Bên cạnh đó, ngành du lịch đón tiếp 27,7 triệu lượt khách nội địa, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo bà Uyên, trước khi đại dịch xảy ra, ngành du lịch Việt Nam đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng ấn tượng, trong đó lượt khách quốc tế đến Việt Nam tăng trung bình 16.9%/năm trong giai đoạn 2009-2019. Tốc độ tăng trưởng lượt khách là một trong những động lực thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng để đáp ứng nhu cầu lưu trú ngày càng đa dạng của nhiều đối tượng khách hàng.

“Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng dù khó khăn nhưng đang có nhiều cơ hội để phát triển. Nhìn chung, chúng tôi vẫn lạc quan về tiềm năng thị trường cũng như mong đợi một năm nhiều tín hiệu khởi sắc cho ngành nghỉ dưỡng”, bà Uyên nói.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top