Aa

Thị trường BĐS Việt Nam 2017 đi vào nhu cầu thực chất

Thứ Năm, 22/12/2016 - 06:01

Nhiều chuyên gia cho rằng trong năm tới, thị trường BĐS phát triển ổn định hơn và đi vào nhu cầu thực chất. Cơ cấu thị trường thay đổi theo hướng hướng nội, thực chất. Cơ cấu BĐS có sự dịch chuyển từ phân khúc trung, cao cấp sang phân khúc trung bình thấp. Tuy nhiên cũng phải đối mặt với nhiều thách thức lớn do tác động của nhiều yếu tố bên trong và bên ngoài.

Tham gia Hội thảo Triển vọng thị trường BĐS 2017: Tác động chính sách, nhiều chuyên gia đã có những phân tích hết sức cụ thể về các yếu tố tác động đến thị trường BĐS trong thời gian tới.

Theo đó, TS. Trần Kim Chung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết: Năm 2017, yếu tố thể chế đối với thị trường BĐS sẽ chuyển biến theo hướng thuận lợi. Trước đó, trong những tháng cuối năm 2016, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư theo hướng siết chặt dòng vốn tín dụng vào thị trường BĐS, tăng hệ số rủi ro với tín dụng BĐS từ 150% lên 250% và giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 60% xuống còn 40% theo lộ trình.

Các khoản thu về nhà đất tăng 32,6% so với dự toán, trong đó, thu tiền sử dụng đất tăng 28% so với dự toán, thu thuế sử dụng đất nông nghiệp tăng 38,7% so với dự toán.

Kinh doanh BĐS tăng 99,1% về số doanh nghiệp và tăng 242,5% về vốn đăng ký, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 23,1% và tăng 110,7% tương ứng.

Năm 2017, yếu tố thể chế đối với thị trường bất động sản chuyển biến theo hướng thuận lợi.

TS. Trần Kim Chung nhận định, năm 2017, yếu tố thể chế đối với thị trường BĐS chuyển biến theo hướng thuận lợi. Ảnh: Trần Kháng.

Giá BĐS thị trường sơ cấp đã tăng khoảng 5 – 7% so với đầu năm, giá bán tại thị trường thứ cấp cũng tăng khoảng 10 – 15%. Giao dịch thị trường BĐS nửa cuối năm 2016 phục hồi nhẹ sau nửa đầu năm chững lại. Phân khúc căn hộ có tỷ lệ hấp thụ lên tới gần 80%. Đây là tỷ lệ hấp thụ cao nhất trong vòng 4 năm. Riêng trong quý III/2016, có tổng cộng khoảng 5.273 căn được bán ra, tăng 52% so với quý trước...

Tín dụng đầu tư và kinh doanh BĐS chỉ chiếm 8,4% tổng tín dụng, giảm nhẹ so với tỷ trọng này năm 2015 (8,8%), cơ cấu tín dụng BĐS tiếp tục xu hướng tăng tỷ trọng tín dụng đối với cầu BĐS, giảm tỷ trọng đối với cung BĐS. Các sản phẩm BĐS định hướng cho người nước ngoài và yếu tố nước ngoài tăng mạnh. Các khu du lịch nghỉ dưỡng, các căn hộ, biệt thự nghỉ dưỡng phát triển mạnh. Các căn hộ cao cấp phục vụ yếu tố nước ngoài tăng mạnh

Dự báo xu thế và các phân mảng thị trường 2017, TS. Trần Kim Chung cho biết, khả năng thị trường sẽ giảm nhiệt, quy mô sẽ giảm khá nhiều do việc đầu cơ suy giảm. Cụ thể, BĐS sẽ phân hóa mạnh, chỉ một số dự án cục bộ có ưu thế tài chính, sản phẩm mới có thể tiêu thụ thuận lợi. Một số dự án đã triển khai sẽ được hoàn thành. Một số dự án chuẩn bị khởi công sẽ có thể bị đình hoãn.

Nguồn tín dụng từ hệ thống ngân hàng cho thị trường bị thu hẹp: các ngân hàng thương mại hầu như không còn dư địa về nguồn vốn ngắn hạn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước áp dụng từ tháng 1/2017; áp lực xử lý nợ xấu dự tín vào khoảng 100.000 tỷ đồng.

Dự báo về phân khúc dẫn dắt thị trường trong thời gian tới, TS. Trần Kim Chung nhận định sang năm 2017, phân khúc nhà ở xã hội và căn hộ giá thấp (trên dưới 1 tỷ đồng) sẽ là tâm điểm phát triển của thị trường trong giai đoạn tới.

Theo nhận định của TS. Trần Kim Chung, trong năm tới, thị trường BĐS phát triển ổn định hơn và đi vào nhu cầu thực chất. Cơ cấu thị trường thay đổi theo hướng hướng nội, thực chất. Cơ cấu BĐS có sự dịch chuyển từ phân khúc trung, cao cấp sang phân khúc trung bình thấp.

Bước sang năm 2017, bên cạnh một số yếu tố thuận lợi, nền kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức lớn, một mặt do tác động khó lường của kinh tế thế giới

TS. Nguyễn Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng bước sang năm 2017, bên cạnh một số yếu tố thuận lợi, nền kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức lớn, một mặt do tác động khó lường của kinh tế thế giới. Ảnh: Trần Kháng.

Tại Hội thảo, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho biết, trên thị trường quốc tế, sau sự kiện Vương quốc Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit), việc tỷ phú Donald Trump đắc cử Tổng thống thứ 45 của Mỹ, cùng xu hướng bảo hộ thương mại, khả năng Mỹ không tham gia Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP), sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc, đồng Nhân dân tệ tham gia vào giỏ SDR của IMF, việc Fed tăng lãi suất mới đây... đang đặt ra những vấn đề mới đối với nền kinh tế thế giới, tác động trực tiếp tới nền kinh tế của nhiều quốc gia, nhất là những nền kinh tế mới nổi, có độ mở lớn như Việt Nam.

Ở trong nước, năm 2016, sau Đại hội Đảng lần thứ XII, Chính phủ mới với nhiều nỗ lực và giải pháp quan trọng đã và đang được triển khai nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, nâng cao chất lượng và tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng GDP chưa đạt được chỉ tiêu đề ra do chịu tác động nặng nề của thiên tai trong suốt cả năm, thêm vào đó là sự cố thảm họa môi trường ở 4 tỉnh miền Trung và những yếu kém nội tại chưa được khắc phục, nhất là năng suất lao động, năng lực cạnh tranh và hiệu quả đầu tư thấp.

Bước sang năm 2017, bên cạnh một số yếu tố thuận lợi, nền kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức lớn, một mặt do tác động khó lường của kinh tế thế giới, mặt khác, do phải giải quyết nhiều vấn đề lớn như nợ cong, nợ xấu, tái cấu trúc gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và cả tác động khó lường của biến đổi khí hậu và cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4.

Đối với lĩnh vực BĐS, năm 2016, mặc dù tốc độ tăng trưởng tiếp tục được duy trì, nhưng cũng đã xuất hiện những cảnh báo về tình trạng mất cân đối, lệch pha cung - cầu, lệch pha tín dụng. Một số chính sách mới đã được ban hành chậm đi vào cuộc sống, nhất là chính sách về sở hữu nhà ở đối với người nước ngoài. Chính sách tín dụng và việc đề xuất đánh thuế người có 2 nhà trở lên cũng đang được các chủ thể tham gia thị trường hết sức quan tâm.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top