Aa

Thị trường BĐS Việt Nam: Vẫn còn “gót chân Asin”

Thứ Tư, 14/06/2017 - 01:08

Mặc dù có rất nhiều tiềm năng để “bùng nổ” trong những giai đoạn tiếp theo, song thị trường BĐS Việt Nam hiện nay vẫn tồn tại một số yếu điểm.

Theo đánh giá của Vietnamreport, ngoại trừ một số tên tuổi lớn trong ngành, ví dụ như Coteccons, Hòa Bình Corp, Vingroup, Novaland... thì nhìn chung các doanh nghiệp BĐS vẫn có quy mô vốn còn ở mức khiêm tốn, tiềm lực thiết kế, thi công còn yếu nên các dự án trên thị trường là phổ biến là các dự án có quy mô nhỏ, manh mún (cá biệt còn có một số dự án đã thực hiện xong nhưng chưa có sự kết nối với hạ tầng). Tinh thần hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp còn hạn chế, dẫn đến tình trạng cạnh tranh phá giá trên thị trường. Trong khi đó việc đầu tư các dự án BĐS rất cần các doanh nghiệp liên kết để có tiềm lực lớn.

Mặc dù có những chuyển biến tích cực (năm 2016 đã giảm được 98.975 tỷ đồng, tương ứng giảm 76,99% so với năm 2013) tuy nhiên tình hình tồn kho BĐS vẫn chưa được giải quyết triệt để, còn nhiều doanh nghiệp BĐS gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm của các dự án.

“Thương hiệu còn mờ nhạt vẫn là điểm yếu của nhiều doanh nghiệp BĐS hiện nay. Khá nhiều doanh nghiệp còn mang tư duy làm ăn “chụp giật”, lừa gạt khách hàng gây mất uy tín chung cho các doanh nghiệp trong ngành đơn cử như dự án Long Phụng Residence hay Petro Vietnam Landmark tại TP.HCM”, báo cáo Vietnamreport cho biết.

Hiện nay, các gói tín dụng dành cho BĐS đã bị “khóa van” (ví dụ gói hỗ trợ lãi suất 30.000 tỷ đồng đã kết thúc), trong khi đó một bộ phận người dân vẫn có mặt bằng thu nhập ở mức thấp do đó đã làm hạn chế sức cầu trên thị trường.

Bên cạnh đó, báo cáo của Vietnamreport nhắc đến nhiều bất cập khác đang diễn ra trên thị trường BĐS hiện nay như tình trạng quy hoạch treo, một số chính sách liên quan vẫn chưa thực sự thông thoáng, các tranh chấp đất đai, tiếp tục là điểm tiêu cực tác động đến môi trường kinh doanh, làm chậm tiến độ của một số dự án xây dựng.

“Nếu tình trạng này còn tiếp diễn trong tương lai sẽ có tác động xấu tới tâm lý của các doanh nghiệp trong và ngoài nước khi tham gia vào thị trường xây dựng và BĐS tại Việt Nam”, báo cáo của Vietnamreport nêu rõ.

Chưa kể, mặt bằng chung còn thấp của các doanh nghiệp trên các phương diện như trình độ quản lý, tác phong còn thiếu chuyên nghiệp trong các quy trình như thiết kế, quản lý dự án, quản lý đầu tư, quản lý vận hành sau đầu tư. Chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, thiếu sự đầu tư đồng bộ cũng là một điểm yếu của các doanh nghiệp xây dựng và BĐS hiện nay.

tiếp diễn trong tương lai sẽ có tác động xấu tới tâm lý của các doanh nghiệp trong và ngoài nước khi tham gia vào thị trường xây dựng và BĐS tại Việt Nam

Những điểm yếu trên thị trường nếu tiếp diễn trong tương lai sẽ có tác động xấu tới tâm lý của các doanh nghiệp trong và ngoài nước khi tham gia vào thị trường xây dựng và BĐS tại Việt Nam.

Cũng theo Vietnamreport, tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại, cùng các bất ổn như chính sách không nhất quán của chính phủ Mỹ, tăng trưởng ngày càng thấp của nền kinh tế Trung Quốc, nguy cơ tan vỡ của Liên minh Châu Âu đã lan tỏa nhiều tác động tiêu cực đến các nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam. Từ đó, các biến động trên thị trường quốc tế có thể sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam thông qua sự truyền dẫn của tỷ giá hối đoái, lãi suất, tín dụng và thị trường BĐS cũng sẽ đối mặt với nhiều thách thức mới.

Nguồn vốn tín dụng cho thị trường đang trong lộ trình thu hẹp khi đến năm 2017 theo quy định tỷ trọng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn vẫn là 50% nhưng đến qua năm 2018 sẽ chỉ còn 40%, trong khi đó năm 2016 vẫn ở mức 36%. Điều đó có nghĩa là nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ bị siết lại, đây cũng là thách thức cho các doanh nghiệp trong việc huy động nguồn lực tài chính nhằm phát triển thị trường trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, sự không chuyên nghiệp của đại đa số các doanh nghiệp trên thị trường, dẫn đến tư duy phong trào trong đầu tư, kinh doanh trên thị trường BĐS. Điều này dẫn đến khả năng bão hòa, dư thừa nguồn cung nhanh chóng khi tâm lý đầu cơ vẫn còn đang thịnh hành trên thị trường hiện nay.

Tuy nhiên, dự báo trong năm 2017 và cả những năm tiếp theo, thị trường sẽ có sự chuyển hướng mạnh mẽ vào phân khúc sản phẩm BĐS bình dân “vừa túi tiền”, đáp ứng nhu cầu thật của đa số hộ gia đình có thu nhập trung bình hoặc có thu nhập thấp. Hầu hết các doanh nghiệp lớn đều định hình thị trường mục tiêu là các sản phẩm trong phân khúc thị trường này.

Do đó mặc dù hiện tại thị trường đang có sự lệch pha cung cầu (có xu thế lệch về phía phân khúc BĐS cao cấp) nhưng từ năm 2017 trở đi cục diện có thể từng bước thay đổi để hướng đến sự cân bằng hơn trên thị trường. Đầu tư nước ngoài nói chung và đầu tư vào lĩnh vực BĐS nói riêng tại Việt Nam vẫn tiếp tục có đà tăng trưởng.

Theo báo cáo của Vietnamreport, trong năm 2017 này các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục dõi theo khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam do đây là khu vực có tăng trưởng kinh tế năng động, dân số trẻ và thu nhập đang nâng lên nhanh chóng.

Số liệu của Hiệp hội BĐS Việt Nam cho thấy, đầu tư vào lĩnh vực BĐS tại Việt Nam trong năm 2016 đã tăng 12% so với năm 2015 trước đó. Tiếp đà tăng trưởng đó, thị trường BĐS trong thời gian tới vẫn có sức hấp dẫn cao đối với khu vực nước ngoài trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng GDP Việt Nam đang dần hướng đến mốc 7% trong những năm tới đây.

Sức mua trên thị trường tiếp tục được cải thiện so với năm 2016 ở tất cả các phân khúc. Sức cầu được hỗ trợ bởi xu hướng đô thị hóa, tâm lý gia đình trẻ muốn ở độc lập, người nước ngoài được sở hữu nhà và kiều hối hàng năm đều gia tăng là nguồn lực rất lớn hỗ trợ thị trường xây dựng và BĐS trong các năm tiếp theo. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy kiều hối về Việt Nam đạt khoảng 12 tỷ USD năm 2016. Trong đó, có khoảng 21% đầu tư vào thị trường BĐS và có xu hướng tiếp tục tăng lên trong các năm tiếp theo. Các công cụ chính sách nhằm hỗ trợ, bảo vệ thị trường BĐS tiếp tục được thực hiện nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, tạo sức phát triển mạnh hơn cho thị trường.

Hoạt động mua bán và sát nhập (M&A) trên thị trường BĐS cũng được dự báo sẽ thêm sôi động trong năm 2017. Với lượng hàng tồn kho chuyển sang 2017 khoảng gần 31.842 tỷ đồng sẽ là mảng thị trường mua bán dự án rất sôi động cho cả doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Mặc dù vậy, Vietnamreport cho rằng, mức độ cạnh tranh trên thị trường sẽ ngày một tăng cao khi thị trường có biểu hiện của sự tăng trưởng lệch pha, biểu hiện rõ nhất là thiếu nhà ở giá bình dân, đặc biệt là nhà ở xã hội trong khi dư cung ở phân khúc hạng sang. Dự báo mức độ cạnh tranh cũng ngày càng “khốc liệt” khi thị trường có hàng loạt các doanh nghiệp nước ngoài có tiềm lực mạnh, chuyên nghiệp tham gia trong thời gian tới.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top